14/02/2015 - 16:13

Hiến pháp trong lòng dân

Lan Phương

“A, ngoại về”, bé Xuân Nguyên nhanh nhảu chạy ra mở cổng và nhận từ trên tay bà ngoại một xấp giấy tờ. Với tính tò mò của một đứa trẻ lớp 1, nó liền đọc chữ to nhất trên tờ giấy “Đề thi trắc nghiệm- Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Và rồi nó cứ lẽo đẽo theo bà ngoại nằn nì hỏi mãi “Ngoại ơi Hiến pháp là gì? Con có được thi không?”. Thế là bà ngoại bé Xuân Nguyên và cả nhà phải đọc bản Hiến pháp và tìm cách giải thích đơn giản nhất cho bé hiểu về Hiến pháp và từng câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm. Ngoại của bé Xuân Nguyên là Tổ trưởng Tổ dân phố ở khu vực 3, phường An Thới, quận Bình Thủy, đem xấp đề thi về để phát tới từng hộ dân trong tổ vận động tham gia cuộc thi này.

uyên truyền đưa Hiến pháp năm 2013 đến từng hộ dân để cùng thực thi và giám sát được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, kể từ khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực (ngày 1-1-2014). Trong 2 đợt họp Quốc hội năm 2014, việc triển khai Hiến pháp như thế nào cho thực tế, đến được với dân… được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Người bà ở câu chuyện nêu trên khi được cháu ngoại hỏi cũng lựa cách giải thích theo trí óc non nớt của trẻ: “Hiến pháp là quy định chung nhất bắt buộc mọi người phải tuân theo. Giống như ở trường của con, nhà trường có nội quy bắt buộc học sinh phải tuân theo. Còn lớp con cũng dựa vào nội quy đó có thêm quy định khác như: các bạn nói chuyện trong giờ học bị nhắc nhở mấy lần thì bị Hội đồng tự quản của lớp ghi tên để cô đưa ra trước lớp nhắc nhở vào giờ sinh hoạt chủ nhiệm chẳng hạn”. Đứa bé gật gù như hiểu chuyện.

 Hiến pháp được tuyên truyền lồng ghép trong Hội thi Tuyên truyền viên giỏi Liên hoan đờn ca tài tử  của huyện Thới Lai. Ảnh: CTV

Với một đứa trẻ có đầu óc non nớt như thế đã muốn “khám phá” về một quy định “lớn lao”, đạo luật gốc của đất nước. Đúng là đứa bé tò mò nhưng khi được giải thích cặn kẽ thì những quy định tưởng chừng khó diễn giải đó cũng phần nào thẩm thấu vào trí óc của trẻ và từ đó chúng dần nhận biết và có thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Trong một lần đến Trường THCS Thị trấn Phong Điền, tôi khá bất ngờ với câu nói của em Lưu Phạm Thảo Nguyên, lớp 9­1: “Em tưởng những tờ gấp tuyên truyền về Hiến pháp sẽ không đến tay học sinh chúng em! Bây giờ có rồi, em và các bạn sẽ tìm hiểu để biết nhiều hơn các quy định của Hiến pháp”. Câu nói của em Thảo Nguyên cho thấy học sinh cũng có nhu cầu tìm hiểu Hiến pháp. Huyện Phong Điền đã nhận thấy và đi đúng hướng- đưa Hiến pháp vào nhà trường. Dù các em học sinh chưa hiểu được nhiều về bản đạo luật gốc này, nhưng như em Thảo Nguyên nói: “Hiến pháp có quy định về các quyền của trẻ em và cũng quy định mọi người có quyền và nghĩa vụ phải học tập, trong đó có trẻ em”.

Nhìn những băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền về Hiến pháp được giăng ngang đường, đặt tại các khu đông dân cư, anh Nguyễn Văn Tiến, ở xã Mỹ Khánh cũng háo hức muốn tìm hiểu về Hiến pháp. Anh Tiến nói: “Tôi đã gần 40 tuổi mới thấy lần này Nhà nước tuyên truyền rầm rộ về Hiến pháp. Trước đó, nước ta cũng đã có mấy bản Hiến pháp, nhưng với bản Hiến pháp lần này được lấy ý kiến rộng rãi trong dân, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tìm hiểu kỹ càng về nó để thực hiện cho tốt”. Còn với anh Nguyễn Văn Phú, ngụ tại thị trấn Cờ Đỏ, sau khi xem buổi tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Cờ Đỏ đã không ngớt lời khen: “Các cán bộ làm công tác tuyên truyền biểu diễn hay quá. Mấy cái quy định được hát bằng điệu lý kéo chài, lý thẻ mực, lý con cóc, còn đọc ráp nữa chứ, người xem vỗ tay rần rần, lần đầu đi coi tuyên truyền pháp luật mà thấy đã hết sức. Xem xong, tui thấy những quy định của Hiến pháp cũng gần gũi nhưng tại hồi đó tới giờ mình không để ý như việc công dân đủ 18 tuổi thì được bầu cử, không được hành hạ trẻ em, mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường…”.

Phát huy tính dân chủ, trách nhiệm

Ngồi trầm ngâm nhấm nháp ly trà, ông Nguyễn Lương Bằng, ở phường An Thới, quận Bình Thủy tấm tắc khen: “Bản Hiến pháp 2013 này đúng là hiện đại, phù hợp với xu thế”. Rồi ông nhắc đến bản Hiến pháp năm 1946, ra đời khi đất nước vừa thoát khỏi vòng áp bức của thực dân sau 80 năm tranh đấu, khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc. Các bản Hiến pháp sau đó ra đời cũng kế thừa và hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Bản Hiến pháp năm 2013 cũng kế thừa các bản Hiến pháp đi trước và có những quy định phù hợp với điều kiện đổi mới của đất nước nhưng có một nét mới mà ông Bằng tâm đắc hơn hết là bản Hiến pháp này đã kết nối được tri thức của toàn dân. Từng là cán bộ tuyên giáo và có các con làm việc trong ngành giáo dục, công an nên các vấn đề thời sự, chính trị, ông Bằng luôn quan tâm. Ông nói: “Đây là bản Hiến pháp đầu tiên lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân, thể hiện sự dân chủ trong lập pháp. Việc làm này làm cho người dân thấy mình được tôn trọng và cần có trách nhiệm hơn với đất nước”.

Người dân đọc các tờ gấp tuyên truyền về Hiến pháp, lúc ngồi chờ nhận giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa quận Ninh Kiều.  

Bản Hiến pháp năm 2013 được các đại biểu Quốc hội “nhấn nút” thông qua với kết quả 97,59% đại biểu tán thành đã đánh dấu một bước ngoặt mới cho sự phát triển của đất nước. Để cho ra đời bản Hiến pháp mang tính trí tuệ toàn dân đã khó, việc đưa Hiến pháp đến được với dân lại càng khó hơn. Nhìn lại sau 1 năm ngày Hiến pháp có hiệu lực, ở Cần Thơ các ngành, các cấp đã trăn trở tìm tòi, sử dụng các loại hình văn hóa nghệ thuật “rặt” Nam bộ để đưa Hiến pháp đi vào lòng dân. Nội dung Hiến pháp được biến thể thành những câu hát, câu hò, điệu lý trong cuộc thi Tuyên truyền viên giỏi đờn ca tài tử tại Thới Lai; những buổi tuyên truyền cổ động sân khấu hóa làm say mê lòng dân ở Cờ Đỏ... Chứng kiến sự háo hức, chờ đợi để được xem biểu diễn văn nghệ tuyên truyền Hiến pháp của người dân mới thấy được những “mũi tên bắn ra” theo hình thức tuyên truyền này đã thực sự trúng đích. Ông Dương Tấn Giàu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Cờ Đỏ, bày tỏ: “Mỗi nơi đoàn tuyên truyền đến, thấy người dân hưởng ứng mạnh mẽ, chúng tôi càng phấn khởi”.

Để ngày càng nhiều người dân tiếp cận được Hiến pháp năm 2013, TP Cần Thơ đã tổ chức tuyên truyền miệng được hơn  13.106 cuộc với hơn 594.811 lượt người dự. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp và các quận, huyện đã in ấn, phân phối và nhân bản 337.000 tờ gấp tuyên truyền về Hiến pháp. Thông qua cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp; chương trình văn nghệ tuyên truyền Hiến pháp: Ban tổ chức đã phân phối 250.000 phiếu dự thi đến từng nhóm đối tượng trên toàn địa bàn thành phố. UBND các quận, huyện sao chụp thêm hàng chục ngàn mẫu phiếu dự thi, đảm bảo cơ bản từng hộ gia đình trên địa bàn quận, huyện và 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia cuộc thi... 

Một mùa xuân nữa đã đến, sau thời gian khá dài biên soạn, lấy ý kiến và đi đến một bản Hiến pháp hoàn chỉnh được thông qua, nhưng chị Dương Thị Đẹp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thới Hưng, vẫn còn nhiều kỷ niệm về việc cùng các ban, ngành đoàn thể khác đi xuống dân lấy ý kiến cho Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Chị Đẹp nhớ lại: “Tôi phụ trách công tác phụ nữ nên lúc đó, ngày nào cũng đi xuống các ấp, lấy ý kiến cũng xoay quanh các vấn đề liên quan đến phụ nữ là chính, như vậy mấy chị em mới hiểu và mạnh dạn đóng góp. Và bây giờ khi Hiến pháp đã có hiệu lực thì tôi cũng tìm đến chị em để phổ biến giúp chị em hiểu những quy định gần gũi để thực hiện…”. Cũng tương tự như thế, Phong Điền cũng đã biết xoáy vào đối tượng chính là học sinh. Thầy Hồ Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Phong Điền, bộc bạch: “Biết là các em học sinh mới nghe qua chưa thể hiểu được nhiều, nhưng trường có phát tờ gấp và có lưu các tài liệu về Hiến pháp ở thư viện để các em có thể tìm hiểu thêm. Với cách tuyên truyền này thì Hiến pháp không chỉ lan truyền đến với học sinh mà đến cả giáo viên và gia đình các em học sinh”.

Với cách giải thích đơn giản của bà ngoại bé Xuân Nguyên cũng đã giúp bé hiểu được chút ít về Hiến pháp. Hiến pháp đi vào lòng người từ những cách hiểu đơn giản và nó sẽ phát triển dần theo sự nhận thức ngày một lớn lên của mỗi người. Mục tiêu của việc tuyên truyền Hiến pháp mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cũng chỉ có thế. Mong mỏi người dân biết đến Hiến pháp từ những quy định rất gần gũi với mình để thực thi và giám sát việc thực thi đó.

Chia sẻ bài viết