18/07/2011 - 20:49

Hiến kế phát triển đồng bằng

Từ kết quả triển khai thực hiện và những bài học rút ra từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010” (Nghị quyết 21), tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 - vừa tổ chức tại TP Cần Thơ vào tuần qua - các đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương khu vực ĐBSCL đã trực tiếp nêu ý kiến và gửi các tham luận với nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm giúp ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và vững chắc…

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ: Sớm ban hành cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào ĐBSCL

 

Nhằm thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 21, hoàn thành mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, phát triển bền vững trên các mặt kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh cho vùng ĐBSCL, Trung ương cần sớm phê duyệt quy hoạch phát triển ĐBSCL giai đoạn 2011-2020 và ban hành cơ chế thu hút đầu tư vào vùng ĐBSCL theo đề xuất tại hội nghị “Đầu tư và phát triển ĐBSCL” tổ chức tại TP Cần Thơ vào tháng 9-2010; nhằm tăng cường hợp tác liên khu vực và đa ngành, hợp tác quản lý nguồn nước, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, khuyến khích phát triển những cụm kinh tế theo vùng. Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm lập quy hoạch bảo vệ nguồn nước sông Hậu, quy hoạch và đầu tư xây dựng bãi rác tập trung để xử lý rác thải nguy hại chung cho vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế đặc thù phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dịch vụ y tế của vùng ĐBSCL ngang bằng với cả nước; trước mắt tập trung vào xây dựng mới các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế kỹ thuật cao, các trường đại học và trung tâm đào tạo nghề cấp vùng.

Các bộ, ngành trung ương cần tăng cường vai trò đầu mối đối với sự hợp tác giữa các tỉnh trong vùng về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng mang tính chất liên tỉnh, liên vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH của từng địa phương cũng như vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, đặc biệt là mạng lưới giao thông kết nối giữa các tỉnh thành trong khu vực; Đẩy nhanh tiến độ đào kênh Quan Chánh Bố và khẩn trương xúc tiến nạo vét luồng Định An, bảo đảm luồng thông suốt cho tàu tải trọng 20 ngàn tấn ra vào thuận lợi; Tăng cường chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả; Chống các hành vi đầu cơ, gian lận của các tổ chức, cá nhân qua biên giới...

Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Hoàn thiện trường lớp, đổi mới phương pháp giáo dục

 

Nhằm tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH nhanh và bền vững của vùng ĐBSCL, đảm bảo trong vòng 5 năm tới, các chỉ tiêu về giáo dục, đào tạo của khu vực ĐBSCL ngang bằng với cả nước, cần tập trung hoàn thiện các nhiệm vụ trọng tâm:

- Hoàn thiện mạng lưới trường học, thực hiện kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học ở tất cả các lớp học, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, như: Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống phòng chức năng, phòng học bộ môn, thư viện,... tiến đến chuẩn hóa trường học. Thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ cho việc thành lập mới các trường đại học.

- Tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Mỗi địa phương và từng cơ sở đào tạo trong vùng xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo đề án của Chính phủ và Đề án Mêkông 1000.

- Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá. Tập trung chỉ đạo dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, phù hợp với từng nhóm đối tượng học sinh, đặc biệt đối với học sinh dân tộc nói chung và học sinh người Khmer nói riêng. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và đánh giá kết quả học sinh gắn với chuẩn đầu ra. Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo, dạy nghề vùng ĐBSCL, phấn đấu mức chi phí ngân sách cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề của vùng đến năm 2015 đạt 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề của cả nước. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp

 

Trước mắt cũng như lâu dài, ĐBSCL vẫn là một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế so sánh đặc biệt về nông lâm thủy sản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề xuất một số giải pháp chính để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển các ngành nông nghiệp như sau:

Tiến hành rà soát lại quy hoạch vùng, ngành hàng chính nhằm khai thác tối đa lợi thế của vùng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung, thâm canh, đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo phát triển bền vững; trong đó chú trọng các giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng hóa.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ nòng cốt trong vùng như Viện lúa ĐBSCL, Viện cây ăn quả miền Nam, Đại học Cần Thơ, Trung tâm giống Quốc gia thủy sản Cái Bè... đảm bảo các cơ sở này được trang bị hiện đại, có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, đủ sức đảm đương các công trình trọng điểm nhằm tạo ra những đột phá trong nông nghiệp.

Tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi, đê điều; hệ thống kho tàng chế biến nông lâm, thủy sản. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia mở rộng thi trường tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu. Chú trọng đào tạo nhân lực nông thôn; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế hộ sản xuất hàng hóa; củng cố và nâng cao vai trò hợp tác xã, tổ hợp tác làm chức năng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân đầu tư vào sản xuất nông, lâm, thủy sản...

Ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải phát triển mạng lưới giao thông

 

Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã rất quan tâm phát triển hệ thống đường bộ vùng ĐBSCL và cơ bản hoàn thành các mục tiêu về giao thông mà Nghị quyết 21 đề ra. Một số dự án nằm ngoài kế hoạch cũng đã được đầu tư và hoàn thành, như: Cầu Hàm Luông, cầu Gành Hào 2, tuyến Nam Sông Hậu, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam... tạo tiền đề cho sự phát triển KT-XH của các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, do ĐBSCL là vùng bị chia cắt bởi nhiều sông rạch, địa chất khá yếu, công tác giải phóng mặt bằng của các tỉnh đều chậm, tổng mức đầu tư tất cả các dự án đường bộ rất lớn nằm ngoài khả năng nguồn lực nên một số dự án vẫn chưa được đầu tư hoặc hoàn thành chậm ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của khu vực, như dự án cầu Vàm Cống, đường cao tốc từ Mỹ Thuận - Cần Thơ... chưa được thực hiện; vẫn còn nhiều xã chưa có đường xe ô tô đến trung tâm xã...

Để khắc phục những hạn chế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống giao thông vùng ĐBSCL theo kế hoạch, đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện hoàn chỉnh dứt điểm các công trình dở dang theo Quyết định số 344/2005/QĐ-TTg, về phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển giao thông vận tải vùng ĐBSCL đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; triển khai các dự án quan trọng hiện Bộ GTVT đang cho chuẩn bị đầu tư. Tạo cơ chế thông thoáng hơn để thu hút vốn đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách, mở rộng nguồn vay thương mại (Đầu tư BOT), PPP, nhượng bán quyền thu phí... Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nên bố trí bổ sung vốn trái phiếu chính phủ cho Bộ GTVT để tiếp tục triển khai các dự án dở dang tránh việc đình hoãn kéo dài và bố trí vốn cho các dự án đã chuẩn bị đầu tư.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án trên địa bàn, phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình triển khai dự án đầu tư trên địa bàn đảm bảo chất lượng và tiến độ; phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ, ngành tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về GTVT.

HOÀNG THANH (lược ghi)

Chia sẻ bài viết