25/06/2009 - 20:21

Hiểm họa ma túy

Ma túy đã cướp đi nhân cách của bao con người, có thể biến một người từ bình thường trở thành một kẻ phạm tội và gieo rắc HIV/AIDS cho nhiều người khác. Cách nào ngăn chặn và hạn chế sự cám dỗ của ma túy? Đó là con đường gian nan, đầy thử thách đối với các ngành chức năng và chính người bị nghiện. Nhưng trước hết, phải giúp mọi người nhận rõ những tác hại nguy hiểm của ma túy để mọi người chung tay ngăn chặn, phòng ngừa.

Bài 1: Ma túy và giới trẻ

Ma túy đang luồn lách vào tận hang cùng ngõ hẻm, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng từ sinh viên, học sinh đến công nhân, người lao động, đối tượng tệ nạn... Theo số liệu thống kê của Công an TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm 2009, toàn thành phố có 1.695 đối tượng nghiện ma túy (có hồ sơ quản lý). Trong đó, độ tuổi có liên quan đến ma túy đa số từ 18-30 tuổi. Điều này cho thấy ma túy đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào thanh thiếu niên.

Một bước sa chân

Cán bộ điều tra đang lấy lời khai hai đối tượng trộm máy vi tính để có tiền hút chích.
Ảnh: LAN PHƯƠNG

Nhà của H.L nằm trong một con hẻm vắng vẻ, trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Là con một trong gia đình, từ nhỏ H.L đã được nuông chiều, học hết lớp 9 học lực của H.L vẫn giữ loại khá. Cha mẹ H.L rất tin tưởng vào con. Khi H.L bước vào lớp 10, thấy việc học của con ngày càng nhiều, hôm nay thì học thêm toán, lý, ngày mai lại học hóa, Anh văn... không kịp thời gian ăn miếng cơm, cha mẹ H.L thương con, bắt đầu cho tiền để con kiếm gì lót dạ. Do mãi bận công việc làm ăn, cha mẹ H.L không còn thời gian để ý đến đứa con cưng.

Bẵng đi một thời gian, cha mẹ H.L ngỡ ngàng khi thấy nhà trường gởi giấy mời và đến trường mới tá hỏa khi hay H.L thường cúp tiết, điểm các môn học vào dạng kém. Không nghĩ con mình sa sút đến vậy, cha mẹ H.L về gặng hỏi, nhưng H.L nói là do “thầy cô dạy chán”. Không an tâm, cha mẹ H.L bắt đầu để ý, phát hiện thường có một nhóm bạn trông rất quậy đến rủ rê con mình. Mỗi lần như vậy, H.L thường nói dối là đi học và xin tiền ngày càng nhiều, nói là đóng tiền học thêm, rồi mua quà sinh nhật bạn... Một hôm, cha mẹ H.L tưởng chừng như chết ngất, khi vừa đi làm về, mở cửa vào nhà thấy H.L đang co giật trên nền nhà, bên cạnh là một ống kim tiêm... H.L thú nhận bị bạn bè “khích” dùng thử ma túy và thế là nghiện, phải theo tụi nó “hít” hoài, “hít” không đủ “phê” nên chuyển qua “chích”. Xấu hổ với làng xóm xung quanh, cha mẹ H.L quyết định bỏ công ăn việc làm âm thầm đưa H.L đi cai nghiện. Buồn rầu vì đứa con duy nhất của mình không nên người, cha H.L đã lâm bệnh nặng và qua đời. Còn lại một mình, mẹ H.L lủi thủi lo cho con. Hằng ngày, mẹ H.L vẫn luôn để ý đến từng cử chỉ, hành động của con. “Tôi sợ nó lại bị rủ rê tái nghiện, nên lúc nào tôi cũng vẫn phải dòm chừng nó... Lỗi này do tôi trước đây thiếu quan tâm đến con...”- những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má sạm nắng, mẹ H.L nghẹn ngào nói.

Là con trong một gia đình không mấy khá giả, cha làm việc ở cơ quan Nhà nước, còn mẹ buôn bán nhỏ. N.V.C năm nay 29 tuổi, nhưng đã có “thâm niên” gần 13 năm “làm bạn” với hêrôin. Nhà N.V.C nằm sâu trong con hẻm ở đường Trần Quang Diệu. Khi bước chân vào lớp 8, N.V.C đã có biểu hiện bất cần đời, thầy cô cấm gì là làm nấy. Nhà trường thông báo mời gia đình đến làm việc, nhưng sau đó, đâu cũng lại vào đấy. N.V.C còn rủ rê thêm nhiều học sinh cá biệt trong trường đi quậy phá. Em gái của N.V.C là P.H là người duy nhất có thể nói N.V.C nghe lời. Hầu như ngày nào P.H cũng phải đi vòng khắp những nhà người bạn của anh mình để kiếm N.V.C kêu về. Nhưng mọi nỗ lực của P.H như bị “dội một gáo nước lạnh” khi hay tin anh mình đã bị nghiện. Cha, mẹ nhốt N.V.C trong nhà, P.H khuyên nhủ anh nên đi cai nghiện, nhưng N.V.C không cưỡng lại được những cơn “đói thuốc” nên trộm tiền nhà rồi trốn đi biệt. P.H lo cho anh từ ngày này qua ngày khác, hỏi thăm tung tích của anh mình qua những người bạn của anh. Sau mấy tháng, tiêu xài hết tiền, N.V.C bị đám “anh chị” xua đuổi, không cho mua thiếu nên khi P.H gặp được N.V.C trong bộ dạng hết sức thảm hại. P.H quyết tâm kéo anh về nhà cùng gia đình động viên, N.V.C đồng ý đi cai nghiện. Bây giờ, khi nhắc đến quá khứ, N.V.C cảm thấy rất mắc cỡ. N.V.C nói: “Cũng nhờ em gái tôi, mà cũng may tôi chưa bị dính vào căn bệnh AIDS, nếu không giờ này tôi không biết sẽ như thế nào?”.

... vào vòng lao lý

Từ năm 2007, nghe theo lời dụ dỗ, Nguyễn Văn Tấn đã móc nối với Nguyễn Thị Hằng (ở cùng xóm, ấp Vĩnh Quy, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) để mua ma túy đem về bán lại cho các con nghiện. Hằng ngày, Tấn lân la đến cây xăng gần nhà để bắt mối với các con nghiện. Sợ bị phát hiện, nên các con nghiện dùng thủ đoạn bỏ tiền trong hộp thuốc lá để đưa cho Tấn. Sau khi nhận tiền, Tấn đến gặp Nguyễn Thị Hằng mua hê-rô-in đem về bán lại lấy lời, mỗi tép từ 10.000 đến 20.000 đồng. Không chỉ bán tại cây xăng, Tấn còn dùng điện thoại di động để liên lạc với các con nghiện. Từ năm 2007 đến khi bị bắt, Tấn đã bán ma túy cho rất nhiều con nghiện. Bà Mai Thị Mận, mẹ của Tấn nói: “Ở nhà đâu hay nó đi bán ma túy. Thấy nó không có nghề, cho tiền đi học lái xe, đâu ngờ nó lại như thế...”. Còn Nguyễn Thị Hằng thì dường như gia đình có “truyền thống” về mua bán, vận chuyển ma túy. 2 con của Hằng cũng đã bị bắt về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, bây giờ đến lượt Hằng, phải cùng chung cảnh lao lý với con, do mua bán trái phép chất ma túy. Tại phiên tòa diễn ra ngày 19-2-2009, HĐXX phân tích: Trong lúc mọi người đang ra sức đấu tranh chống loại tội phạm này, thì các bị cáo lại mua hê-rô-in về bán, làm băng hoại tầng lớp thanh thiếu niên, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm lây lan nhiều loại bệnh tật và các loại tội phạm khác, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Với tội ác này, Tấn và Hằng mỗi người phải chịu mức án 8 năm tù.

H.H.S là đối tượng nghiện nặng, bị AIDS giai đoạn cuối. Không có tiền thỏa mãn cơn ghiền, H.H.S bắt đầu lao vào con đường cướp giật. Chỉ trong vòng nửa tháng, H.H.S và đồng bọn đã thực hiện 3 vụ cướp giật. Khi thực hiện vụ cướp giật điện thoại trước cổng Trường Đại học Cần Thơ, thì H.H.S bị bắt. Còn L.T.T (sinh năm 1991, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều) và P.C.T.N (ngụ phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) là những thanh niên mới lớn, không lo học hành, lười lao động lại dính vào ma túy. Khi không được gia đình chu cấp tiền, đói thuốc, cả hai đã bàn bạc đi trộm tài sản của người khác để có tiền thỏa mãn cơn ghiền. Ngày 18-5-2009, L.T.T và P.C.T.N bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt về tội trộm cắp tài sản. Tại cơ quan điều tra, cả hai khai nhận đã thực hiện 17 vụ trộm cắp tài sản chủ yếu là máy vi tính, để có tiền tiêu xài cá nhân và chích hút ma túy.

Vì vướng vào con đường nghiện ngập mà H.V.V làm tiêu tan hạnh phúc gia đình, hủy hoại cả tương lai. Những lời khuyên can của cha mẹ già, của vợ, H.V.V đều bỏ ngoài tai. Sức khỏe H.V.V ngày càng suy kiệt, không thể đi làm nổi. Rồi khi lên cơn nghiện, túng tiền mua ma túy, H.V.V đi cướp giật dây chuyền để có tiền “phê” ma túy. Hôm ra trước tòa, H.V.V tỏ vẻ hối hận và lo lắng nói: “Không biết tôi có bị nhiễm HIV không, vì trong suốt gần 5 năm nghiện ngập, tôi đã dùng chung kim tiêm với rất nhiều người nghiện ma túy khác”. Mọi hối hận của H.V.V cũng đã muộn khi phải nhận lãnh bản án 6 năm tù về tội cướp giật tài sản.

Thượng tá Trương Kim Biên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ được Ủy Ban quốc gia phòng chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm xác định là một địa bàn trọng điểm và phức tạp về tệ nạn ma túy. Nguồn ma túy xâm nhập vào TP Cần Thơ chủ yếu là hê-rô-in và gần đây có thêm ma túy tổng hợp, do các đối tượng mua bán, vận chuyển nhỏ lẻ từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh biên giới Tây Nam. Hoạt động của bọn chúng thường mua bán nhỏ lẻ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không hình thành tụ điểm phức tạp và hoạt động lâu dài, nhằm che mắt cơ quan chức năng và dư luận xã hội. Đối tượng mua bán là thanh thiếu niên, trẻ em, phụ nữ... có tiền án, tiền sự, nhiễm HIV/AIDS, tham gia mua bán lẻ, tổ chức sử dụng ma túy chiếm tỷ lệ cao, trên 85%. Số đối tượng nghiện ma túy nữ ở độ tuổi từ 18-35 thường gắn với hoạt động bán dâm, số đối tượng nam thì tổ chức băng nhóm để trộm cắp trên đường phố lấy tiền mua thuốc sử dụng. Đa số các đối tượng này đều có HIV/AIDS trong người nên khi bị truy bắt chúng chống trả rất quyết liệt.

SƠN HÀ- THẢO MỘC

Bài 2: Chống tái nghiện, cần sự trợ lực...

 

 

 

 

Cán bộ điều tra đang lấy lời khai hai đối tượng trộm máy vi tính để có tiền hút chích. Ảnh: LAN PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết