02/06/2018 - 16:25

Hẹn hò trực tuyến làm giảm lòng tự trọng và tăng trầm cảm 

Trước khi có điện thoại thông minh, người độc thân thường mở rộng giao kết xã hội hoặc tham gia các câu lạc bộ kết bạn nhằm tìm kiếm một cuộc hẹn tiềm năng. Nhưng nay, công nghệ có thể mang lại hàng triệu cơ hội hẹn hò chỉ với vài lần nhấp chuột, vuốt, chạm màn hình hoặc nhắn tin. Tuy nhiên, những “ông tơ, bà nguyệt” ảo đôi khi cũng mang lại tác dụng ngược.

Hẹn hò ảo nhưng tổn thương thật

5 ứng dụng hẹn hò phổ biến - Tinder, Bumble, Match, Plenty Of Fish và Zoosk – nằm trong nhóm 50 ứng dụng xã hội có doanh thu cao nhất trong kho ứng dụng App Store của Apple. Những ứng dụng hẹn hò kiểu này đang ngày một phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn Match.com có hơn 7 triệu người tham gia có trả phí, tăng từ 3,4 triệu hồi năm 2014, trong khi ứng dụng Tinder thì tạo ra 1,6 tỉ lượt kết nối mỗi ngày, dẫn đến 1,5 triệu cuộc hẹn mỗi tuần. Nhưng liệu tất cả những cuộc hẹn hò dễ dàng này có khiến người ta hạnh phúc hơn không? Chắc là không.

Bạn gửi tin nhắn cho đối phương nhưng không được trả lời. Bạn có mặt đúng giờ đã hẹn, nhưng rốt cuộc bị cho “leo cây”. Thay vì bị từ chối trong cuộc hẹn vào cuối tuần, hẹn hò trực tuyến khiến người dùng bị từ chối nhiều hơn và nhanh hơn.

Các chuyên gia cho rằng mọi hình thức từ chối đều dẫn đến sự tổn thương. Theo một nghiên cứu đăng trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS), cảm giác bị từ chối kích hoạt cùng một vùng não xử lý sự đau đớn về thể chất. Về cơ bản, bộ não chúng ta không thể phân biệt giữa một trái tim tan vỡ với một cú gãy xương.

Cố gắng kết nối và giảm dần lòng tự trọng

Sự phổ biến của hẹn hò trực tuyến còn có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá bản thân, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Body hồi năm ngoái. Theo đó, khoảng 1.300 sinh viên đại học được hỏi về việc sử dụng Tinder, hình ảnh cơ thể và lòng tự trọng của họ. Nghiên cứu cho thấy người sử dụng ứng dụng dường như có lòng tự trọng thấp hơn so với những người không dùng ứng dụng này. Nhìn chung, người dùng Tinder ít hài lòng với cơ thể và ngoại hình của mình so với người không dùng ứng dụng hẹn hò vừa nêu - nhà nghiên cứu Jessica Strubel viết.

Chuyên gia Strubel cho rằng cách thức hoạt động của ứng dụng và những yêu cầu của nó đối với người dùng khiến người tham gia sau một thời gian có thể cảm thấy giá trị bản thân giảm xuống và chán tương tác xã hội, trong khi mức độ chỉ trích về ngoại hình và cơ thể chính mình lại tăng lên.

“Nghiện” công nghệ và vấn đề sức khỏe tâm thần

Năm ngoái, Match.com đã công bố một nghiên cứu về xu hướng hẹn hò gần đây cho thấy 15% số người độc thân cho biết họ cảm thấy nghiện quá trình tìm kiếm một cuộc hẹn qua mạng. 97% nam giới thừa nhận họ dễ bị nghiện hẹn hò trực tuyến, trong khi 54% phụ nữ cảm thấy bị tổn thương nhiều hơn bởi quá trình này.

Không chỉ vậy, nghiện sử dụng Internet và điện thoại di động còn ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Giáo sư tâm lý học Alejandro Lleras tại Đại học Illinois cho biết: “Những người tự nhận có hành vi nghiện Internet và điện thoại di động có điểm số đánh giá bệnh trầm cảm và lo âu cao hơn nhiều so với người không nghiện”. Đây là kết quả cuộc khảo sát mà ông và cộng sự tiến hành đối với 300 sinh viên, tập trung đánh giá mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần với mức độ sử dụng điện thoại di động, Internet cũng như động cơ sử dụng các thiết bị điện tử.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết