13/09/2018 - 07:30

Hệ lụy “giấy tay” 

Tình trạng người dân thực hiện việc chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất bằng cách tự viết giấy thỏa thuận, không thông qua các thủ tục theo quy định của nhà nước vẫn diễn ra phổ biến. Trong nhiều trường hợp, khi giá trị nhà, đất tăng, phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Căn nhà vợ chồng bà T. nhận chuyển nhượng. Ảnh: CHẤN HƯNG
Căn nhà vợ chồng bà T. nhận chuyển nhượng. Ảnh: CHẤN HƯNG

Nhiều tháng nay, chị Đỗ Thị Thanh T. (ở phường Thới Long, quận Ô Môn) như “ngồi trên đống lửa” bởi chị phải theo vụ khiếu kiện liên quan đến việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Năm 2013, vợ chồng chị có thỏa thuận nhận chuyển nhượng một phần nhà, đất, diện tích 78m2, trong tổng diện tích 190m2 đất, do bà Huỳnh Thị H. đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó, giữa chị và gia đình bà H. chỉ thỏa thuận lập tờ “giấy tay”, không lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định. Kể từ đó, gia đình chị trực tiếp sử dụng phần nhà, đất này. Nhiều lần, chị liên hệ với chính quyền và ngành chức năng để làm thủ tục chuyển nhượng, nhưng không được xem xét, giải quyết, bởi phần nhà, đất của chị đang sử dụng không đủ điều kiện để tách thửa. Chị T. cho biết: “Nhiều năm nay, tôi trực tiếp sử dụng phần diện tích nhà, đất đã nhận chuyển nhượng. Những tưởng việc mua bán đã suôn sẻ, nào ngờ, nay tôi lại dính líu đến việc tranh chấp quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong gia đình chủ đất cũ. Tôi không biết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tôi rồi sẽ được xem xét, giải quyết ra sao. Có lẽ tôi phải tốn nhiều thời gian, công sức đeo đuổi vụ kiện tụng, tranh chấp không đáng có này”.

Trường hợp của vợ chồng ông Phan Văn S. (ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) cũng tương tự. Trước đây, vợ chồng ông có thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ bà Cao Thị B., ngụ cùng địa phương. Việc chuyển nhượng này chỉ thỏa thuận bằng “giấy tay”, không lập hợp đồng chuyển nhượng theo quy định. Nay, phần đất này nằm trong quy hoạch, nên giá trị quyền sử dụng đất tăng. Từ đó, phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai bên. Ông S. cho biết: “Giữa chúng tôi có thỏa thuận bằng giấy viết tay, có những hộ lân cận và bà con lối xóm chứng kiến, nhưng không lập hợp đồng chuyển nhượng, không có chứng thực, công chứng theo quy định pháp luật. Khi vợ chồng tôi trực tiếp canh tác trên phần đất này, không ai nói năng hay tranh chấp gì. Đến khi phần đất “trúng” quy hoạch thì tranh chấp xảy ra”...

Thời gian qua, trên địa bàn TP Cần Thơ, tình trạng người dân thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng “giấy tay”, không lập hợp đồng chuyển nhượng theo quy định diễn ra khá phổ biến. Khi tranh chấp phát sinh, vụ việc sẽ được địa phương hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành, các bên đương sự sẽ làm thủ tục khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Theo Luật sư Lâm Văn Khuyển, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, để tránh những trường hợp rủi ro khi mua bán nhà, đất, người dân nên tuân thủ theo quy định của pháp luật, phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực, có như vậy quyền lợi mới đươc đảm bảo khi có những tranh chấp phát sinh. Tại các địa phương, việc công chứng, chứng thực các loại hợp đồng, văn bản về quyền sử dụng đất, đã được chuyển giao từ UBND xã, phường, thị trấn sang tổ chức hành nghề công chứng. Hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có tổ chức hành nghề công chứng, rất thuận tiện cho người dân thực hiện. 

 CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết