07/06/2011 - 09:43

Hãy cảnh giác với rượu thuốc!

Vào đêm 16-5 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc rượu do uống rượu thuốc. Các bệnh nhân này đã xuất viện sau 3 ngày điều trị. Được biết, ngoài 2 bệnh nhân này (trong cùng một tiệc rượu), còn có 1 người đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Qua vụ ngộ độc này cho thấy bà con còn rất chủ quan khi sử dụng bừa bãi các loại rượu thuốc.

* Tại sao rượu thuốc lại độc?

Trong rượu thuốc có thể có độc chất (Ảnh minh họa). 

Nhiều người cho rằng thuốc Bắc hoặc thuốc Nam sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, nên không có tác dụng phụ khi dùng ngâm rượu. Điều này dẫn đến các cách sử dụng thuốc Bắc sai lầm như dùng quá liều, phối hợp các vị thuốc không theo tỷ lệ hợp lý. Thực tế, mỗi vị thuốc đều có thể tác động tới nhiều cơ quan, trong khi sử dụng có thể có tác dụng nhất định trên một vài bộ phận; đồng thời, có thể gây ra tác dụng phụ nếu không phù hợp với tình trạng sức khỏe. Theo Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, về mặt nguyên tắc, đã gọi là thuốc, bất kể tân dược hay đông dược, đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể ngộ độc dẫn đến hậu quả chết người.

Trong thành phần thuốc ngâm rượu có thể hiện diện một hoặc nhiều vị thuốc (do kê đơn hoặc dùng nhầm lẫn) có độc tố cao như: phụ tử (có chất Aconitic), mã tiền (có chất Strychnin), cà độc dược (có chất scopolamin), cây lá ngón (độc chất chính là koumin và gelsenicin), mao địa hoàng (chất Digitalis), bán hạ (Pinellia ternata)... Ngoài ra, trong nhóm các vị thuốc thông thường như khương hoạt, ngưu tất, bạch quả, ô đầu, hoàng nàn... có chứa các gốc acaloide, glucoside, saponin... nếu dùng quá liều cũng có thể bị ngộ độc.

Trong nhiều thành phần rượu thuốc có thể có thành phần tương tác (tương kỵ), ví dụ gluxit chứa trong hạt bạch quả và hạnh nhân hòa tan trong rượu có thể sinh axit cyanogen có độc tính rất cao. Trường hợp khác là do sử dụng nhầm lẫn với cây lá ngón, cây cà độc dược, cây hoàng nàn, cây long não... Ngoài ra, có nhiều trường hợp do uống nhầm thuốc rượu loại thoa bóp ngoài da (để trị đau viêm, thấp khớp). Ngay cả các loại động vật ngâm rượu đôi khi cũng gây độc do độc tố từ côn trùng, mật cá trắm, lộc giác, độc tố Tetrodotoxin...

Thường sau khi uống rượu có độc chất từ 1 - 6 giờ, bệnh nhân có dấu hiệu ngộ độc như buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, kèm theo các triệu chứng nhiễm độc thần kinh như gây choáng váng, co giật, rối loạn tri giác, sưng phù toàn thân. Bệnh nhân bị nặng hơn có dấu hiệu tụt huyết áp, toan huyết, suy thận cấp, dễ dẫn đến tử vong.

* Biện pháp phòng tránh ngộ độc:

- Rượu thuốc cũng như các thang thuốc, đơn thuốc Tây y, phải được Lương y bắt mạch và kê đơn đầy đủ và tuân thủ liều lượng theo hướng dẫn. Không tự ý mua một số vị thuốc theo lời đồn đãi hoặc cây thuốc bán dạo để tự pha chế. Thận trọng khi trong gia đình có dùng dạng thuốc rượu xoa bóp: Nên có dán nhãn, cất giữ riêng biệt. Nên chọn rượu pha (rượu gốc) đảm bảo chất lượng. Sau khi uống rượu thuốc có dấu hiệu choáng váng, cảm giác buồn nôn hoặc tê môi, tê lưỡi, co giật... phải gây nôn ngay (bằng cách ngoáy họng) và nhanh chóng đến cơ sở y tế để cấp cứu.

CNYK ĐÀM HỒNG HẢI
(Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết