11/12/2007 - 11:56

Hãy bảo vệ dân nghèo!

Phải nắm chắc tình hình đời sống nhân dân, nhất là người dân ở các vùng khó khăn, những người thuộc diện chính sách, nghèo khó ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh vừa qua, để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, giúp dân sớm phục khó khăn, ổn định đời sống. Quyết không để người dân bị thiếu lương thực, thiếu thuốc chữa bệnh, thiếu giống để sản xuất. Song song đó, phải thực hiện nhiều giải pháp bình ổn giá; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá vào dịp cuối năm 2007 và Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008.

- Tới đây, các thành viên Chính phủ phải thực hiện kế hoạch đi công tác địa phương và cơ sở; thực hiện việc tiếp và đối thoại trực tiếp với nhân dân về các vấn đề thuộc phạm vi phụ trách của mình, thuộc phạm vi Chính phủ nếu được phân công.

Thông tin ở đoạn thứ nhất là nội dung cốt lõi trong chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp người dân, đặc biệt là người dân nghèo khó ở những vùng bị thiên tai, sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất trong dịp cuối năm. Còn thông tin ở đoạn thứ hai là một phần trong Nghị định 179/2007/NĐ-CP về quy chế làm việc của Chính phủ vừa được ban hành ngày 3-12-2007.

Những thông tin nêu trên cho thấy, tinh thần vì dân, phục vụ dân tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đặt lên hàng đầu trong thực thi trách nhiệm công vụ.

Năm 2007, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục được duy trì ở mức cao, nhưng đây cũng là năm đất nước ta, nhân dân ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 5 trận lụt lớn liên tiếp ở miền Trung trong tháng 10 và 11 vừa qua đã làm 117 người chết, 9 người mất tích, 88 người bị thương, hàng ngàn người lâm vào cảnh không có nhà. Dịch tiêu chảy cấp xuất hiện tại 13 tỉnh, thành phía Bắc ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Dịch bệnh tai xanh trên đàn heo ở nhiều địa phương ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi và giá thực phẩm. Những tháng cuối năm, giá nhiều loại hàng hóa- nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (xăng dầu, ga, lương thực thực phẩm, phân bón...) tiếp tục tăng vọt, đẩy nhiều người dân, nhiều địa phương lâm vào cảnh khốn khó.

Tại Hội thảo góp ý cho Chương trình mục tiêu quốc gia về sức khỏe môi trường đến năm 2015, tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 5-12 vừa qua, Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên- Môi trường) đã đưa ra lời cảnh báo: Bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế- xã hội, Việt Nam đang bắt đầu phải trả giá do chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề sức khỏe, môi trường. Thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi thời gian gần đây là một minh chứng. Như vậy là, tới đây nhiều người dân nghèo, người dân ở những vùng thường xuyên bị thiên tai sẽ tiếp tục phải gánh chịu những khó khăn, cơ cực.

Bây giờ là lúc mà những công bộc của dân cần phải sâu sát hơn với cuộc sống của người dân nghèo, nhất là ở những vùng vừa bị thiên tai, dịch bệnh; cần quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của những người nông dân, công nhân, người lao động nghèo thành thị, công chức, viên chức đang bị “cơn bão giá” hoành hành trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Có gần dân, thấu hiểu được nỗi khốn khó của dân thì mới có thể đưa ra những quyết sách phù hợp để giúp dân bớt khó. Và nhiều người vẫn còn nhớ rõ hình ảnh của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm đồng bào ở vùng lũ Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng ngay sau khi nước rút trong những ngày cuối tháng 11 vừa qua. Tổng Bí thư đã cùng nhiều cán bộ đã lội trên những con đường còn đầy sình lầy, trơn trợt sau lũ, đến tận nhà dân thăm hỏi những cụ già, những chị phụ nữ... Tinh thần và nghĩa cử đó của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã làm ấm lòng hàng triệu người dân vùng lũ. Đó cũng là một tấm gương về sự sâu sát của người lãnh đạo với nhân dân, bất luận ở cương vị nào.

Song, không phải lãnh đạo ở cấp nào, ngành nào cũng thể hiện được tinh thần và nghĩa cử đó. Xin được nêu 2 chuyện mới xảy ra gần đây. Chuyện thứ nhất xảy ra ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Với lý do sợ gia đình ông Ngô Văn Thành nghèo không có đủ tiền trả nợ nên cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện và cả Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Đức đều “thống nhất” chỉ cho con ông Thành (là sinh viên) vay ở mức 500.000 đồng/tháng để học tập. Mức cho vay này thấp hơn quy định của Chính phủ đến 300.000 đồng/tháng. Chuyện thứ hai: Mới đây, người dân ở tổ 9A, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, bị buộc phải nộp 5.000 hoặc 20.000 đồng/người thì mới được nhận quà cứu trợ lũ lụt. Hỏi ra mới biết, chủ trương đó do Hội Chữ thập đỏ phường đặt ra để bù đắp chi phí vận chuyển hàng cứu trợ. Rõ ràng, cách hành xử trên của những cán bộ cơ sở đã làm nhiều người dân nghèo không khỏi bức xúc. Vì nghèo nên ông Ngô Văn Thành mới đi vay tiền cho con học. Vì nghèo nên người dân mới đến nhận quà cứu trợ. Bớt xén mức tiền vay, buộc phải nộp tiền để nhận quà cứu trợ thì sự giúp đỡ dân nghèo trong khó khăn, hoạn nạn còn gì là ý nghĩa?

Qua những vụ việc nêu trên, vấn đề đặt ra là phải tăng cường kiểm tra, để kịp thời ngăn chặn những “lệ làng” tùy tiện, nhằm làm giảm bớt nỗi khổ của người dân, nhất là đối với dân nghèo.

GIA HƯNG

Chia sẻ bài viết