17/01/2018 - 09:26

Mỹ dọa cắt viện trợ cho người tị nạn Palestine

Hậu quả khó lường ! 

Trên khắp khu vực Trung Đông, hàng triệu người tị nạn Palestine phụ thuộc vào Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, trong bối cảnh Mỹ dọa ngừng rót tài chính cho cơ quan này.

Người Palestine tại thành phố Gaza nhận viện trợ lương thực từ UNRWA hôm 14-1. Ảnh: AP

Người Palestine tại thành phố Gaza nhận viện trợ lương thực từ UNRWA hôm 14-1. Ảnh: AP

UNRWA được thành lập sau cuộc chiến Trung Đông năm 1948, với nhiệm vụ viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine. Hiện có hơn 5 triệu người tị nạn và con cháu của họ dựa vào cơ quan này để có được các dịch vụ bao gồm giáo dục, chăm sóc y tế và thực phẩm. Người tị nạn Palestine tập trung đông nhất ở Gaza, Khu Bờ tây, Jordan và Lebanon. Tuy nhiên, đổ lỗi Palestine không đạt được những tiến bộ trong nỗ lực đàm phán hòa bình Trung Đông với Israel, Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa cắt viện trợ của Washington cho người dân Palestine, trong đó, UNRWA sẽ là cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng. Mỗi năm, Mỹ đóng góp khoảng 355 triệu USD cho UNRWA, chiếm xấp xỉ 1/3 ngân sách tổ chức này. Theo hãng tin AP, trong tuần này Nhà Trắng sẽ giữ lại hàng chục triệu USD trong gói viện trợ 125 triệu USD đầu tiên của năm nay.

Bất cứ hành động cắt viện trợ nào của Mỹ đều có thể để lại những hậu quả khó lường cho khu vực này. Gaza có thể là thử thách lớn nhất trong số tất cả khu vực hoạt động của UNRWA. 2/3 trong tổng số 2 triệu người tại dải đất này đủ điều kiện nhận các dịch vụ từ UNRWA. Với hơn 12.500 giáo viên, y tá và đội ngũ nhân viên, UNRWA là “nhân viên phi chính phủ lớn nhất” của Gaza. UNRWA cũng liên quan đến các dự án tái thiết thời hậu chiến. Vai trò của tổ chức này nổi bật trong bối cảnh kinh tế nơi đây khó khăn do chịu tác động nặng nề từ 3 cuộc chiến tranh với Israel và lệnh phong tỏa Israel-Ai Cập từ khi phong trào Hồi giáo  Hamas lên nắm quyền cách đây hơn 10 năm.

Trong khi đó, Jordan là “mái nhà” của số lượng người tị nạn Palestine và con cháu họ thuộc hàng đông đảo nhất, với gần 2,2 triệu người được nhận dịch vụ của UNRWA. Qua đó, UNRWA trở thành nhà đóng góp quan trọng cho các dịch vụ an sinh xã hội tại Jordan. Việc Mỹ cắt viện trợ có thể làm tăng nguy cơ bất ổn ở đất nước đang vật lộn với nền kinh tế suy thoái do bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở quốc gia láng giềng Syria và Iraq. Các dịch vụ của UNRWA cũng đóng vai trò quan trọng ở Lebanon - nơi có 175.000 người tị nạn Palestine sinh sống, nhưng họ bị cấm làm việc tại các cơ sở đòi hỏi tay nghề cũng như sở hữu tài sản.

Palestine kêu gọi PLO ngừng công nhận Israel

Tại cuộc họp bàn về quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hôm 15-1, các nhà lãnh đạo Palestine đã kêu gọi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ngừng công nhận Israel. Theo hãng tin AFP, qua cuộc bỏ phiếu với 74 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 12 phiếu trắng, Hội đồng Trung ương Palestine (một nhánh cấp cao của PLO) đã nhất trí yêu cầu tổ chức này ngừng công nhận Israel cho đến khi Israel công nhận Nhà nước Palestine, hủy bỏ việc sáp nhập Đông Jerusalem cũng như chấm dứt hoạt động xây dựng khu định cư.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Israel, bao gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Giáo dục, đã phê phán Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vì bài phát biểu chống lại ông Trump hôm 14-1. Khi đó, Tổng thống Abbas tuyên bố vai trò phân xử của Mỹ tại Trung Đông đã chấm dứt, chỉ trích phái viên của Nhà Trắng và mô tả Israel là âm mưu thực dân.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết