04/03/2008 - 21:58

Hấp dẫn mảng thị trường bán lẻ

Vài năm gần đây, TP Cần Thơ “bùng nổ” các siêu thị, trung tâm bán sỉ, cửa hàng tự chọn, chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ các sản phẩm điện tử công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ có tiếng trong nước đã và đang “chớp” cơ hội đầu tư tại đây. Dự báo, thị trường bán lẻ tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL sẽ còn rất sôi động khi “cánh cửa” hội nhập ngày càng rộng mở.

* Tiềm năng

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), Việt Nam là thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn đứng vào hàng thứ tư thế giới (chỉ sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc). Hiện cả nước có khoảng 140 siêu thị và đại siêu thị, 20 trung tâm thương mại và gần 1 triệu m2 mặt bằng kinh doanh bán lẻ đang được đầu tư phát triển. Với trên 80 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, thị trường bán lẻ Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động và có tiềm năng rất lớn. Thống kê của AVR, tổng mức bán lẻ của toàn xã hội giai đoạn 1995-2002 tăng trưởng 8-10%/năm. Đặc biệt, từ năm 2003-2007, con số này tăng lên 18-22%/năm. Riêng năm 2007, tổng mức bán lẻ đạt 740.000 tỉ đồng, tăng trên 23% so với năm 2006.

Tại TP Cần Thơ, hoạt động bán lẻ vài năm trước đây chủ yếu thông qua kênh phân phối hàng hóa tại các chợ, cửa hàng, tiệm tạp hóa nhỏ. Nay, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị, trung tâm bán lẻ lớn, và các chuỗi cửa hàng bán lẻ cộng với mức sống dần được nâng cao đã tác động tới xu hướng mua sắm, tiêu dùng của đại bộ phận dân cư. Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp là: hàng hóa khá phong phú, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá niêm yết, dịch vụ hậu mãi tốt, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự... Đặc biệt là giá bán không chênh lệch quá cao so với hệ thống chợ truyền thống. Người tiêu dùng có thể vừa mua sắm kết hợp giải trí, thư giãn.

 Xu hướng mua sắm tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ của người tiêu dùng đang phát triển mạnh. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Best Carings Cần Thơ.

TP Cần Thơ hiện có 5 siêu thị, trung tâm bán sỉ, 1 trung tâm thương mại và hàng loạt chuỗi bán lẻ chuyên doanh các sản phẩm công nghệ cao như: điện tử, điện máy, viễn thông... Dự báo, năm 2008, TP Cần Thơ sẽ có thêm ít nhất 3 trung tâm mua sắm lớn được đưa vào hoạt động càng tạo nên sự cạnh tranh sôi động giữa các nhà bán lẻ. Giới kinh doanh bán lẻ nhận định, sức tiêu thụ hàng hóa ở thị trường TP Cần Thơ hiện đang tăng mạnh, nhất là trong các ngày lễ, Tết... Trong đó, đứng đầu về mức tiêu thụ là nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày (thực phẩm, hàng tiêu dùng...), kế tiếp là nhóm mặt hàng thiết bị đầu cuối công nghệ cao.

Thống kê của Sở Thương mại TP Cần Thơ cho thấy, năm 2007, tổng mức hàng hóa bán ra trên địa bàn đạt khoảng 35.135 tỉ đồng, tăng 32,6% năm 2006. Trong đó, tổng giá trị bán lẻ chiếm gần 50%, tương đương khoảng 15.868 tỉ đồng và dự báo sẽ tăng lên khoảng 18.600 tỉ đồng năm 2008. Hiện vẫn tồn tại khá nhiều chợ truyền thống, cửa hiệu tạp hóa, song số lượng này sẽ ít đi, quy mô giảm dần và thay thế vào đó là các cửa hàng, trung tâm bán lẻ chuyên nghiệp. Xu hướng liên kết và mối quan hệ chặt chẽ, tương tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, bán lẻ sẽ dần được hình thành.

* Áp lực cạnh tranh

Bà Trần Ngọc Tuyển, Trưởng phòng đối ngoại, Công ty TNHH Bán lẻ FPT, nói: “Thị trường bán lẻ tại TP Cần Thơ và ĐBSCL có tiềm năng phát triển rất lớn. Nhu cầu tiêu dùng của người dân ngày càng cao nên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng như các tỉnh, thành phố khác, mảng thị trường bán lẻ tại khu vực ĐBSCL được dự báo là sẽ phát triển khá sôi động trong những năm tới. Tuy nhiên, để phát triển và thu hút các nhà đầu tư nhiều hơn nữa, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn, đảm bảo kết nối được với các vùng kinh tế trọng điểm khác”.

Khi mở cửa hoàn toàn thị trường phân phối từ tháng 1-2009, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn với các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tỉnh, thành phố lớn. Dự báo, áp lực cạnh tranh sẽ rất lớn vì nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Mẫu mã, chủng loại hàng hóa sẽ phong phú, giá cả và các chế độ hậu mãi sẽ được chú trọng hơn và người tiêu dùng càng được hưởng nhiều lợi thế khi mua hàng.

“Trong 1-2 năm tới đây, mạng lưới hạ tầng giao thông như: cầu, đường, sân bay... của TP Cần Thơ sẽ chính thức hòa nhập chung với cả nước sẽ là điểm thu hút các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đến đầu tư ngày càng nhiều hơn. Lúc đó, TP Cần Thơ không chỉ có Saigon Co.op, Metro, Best Carings, thegioididong, [IN], Saigon NguyenKim... mà có thể sẽ còn những tên tuổi của các nhà bán lẻ nước ngoài như: Big C, Wal-Mart, Carefour, Lotte...”-bà Trần Ngọc Tuyển, Trưởng phòng đối ngoại, Công ty TNHH Bán lẻ FPT cho biết thêm.

Còn ông Lê Hồng Xuân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiếp thị Bến Thành (Chủ sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Best Carings), cho rằng: tới đây, Best Carings sẽ chú trọng đầu tư nhiều cho việc đào tạo đội ngũ nhân viên, nâng cao chất lượng phục vụ tại 2 thị trường lớn (Hà Nội và Cần Thơ), làm hài lòng và giữ được lòng trung thành của khách hàng. Sức tiêu thụ hàng hóa tại các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Ngoài các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống thường ngày như: thực phẩm, hàng tiêu dùng... các nhóm mặt hàng điện tử, thiết bị di động... được dự đoán là mảng thị trường lớn, hứa hẹn nhiều tiềm năng. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể áp dụng những chính sách hậu mãi tiết kiệm hơn nhưng lại phù hợp với mong đợi của người tiêu dùng. Khi đó, khả năng cạnh tranh sẽ được nâng cao và không thua kém các nhà bán lẻ nước ngoài.

Hiện nay, hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước hiện cũng đa dạng từ chủng loại, mẫu mã đến chất lượng. Vấn đề là nhà bán lẻ chọn nguồn cung cấp nào để đảm bảo chất lượng. Nhà bán lẻ nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng phải mua sản phẩm có cùng một nguồn cung như các nhà bán lẻ trong nước. Như vậy, chất lượng hàng hóa không lệ thuộc vào nhà bán lẻ đó là trong nước hay nước ngoài mà lệ thuộc vào việc nhà bán lẻ đó mua nguồn hàng ở đâu. Nếu làm hài lòng khách hàng, về lâu dài, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước sẽ giảm bớt được áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia.

Ngoài ra, các yếu tố khác như: đầu tư vào hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, chiến lược khuyến mãi, các chính sách hỗ trợ mua hàng... sẽ củng cố thêm vị thế cho các nhà bán lẻ trong nước trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam.

Bài, ảnh: Triều Dâng

Thông tin từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết WTO của Việt Nam:
- Từ ngày 1-1-2008: cho phép liên doanh không hạn chế vốn góp từ phía nước ngoài.

- Từ ngày 1-1-2009: cho phép thành lập doanh nghiệp bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) chỉ được xem xét tùy theo từng trường hợp cụ thể.

- Từ ngày 1-1-2010: các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ bán buôn, bán lẻ tất cả các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam.

Chia sẻ bài viết