13/08/2017 - 16:10

Hành trình “tiêu chuẩn hóa” 

Theo thống kê của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), khoảng 36-38% số vụ trả hàng tại nước này là do chất gây dị ứng. Hàng bị trả lại là vấn đề nghiêm trọng về mặt kinh tế của doanh nghiệp… Đồng thời là mối lo ngại ngày càng tăng cả hai phía cung - cầu do “bất khả thi” trong tiêu chuẩn hóa dòng sản phẩm xuất khẩu.

Vien Phu Greenfarm, trang trại duy nhất ở cực Nam (Cà Mau) kiên trì thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ và đã nhận được chứng nhận USDA, Hoa Kỳ. 

Từ 2011-2016, có khoảng 800 kiện hàng Việt Nam bị giữ lại do Hải quan Hoa Kỳ từ chối cấp xác nhận do không thực hiện đúng tiêu chuẩn, đúng nghĩa vụ của nhà xuất khẩu. Các kiện hàng bị trả lại của Việt Nam, chi phí xuất khẩu đội lên rất nhiều. Doanh nghiệp chịu lỗ và không còn cơ hội xuất khẩu vào Hoa Kỳ dù xuất hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...

Thực ra, Luật an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ được áp dụng 60-70 năm nay. Nhưng các cơ quan chức năng và doanh nghiệp của Việt Nam chưa chú ý. Tình hình các doanh nghiệp than phiền tới 45% các đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ bị dội lại trong 5 tháng đầu năm 2017; trong đó do thiếu thủ tục giấy tờ, thiếu quy trình báo cáo đầy đủ là yếu tố quan trọng.

"Bây giờ  phải có hệ thống, có quy trình, có ngăn ngừa rủi ro. Đồng thời, phải lưu trữ toàn bộ hồ sơ giấy tờ nên chúng ta phải chạy nhanh, tích cực, chi tiết và phải nắm vấn đề rất cụ thể" - theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC).

Cuối tháng 4-2017,  Hội DN.HVNCLC tổ chức diễn đàn cung cấp kiến thức luật pháp về hiện đại hóa an toàn thực phẩm của  Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh.

Bà Vũ Kim Hạnh nói: “Mục tiêu của chúng ta là phát triển một chuỗi giá trị thực phẩm toàn cầu tin cậy và an toàn”.

“An toàn thực phẩm rất quan trọng với người tiêu dùng và sự phát triển kinh tế. Thậm chí, an toàn thực phẩm còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia nữa” - ông Rick Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu (GFSF), nói với các doanh nghiệp tham dự diễn đàn tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Herb Cochran, cố vấn Amcham Việt Nam, mỗi năm, có khoảng 48 triệu người tại Hoa Kỳ bị ngộ độc do thực phẩm; 128.000 người phải nhập viện và khoảng 3.000  người chết. Nhiều người có triệu chứng suy giảm miễn dịch, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ mang thai, người già. Ngộ độc thực phẩm không chỉ là đau bụng mà còn có thể gây ra các bệnh mãn tính như viêm khớp, thận…

200 quốc gia trên thế giới xuất khẩu hàng vào Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Malaysia… Nhưng nơi nhập khẩu lại mất rất nhiều thời gian để điều tra nguồn gốc bất an cho người tiêu dùng. Phản ứng như vậy là quá chậm, không đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng. Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ hướng tới việc tạo ra kênh thông tin để tiếp cận các doanh nghiệp.

Theo ông Herb Cochran, FDA đã có văn phòng tại Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu hoặc như Ấn Độ (bao gồm New Delhi và Mumbai), văn phòng tại châu Mỹ Latinh (bao gồm San Jose (Costa Rica), Santiago (Chile) và thành phố Mexico (Mexico), tại châu Âu bao gồm Brussel (Bỉ), London (Anh), và Parma (Ý).

 “Bây giờ các công ty xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải làm gì khi có các quy định mới của FDA và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)? Chúng ta cần phải có những kinh nghiệm cần thiết bằng cách thực hiện đánh giá và tuân thủ những quy định” - ông Nestor Scherbey, Tổng giám đốc Công ty TNHH Customs, Trade & Risk Management Sevices - Việt Nam, cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu, nói.

FDA và Cục Hải quan là hai đơn vị mà các doanh nghiệp phải làm việc khi đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ. Và hàng hóa phải đảm bảo việc tuân thủ tất cả các quy định Hải quan cũng như của FDA mà không có ưu ái nào.

Theo Đạo luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm Hoa Kỳ, Chứng nhận thực hành tốt phải được cấp lại hai năm một lần. Khoảng 19% doanh nghiệp không được cấp lại giấy chứng nhận này sau hai năm nếu không đánh giá lại tình hình của mình và cam kết tuân thủ theo đúng quy định của Hoa Kỳ và như vậy sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Luật này áp dụng cho cả người xuất khẩu lẫn người nhập hàng.

“Bằng cách đăng ký với FDA, theo luật mới, doanh nghiệp sẽ được xác thực rằng doanh nghiệp tuân thủ và thực hành tốt việc sản xuất hàng hóa khi đưa vào Hoa Kỳ. Khi doanh nghiệp đăng ký cũng có nghĩa doanh nghiệp đã cấp quyền cho FDA đến kiểm tra, thanh tra nhà máy của mình”, ông Nestor cho biết.

Kiện hàng trên 2.500 USD cần có thư bảo đảm của ngân hàng. Nó đảm bảo cho việc  tuân thủ quy định FDA. Sau 30 ngày, nếu không thực hiện đúng quy định ấy, không những hàng bị hủy tại Hoa Kỳ mà còn bị phạt, mức phạt gấp 3 lần giá trị hàng hóa nhập khẩu. Hải quan không cần biết anh là ai, chỉ biết anh phải làm đúng quy chuẩn. Nếu không, sẽ bị xử lý hàng hóa theo những quy chuẩn áp dụng toàn cầu. 

Sản phẩm có thể thu hồi khi bị xem là có nguy cơ sinh học, có thể bị triệu hồi. Đặc biệt, trong thực phẩm, hàm lượng dinh dưỡng, chất gây dị ứng được kiểm soát rất chặt chẽ. Cũng theo ông Nestor, vừa qua, có 2 kiện hàng cà phê bị trả về do có một số chất gây dị ứng trong cà phê chỉ vì không được kê khai rõ ràng trên bao bì sản phẩm.

Có hai cách thức để trở thành cá nhân đủ năng lực do FDA thừa nhận:

Một là: Tham dự một khóa đào tạo, tài liệu đào tạo do FDA ban hành. FDA lập nhiều tổ chức để tuyên truyền và triển khai luật này. Họ yêu cầu các doanh nghiệp cử người đi học lớp này, học xong sẽ được cấp chứng nhận trực tiếp từ tổ chức FSPCA. Việc phát giấy chứng nhận từ một nguồn để họ có thể tìm đến các doanh nghiệp dễ hơn, quy về một mối do FDA cấp. Đó là một trong những điều kiện cần vì sau này các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu vào Mỹ, họ yêu cầu đưa người đủ năng lực này là ai? Có giấy chứng nhận hay chưa? Có giấy chứng nhận bao nhiêu?

Thứ hai là: Quyển kế hoạch an toàn thực phẩm bao gồm những thông tin bắt buộc, theo luật của Hoa Kỳ, trong đó doanh nghiệp phải nhận ra mối nguy, rủi ro và đưa ra biện pháp kiểm soát, phòng ngừa như thế nào.

Ông Nguyễn Huy, Bureau Veritas, người được FDA  huấn luyện từ năm 2016 và hoạt động theo cơ chế tín thác đã triển khai được 10 khóa đào tạo, cấp trên 200 giấy chứng nhận. Hiện nay, khoảng 100-150 doanh nghiệp đã có thành viên được chứng nhận này. Công việc chính của lực lượng này là  giúp doanh nghiệp xem xét lại hệ thống an toàn thực phẩm của mình, điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu của luật mới, thông thường từ hệ thống kiểm soát, ngăn ngừa mối nguy.

Tuy nhiên, với con số doanh nghiệp xuất khẩu vào Hoa Kỳ khá hùng hậu, nhưng số người chịu học, được cấp chứng nhận như vậy là quá ít. Khi Luật Farm Bill có hiệu lực. Các doanh nghiệp không chỉ  hiểu biết các quy định của FDA, Hải quan và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước cũng chỉ mới có khoảng 50 doanh nghiệp được chứng nhận USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Tức là, số đông doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi chưa tiếp cận chuẩn mực an toàn thực phẩm có tính dẫn dắt toàn cầu.

 Bài, ảnh: Châu Lan

Chia sẻ bài viết