04/11/2015 - 20:15

Nhà máy thực phẩm An San

Hành trình đến với đặc sản Nhật Bản xuất khẩu

Nhà máy thực phẩm An San trực thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), chuyên chế biến nông sản xuất khẩu, chủ lực gồm: khoai lang (nướng, hấp, chiên), đậu bắp hấp, ớt chuông cắt sợi, củ sen hấp, bắp non hấp, bí ngòi hấp, nông sản mix, xoài cắt hạt lựu, cà tím (hấp, nướng, tươi)… Từ năm 2013 đến nay, nhà máy đã sản xuất thành công sản phẩm bánh nông thủy sản phối chế (Kakiage cải tiến) được khách hàng Nhật tín nhiệm, mở ra hướng đi mới, góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và tăng giá trị hàng nông sản của Sóc Trăng.

Sáng tạo và vượt khó

 Chế biến bánh Kakiage cải tiến tại Nhà máy An San.
 

Tuy là loại bánh truyền thống của Nhật, nhưng với tính sáng tạo của đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D), sản phẩm Kakiage do Nhà máy An San sản xuất có nhiều cải tiến hơn. Điển hình như: tăng thêm thành phần tôm thịt bên trên để bánh hấp dẫn hơn; thêm các loại nông sản khác, như: đậu que, củ sen, tần ô... Bánh Kakiage của nhà máy vẫn nhận được tín nhiệm cao của khách hàng Nhật Bản. Điều đó thể hiện qua quy mô sản xuất và tiêu thụ hằng năm tại thị trường khó tính này. Nếu như năm 2013, nhà máy chế biến gần 0,9 triệu bánh thì năm 2014 lên đến gần 1,5 triệu bánh và năm 2015 dự kiến khoảng 2 triệu bánh, đồng thời chuyển một phần sang làm một chi tiết sản phẩm trong tempura set (một loại món ăn truyền thống của Nhật). Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho biết: Kakiage đa phần được sản xuất tại Nhật Bản và tiêu dùng ngay, với từng công thức riêng biệt cho từng chuỗi nhà hàng để tạo ra nét hẫp dẫn riêng. Tuy sản phẩm chế biến tại Nhà máy, thực phẩm An San có các công thức không hoàn toàn giống những sản phẩm đã có nhưng vẫn thuyết phục được khách hàng và người tiêu dùng. Chính từ nét độc đáo và rất riêng đó, hiện tại trong nước không có đối thủ nào cạnh tranh được với nhà máy ở dòng sản phẩm này.

Theo ông Hồ Quốc Lực, do là sản phẩm mới nên quá trình thử nghiệm gặp không ít khó khăn, kể cả về nguyên liệu lẫn kỹ thuật chế biến. Do 100% sản phẩm được xuất vào thị trường Nhật nên các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nguyên liệu và cả mẫu mã đều thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Ông Lực cho biết thêm: "Các nguyên liệu phải được chọn lọc kỹ lưỡng, không có dư lượng nông dược hay chất kháng sinh cấm quá mức quy định của thị trường tiêu thụ, còn con ruốc phải đặt hàng cho cơ sở chế biến riêng, dứt khoát không được lẫn tạp chất. Hơn nữa, sản phẩm của An San còn có thêm tôm, nên bắt mắt hơn và đương nhiên là giá bán cao hơn. Vì vậy, cần có thời gian để người tiêu dùng quen dần với sản phẩm mang tính cao cấp so với các sản phẩm truyền thống đang phổ biến tại thị trường Nhật".

Ngay từ khâu làm khuôn, nhà máy phải thực nghiệm, điều chỉnh nhiều lần để khi lấy bánh ra sau khi chiên dễ dàng mà không bị gãy bánh. Hay như việc định hình bánh như thế nào để sau chiên bánh có nhiều lổ hổng bên trong (giống như tàng ong) làm cho bánh được chín đều, không bị sống ở giữa hoặc bị khét vàng bên ngoài cũng cần khéo léo và nhanh tay, nếu không bánh sẽ bị sụp, các lỗ hổng bên trong không có phải dạt bỏ. Ông Hồ Quốc Lực chia sẻ: "Trong bánh có nhiều thành phần, có loại chín nhanh, như: hành tây, rau tần ô… cũng có loại lâu chín như: cà rốt, khoai tây... nên việc làm thế nào để các loại rau củ chín nhanh không bị khét hoặc chuyển màu trong lúc chiên thời gian bằng nhau cần có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt... Phải làm sao cho chiếc bánh đúng phẩm chất như chiếc bánh truyền thống của Nhật Bản, nhưng lại phải chứng minh cho thực khách biết có sự khác biệt của chiếc bánh do An San sản xuất".

Độc đáo và duy nhất

Kakiage cải tiến được kiểm tra nghiêm nhặt từ nguyên liệu đến các công đoạn quy trình chế biến và có giá tiêu thụ phải chăng, nên 100% sản phẩm khi xuất vào thị trường Nhật thu hút người tiêu dùng ngày càng tốt hơn. Từ một đầu mối tiêu thụ ban đầu, đến nay An San có ba đầu mối và hầu hết khách hàng khi dùng bánh Kakiage cải tiến của An San đều có chung nhận xét: "Bánh có sự khác biệt và có nét hấp dẫn riêng so với bánh truyền thống".

     Bánh Kakiage cải tiến.

Hiện nay, An San là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất thành công bánh Kakiage cung cấp cho các nhà hàng Nhật Bản. Từ sản lượng vài ngàn cái mang tính thử nghiệm, đến nay, sản phẩm bánh phối chế Kakiage của An San tăng lên 2 triệu cái/năm, chiếm 1/3 doanh số và 1/2 lợi nhuận của nhà máy, trở thành niềm tự hào của đội ngũ R&D của Nhà máy An San. Tác giả của Kakiage cải tiến, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, nói: "Kakiage được tiêu thụ tốt, tính cạnh tranh cao, dễ tiêu thụ. Nhà máy có điều kiện cải thiện giá mua nông sản, góp phần thúc đẩy việc sản xuất theo quy trình chuẩn mực (GAP), góp phần hình thành chuỗi giá trị gia tăng trong nông sản".

Từ thành quả Kakiage, đội ngũ lãnh đạo và R&D của nhà máy tiếp tục sáng tạo, tìm ra sự phối trộn hoàn toàn mới từ khoai lang random hấp, bí ngòi, bắp non, ớt chuông luộc, cà chiên, bí ngòi chiên… để tạo nên mặt hàng random mix và italianmix thu hút khách hàng Nhật Bản. Các mặt hàng random mix, italianmix hay Kakiage không chỉ là những mặt hàng chủ lực của nhà máy, mà còn làm phong phú, tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông, thủy sản của tỉnh; tạo việc làm và tăng sức cạnh tranh, tăng uy tín hàng Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

Kakiage "made in An San" đã và đang được đối tác Nhật Bản đánh giá cao. Điều này một lần nữa minh chứng, sản phẩm nông, thủy sản của Sóc Trăng hay của cả nước vẫn đủ khả năng hội nhập vào các thị trường khó tính, nếu được nghiên cứu, đầu tư phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ông Hồ Quốc Lực chia sẻ: "Sản phẩm Kakiage cải tiến tiêu thụ tốt, sẽ giúp cải thiện giá mua nông sản, góp phần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm trong nông sản, tạo kênh tiêu thụ tốt và nâng cao thu nhập cho nông dân".

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết