13/01/2018 - 09:30

Hành trang hội nhập của tuổi trẻ 

Ở Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều), có những giờ học đặc biệt mà ở đó, giáo viên và học sinh khi thì trở thành thương hồ trên chợ nổi, khi là nghệ nhân làm hủ tiếu, lúc lại là những nông dân nuôi cá, làm vườn… “Học đi đôi với hành”, các học sinh được trang bị những kiến thức thực tế thông qua hoạt động trải nghiệm để vững tin hội nhập.

Lớp học không bục giảng

Thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho biết: Đó là những hoạt động nằm trong chương trình “Giáo dục nhà trường gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương”, thực hiện từ tháng 10-2016. Các dự án mà học sinh tham gia là giáo dục nhà trường gắn với 7 nghề: hướng dẫn viên du lịch và chợ nổi Cái Răng; trồng cây ăn trái kết hợp với nuôi thủy sản; kinh doanh rau màu ở TP Cần Thơ; sản xuất kinh doanh hủ tiếu; nuôi và kinh doanh thủy sản, kinh doanh rau củ quả trên chợ nổi Cái Răng; và hội họa điêu khắc. Có gần 620 học sinh tham gia 7 dự án này, rải đều ở các khối lớp 10, 11 và 12.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng giới thiệu các dự án đã thực hiện. Ảnh: DUY KHÔI

Học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng giới thiệu các dự án đã thực hiện. Ảnh: DUY KHÔI

Một sáng cuối tuần, nhóm học sinh tiến thẳng quốc lộ 61C, đoạn thuộc địa bàn huyện Phong Điền, vào khu vườn sinh thái của ông Đặng Ngọc Nhẫn. Sau cảm giác choáng ngợp trước rừng tràm bạt ngàn, ao cá rộng lớn và những liếp cam trĩu quả, các em được giới thiệu về môi trường sinh thái nơi đây, trực tiếp làm cỏ vườn, chăm sóc cây trái… Nhưng có lẽ, thú vị nhất là phần thi tài mò ốc, bắt cá. Những học sinh chưa từng biết chuyện đồng áng nay trở thành những nông dân thực thụ. Em Lâm Nguyễn Phước Lợi, học sinh lớp 11A4, nói rằng, rất ấn tượng với khung cảnh thanh bình của khu vườn, lần đầu tiên được xắn tay bắt cá, mò ốc nên cảm giác rất thích thú. “Trải nghiệm này còn cho em thấy lao động vất vả của người dân khi trồng ra cây trái, nuôi con cá… Những thành quả ấy rất đáng được trân trọng”- Phước Lợi nói.

Hoạt động hóa thân thành thương hồ, hướng dẫn viên du lịch trên chợ nổi Cái Răng, cũng để lại nhiều ấn tượng cho các học sinh. Các em hào hứng khi biết có nhiều cách để định lượng hàng hóa như cân ký, đếm chục, bán mão… Nhiều em chỉ mới học vài lần đã quăng bắt hàng hóa khéo léo như thương hồ thứ thiệt. Nhưng có lẽ, thông qua việc giới thiệu vẻ đẹp của chợ nổi Cái Răng đến du khách, các em tích lũy nhiều kiến thức xã hội và ngoại ngữ. “Hành khách chú ý! Trước mắt chúng ta là cây bẹo. Nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây sào sẽ treo vài củ khoai…”- một “hướng dẫn viên áo trắng” dõng dạc. Em Lê Phạm Uyển Nhã, học sinh lớp 11A1, nói rằng, tham gia hoạt động ngoại khóa này giúp các em tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh, tích lũy kiến thức xã hội từ các thương hồ trên chợ nổi… Uyển Nhã vẫn nhớ lần gặp và kết thân với đôi bạn trẻ người Đức đi du lịch trải nghiệm trên chợ nổi. Nhã và các bạn đã hướng dẫn đôi bạn ấy bằng khả năng ngoại ngữ của mình.

Với những dự án giáo dục khác, học sinh cũng rất hào hứng khi sắm vai nghệ nhân tráng bánh để làm hủ tiếu, sắm vai nông dân cho cá ăn... Độ pH bao nhiêu là vừa cho cá, chế độ thức ăn ra sao cho cá gần đến kỳ thu hoạch… được các em ghi chép cẩn thận. Những nghệ nhân, thương hồ, nông dân “rặt” bỗng trở thành giáo viên của lớp học không bục giảng- lớp học mà trên mui ghe, chái nhà, bờ đê, liếp vườn… Thầy Hiệu trưởng Võ Đức Chỉnh lấy một ví dụ: Trước giờ các em được học về độ pH nhưng hoàn toàn chưa áp dụng thực tế. Việc các em tự múc nước dưới ao cá, đo và so sánh bảng màu sẽ là những kiến thức sát sườn.

Trải nghiệm để hội nhập

Hiện nay, câu chuyện “học thiếu hành”, giáo dục lý thuyết mà không gắn liền thực tiễn khiến “thợ ít thầy nhiều” luôn là vấn đề nóng của ngành giáo dục. Càng nóng hơn với câu chuyện tuổi trẻ hiện nay thiếu kỹ năng sống, thiếu trải nghiệm thực tế khi chỉ “từ nhà đến trường”. Các dự án giáo dục triển khai ở Trường THPT Nguyễn Việt Hồng đã góp phần hiến kế và chứng minh bằng thực tế trong việc gỡ những nút thắt ấy. Con số hơn 115 học sinh tham gia ở năm học trước và năm học này lên đến gần 620 em cho thấy sức hút của các dự án.

Thầy Võ Đức Chỉnh cho rằng, các dự án này giúp các em hoàn thiện kiến thức ở nhiều lĩnh vực: ngoại ngữ thông qua giao tiếp, văn hóa- lịch sử địa phương, kiến thức vật lý, sinh học, kinh tế... Trước khi đi trải nghiệm và hóa thân, các em sẽ học lý thuyết tại trường, được nghe giới thiệu và xem hình ảnh để khỏi bỡ ngỡ khi va chạm thực tế- “ra ngoài đời” để phát huy năng lực bản thân. “Những hoạt động này ngoài việc định hướng nghề nghiệp còn giúp các em nuôi dưỡng ước mơ, đam mê và hoài bão trong tương lai”- thầy Chỉnh nói.

Học sinh trải nghiệm tát mương bắt cá. Ảnh: N.NhẫnHọc sinh trải nghiệm tát mương bắt cá. Ảnh: N.Nhẫn

Như em Đỗ Hồng Xuân, lớp 12A1, tham gia dự án giáo dục nhà trường gắn với nghề sản xuất và kinh doanh hủ tiếu. Xuân nói rằng, thực ra nhà em cũng từng làm hủ tiếu nên các công đoạn không quá xa lạ. Có chăng là cách chủ cơ sở làm du lịch rất hay- dân dã và hiệu quả. Xuân xông xáo chạy bàn, lau dọn bàn ghế, rồi trò chuyện bằng tiếng Anh với du khách. Trong nhiệt huyết ấy, dễ thấy tâm huyết làm giàu bằng nghề truyền thống trong tương lai của nam sinh này. “Đó không chỉ là ước mơ mà là trách nhiệm của người trẻ chúng em”- Hồng Xuân nói.

Thật ấn tượng với cách dùng từ “ra ngoài đời” của thầy Hiệu trưởng Võ Đức Chỉnh. Thực tế, xã hội đang đau đầu khi có nhiều em học giỏi, điểm cao nhưng khi va chạm thực tế thì thiếu kỹ năng sống, kỹ năng hội nhập. Có lẽ vậy mà việc học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Hồng “ra ngoài đời” đã nhận được sự ủng hộ từ phía phụ huynh. Ông Phạm Hoàng Nghĩa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế- hướng dẫn nghề hướng dẫn viên trên chợ nổi Cái Răng; ông Đặng Ngọc Nhẫn- hỗ trợ dự án kết hợp trồng cây ăn trái với nuôi thủy sản tại huyện Phong Điền… đều là phụ huynh học sinh của trường.  Ông Đặng Ngọc Nhẫn nói rằng, ông cũng là cựu học sinh của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, nay con ông lại theo học nên khi biết nhà trường có dự án hay như thế, ông đã xin được hỗ trợ. “Có nhiều em không biết cây nào là cỏ cây nào là rau. Chuyện trải nghiệm này mang đến cho các em bài học cuộc sống, kích thích khả năng tư duy, sáng tạo”- ông Nhẫn nói.

Tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Trong xu thế hội nhập, vai trò của người trẻ càng được nâng cao và đòi hỏi nhiều hơn. Không chỉ là những thanh niên “giỏi học” mà phải “giỏi hành”, giàu kỹ năng sống. Cũng không chỉ là kiến thức sách vở mà là kiến thức thực tế, giao tiếp, ứng xử. Từ các dự án mà Trường THPT Nguyễn Việt Hồng đã thực hiện, chúng tôi cảm nhận nơi các học sinh tham gia sự trân quý sức lao động. Rằng, để trồng nên trái cam, nuôi lớn con cá, người nông dân đã bỏ bao công sức, trí tuệ vào đó. Đó là “giá trị thặng dư” quý báu từ các dự án này.

Ở khía cạnh thực tế hơn, với học sinh các trường ở thành phố, sân chơi dành cho các em vẫn còn thiếu nên những chuyến trải nghiệm, hướng nghiệp thông qua các hoạt động đặc thù của địa phương là hoạt động rất thú vị, cách giải trí rất hiệu quả. “Ví như cách giao tiếp với du khách nước ngoài của các em còn thể hiện văn hóa mến khách của người Việt Nam bởi sự nhiệt huyết của những người trẻ- thầy Võ Đức Chỉnh phân tích thêm.

 Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết