01/06/2018 - 07:48

Hàng Việt - Thương mại tự tin 

Mỹ sẽ quyết định số phận cá tra Việt Nam sau khi tiến hành kiểm tra quy trình xuất khẩu tại gốc từ ngày 14 đến ngày 25-5-2018? Có vẻ như cá nằm trên thớt? Chết tới nơi! Một doanh nhân tại Cần Thơ thông tin như vậy.

Ông bà Dominik, người Đức tìm hiểu cách chế biến cá tra ngũ vị. Ảnh: CH.L
Ông bà Dominik, người Đức tìm hiểu cách chế biến cá tra ngũ vị. Ảnh: CH.L

Món ngon Mekong

Đối với dân miền Tây, cá tra có thể làm biết bao món ngon. Cô Bé Bảy ở Bình Thủy từng làm món cá tra ngũ vị, đạt giải ba Mekong Chef. Rusilah ở làng Chăm thi tài nấu ăn và đoạt giải cao với món Pangasius cari, một cách tiếp biến của món đặc trưng Ka Pua trong các lễ hội của người Chăm Islam Châu Giang. Nhiều nhà hàng nấu món cá tra nấu cam ăn với bánh mì… quá ngon. Co May Group làm món da cá chiên giòn bán tại Singapore, đắt như tôm tươi.

Chưa có nghiên cứu, đánh giá từ người dùng khi việc mua bán chủ yếu là nguyên liệu, chưa chú trọng quảng bá món ngon như người Thái…Chỉ là phi-lê đông lạnh hoặc cá cắt khúc, nhưng 4 tháng đầu năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra gần 600 triệu USD, tăng 18% so cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là thị trường Mỹ, Trung Quốc, ASEAN và Colombia. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cá tra trị giá 145 triệu USD, Mỹ nhập trên 108 triệu USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2016, vào thời điểm nộp hồ sơ theo quy trình công nhận tương đương, phía Mỹ chấp nhận 62 doanh nghiệp của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Mỹ. Gần đây con số còn 50 theo truyền thông trong nước.

Nếu đối chiếu với mức thuế và năng lực cạnh tranh thì nguồn cá cung cấp chủ yếu vào thị trường Mỹ hiện thời chỉ có Công ty Vĩnh Hoàn và Công ty Biển Đông. Một số công ty khác cũng cung hàng cho Walmart, nhưng hành trình sản phẩm đi sang Dubai, Trung Đông hay các nước châu Á chứ không trực tiếp vào thị trường này.

Người Việt có câu “nhập gia tùy tục” vì vậy không có gì lạ khi các công ty Nhật tới nơi  kiểm tra thực địa, hồ sơ và hệ thống kiểm soát mối nguy… khi đưa hàng vào thị trường này. Năm 2017, Mỹ chính thức thực thi đầy đủ quy định của Đạo luật Nông trại (Farm Bill) áp dụng đối với các sản phẩm cá da trơn, Walmart dù không đưa hàng về Mỹ nhưng họ cũng từng kiểm tra nhà cung cấp tại gốc để bảo đảm cam kết chuẩn mực hàng hóa với người dùng. Vậy có gì ngạc nhiên khi Cục thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS) của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) kiểm tra quy trình từ ngày 14 đến 25-5?

Nhập gia tùy tục

Điều khác biệt trong lần kiểm tra này là FSIS đánh giá và công nhận tương đương nghề cá tra Việt Nam và Mỹ. “Chẳng có gì phải lo nếu mình đã làm tốt!”, một doanh nhân ở Cần Thơ nói.

Qui trình kiểm tra 6 bước này, Việt Nam đã hoàn tất bước thứ ba tức là xong phần thủ tục để Mỹ chấp nhận hồ sơ và yêu cầu FSIS đánh giá tương đương, cũng như hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT) và các hồ sơ có liên quan. Hiện nay là bước thứ tư: thanh tra thực tế trước khi đưa ra dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý và công nhận tương đương, chẳng có gì ầm ĩ, cũng theo doanh nhân trên.

Đưa hàng vào thị trường Mỹ, nếu không biết những thành phẩm phải đáp ứng 85 yêu cầu về thú y, 106 yêu cầu về dư lượng thuốc trừ sâu, 17 yêu cầu về hàm lượng kim loại, 8 yêu cầu về vi sinh và hóa chất thì khó khăn là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, doanh nghiệp phải biết quy định của Farm Bill và luật hiện đại hóa an toàn vệ sinh thực phẩm của Mỹ. “Giống như xe tải lên chiếc cầu cao, xe phải đủ mạnh và vào làn đường rồi thì phải hiểu luật nước sở tại. “ Có hiểu được mọi thứ mới tự tin, chúng tôi có một chuyên gia nghiên cứu những vấn đề pháp lý ở tại Mỹ, trình độ tiến sĩ”, doanh nhân này nói.

Thương mại tự tin

“Họ kiểm soát nghiêm ngặt từ sản xuất con giống, thu hoạch, vận chuyển, cho đến chế biến trong các nhà máy. Như năm nay con giống hao hụt 30-40%, tìm nguồn cung giống tốt đâu phải dễ! Vậy có nguy hiểm không?”, một người khác nói.

Nhưng nếu vậy theo tiêu chuẩn nào thì tình hình con giống sẽ tốt hơn? Những ý kiến thiếu giải pháp thực tế đều khó như đánh mất chìa khóa cánh cửa đang khóa!

“Thị trường quốc tế rộng mở, công nghệ thông tin như hiện nay, Mỹ không thể đặt ra những điều kiện muốn giết ai thì giết, còn mình muốn giấu cũng không được. Thương mại đứng trước yêu cầu minh bạch hóa chuỗi giá trị, không có gì phải úp mở trừ Know How. Việc sản xuất con giống hay thức ăn chăn nuôi, các doanh nghiệp đều có khả năng kiểm soát. Vấn đề là mở rộng cho vệ tinh thì toàn bộ hệ thống vận hành như thế nào”, doanh nhân xuất khẩu cá tra khá thành công nói tiếp: “Vĩnh Hoàn mất biết bao công sức để hoàn thiện quy trình, Công ty Biển Đông cũng vậy. Một khi chúng ta làm tốt thực sự thì mình sẵn sàng mời họ vào kiểm tra, định kỳ, thường xuyên hay đột xuất, chẳng có gì phải lo sợ. Đối phó, tưởng dễ gạt họ lắm sao khi họ có trình độ chuyên môn, nghiên cứu tới tầm nào rồi”.

“Phải tự tin cá tra Việt Nam ngon hơn cá nheo. Vậy người tiêu dùng sẽ chọn con nào? Tự tin để mình giải quyết tình huống xảy ra. Thông thường họ chọn hai doanh nghiệp để kiểm tra cộng điểm chia đôi và lấy đó làm ngưỡng đối chiếu… Nếu làm tốt hệ thống, bình tĩnh, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm hoàn thiện quy trình, mời các cơ quan kiểm định trong nước đánh giá, cho điểm trước, giống như tuyển chọn ứng viên đi thi “hoa hậu” thì có gì phải rối lên khi nghe đoàn kiểm tra?”, doanh nhân này nói.

Rồi đây, khi bán hàng vào Mỹ hay bất kỳ nước nào, nhất là những thị trường liên thông như EU, dù cá tra hay mặt hàng khác, kể cả Trung Quốc rồi sẽ có những tiêu chuẩn mà họ “rao” còn gắt hơn EU, nếu doanh nghiệp không quyết tâm cao, chịu cực chịu khổ, chịu khó làm mọi thứ để hoàn thiện, chấp nhận kiểm định, đánh giá và coi đó như khoản đầu tư lớn thì khó thâm nhập thị trường chuẩn mực. Thử tưởng tượng khi USDA tuyên bố cá tra Việt Nam tương đồng với catfish Mỹ, đâu chỉ là chất lượng mà còn là trình độ tổ chức, quản lý thực thi cam kết. Lúc đó chẳng ai có thể bôi nhọ mình. Việc thương lượng mua bán với thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ tốt hơn!

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết