08/12/2017 - 10:52

Hâm nóng “hòa bình lạnh”

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 7-12 có chuyến công du lịch sử tới Hy Lạp khi ông là vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ sang thăm xứ thần thoại láng giềng ở phía Tây trong vòng 65 năm qua.

Hy Lạp là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thứ hai ông Erdogan sang thăm, sau Ba Lan hồi tháng 10, kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành năm ngoái, kéo theo căng thẳng quan hệ chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước đầu tàu châu Âu. Trong bối cảnh giao thương giữa Ankara và Brussels bị tác động lớn, chuyến thăm Athens của ông Erdogan được hãng thông tấn Anadolu cho là nhằm thúc đẩy kinh tế và du lịch song phương, đồng thời giúp cải thiện đối thoại chính trị giữa cặp đối tác không mấy dễ dàng này.

Tại Hy Lạp hiện nay, nhà lãnh đạo cánh tả - Thủ tướng Alexis Tsipras vẫn ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, đồng thời tránh chỉ trích chính sách dân tộc cứng rắn của Tổng thống Erdogan vốn bị EU cực lực lên án. Dù đang được cho chứa chấp các phần tử đảo chính từ Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tsipras hôm 6-12 tuyên bố rằng Hy Lạp “không hoan nghênh” những kẻ âm mưu phản loạn và có thể dẫn độ họ về nước trong vòng 15-20 ngày tới. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp ngăn chặn dòng người tị nạn từ Trung Đông-châu Phi cập bến Hy Lạp (trước khi đến các nước châu Âu khác), cũng như tiếp nhận trở lại người nhập cư đã vào nước này theo thỏa thuận  năm 2016 giữa Ankara và Brussels. 

Theo dòng lịch sử thì người Hy Lạp từng sống dưới đế chế Ottoman khoảng 400 năm trước khi đấu tranh và giành độc lập trong những năm 1820-30. Khoảng 100 năm sau, CH Thổ Nhĩ Kỳ ra đời với nhà lập quốc là ông Kemal Ataturk. Kể từ đó hai nước láng giềng tiếp tục trải qua hàng thập niên căng thẳng quân sự và có nhiều thành kiến gay gắt. Đến năm 1952, quan hệ hai nước tạo bước đột phá khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là ông Celal Bayar sang thăm Hy Lạp và cùng nhau gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong năm. Không ai ngờ rằng đây là chuyến thăm Hy Lạp duy nhất và cuối cùng của một vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho đến ngày nay.

Năm 1974, quan hệ hai nước nóng lên khi Hy Lạp hậu thuẫn cuộc đảo chính tại đảo Síp (Cyprus) trên Địa Trung Hải và kéo theo cuộc chinh phạt của Thổ Nhĩ Kỳ với kết quả đảo này chia cắt thành CH Síp thân Athens và quốc gia tự xưng Bắc Síp thân Ankara. Và do tranh chấp chủ quyền tại quần đảo hoang trên Biển Aegean, hai nước suýt đối đầu quân sự năm 1996. 

Bất ngờ năm 1999, hai nước cảm thông và sẵn sàng đối thoại chính trị để giải quyết các bất đồng sau khi cùng nhau gánh chịu trận động đất liên hoàn thảm khốc. Dư luận thế giới bấy giờ gọi đây là “ngoại giao động đất”.

Từ khi lên nắm quyền Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ năm 2002, ông Erdogan đã hai lần sang thăm Hy Lạp năm 2004 và 2010 trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Tuy nhiên, sự thiếu tin cậy và hiềm khích quá khứ vẫn tồn tại. Phát biểu với đài  Al Jazeera, nhà nghiên cứu cao cấp Emmanuel Karagiannis của trường King’s College London (Anh) bình luận: “Giai đoạn hiện nay có thể được khắc họa bằng chữ “hòa bình lạnh”. Bởi hai nước vẫn duy trì trao đổi quan hệ cấp cao nhưng căng thẳng vẫn cao”.

Trước mối lo ngại của dư luận Hy Lạp về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Tsipras mô tả chuyến công du lịch sử của Tổng thống Erdogan tại Hy Lạp là “cơ hội thực hiện các bước đi dũng cảm hướng về phía trước”. Còn người phát ngôn Chính phủ Hy Lạp Dimitris Tzanakopoulos nêu rõ chuyến đi này của ông Erdogan là “cơ hội xây cầu chứ không phải xây tường”.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết