03/07/2011 - 10:14

"HÂM MỘ" -
không phải chuyện nhỏ !

Ôm hôn, xé quần áo, xâm phạm thân thể, giật đồ hay tự hành hạ thân xác... đang là cách mà nhiều thanh thiếu niên “bày tỏ” tình cảm với “thần tượng”. Tình trạng này khiến nhiều người lo lắng về quan điểm sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Thật khó chấp nhận kiểu ngưỡng mộ ca sĩ T.T của một thanh niên: tự rạch tay mình để lấy máu vẽ hình trái tim và chữ T.T lên giấy. Cậu ta còn tung một số hình khỏa thân và uốn éo nhại theo các động tác, điệu bộ của ca sĩ T.T (!).

Trong một lần lưu diễn ở tỉnh, ca sĩ L.T đang ký tên tặng cho người hâm mộ thì bị một người hâm mộ xé một mảnh áo, với lời nhắn: “Để làm kỷ niệm!”. Thậm chí chỉ vì một thành viên rời khỏi nhóm nhạc mà một tốp người hâm mộ kéo đến công ty chủ quản của nhóm nhạc này để khóc lóc thảm thiết. Đáng lên án là tình trạng gọi điện, nhắn tin “gạ tình” dọa tự sát, chết chung nếu không được thần tượng “đáp tình” hay “quái” hơn là đem hình thần tượng... về thờ (?!).

Chuyện hâm mộ một ca sĩ, diễn viên hay người nổi tiếng là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, cách hâm mộ như thế nào để lịch sự, có văn hóa dường như ngày càng hiếm. Nhiều người trẻ hâm mộ thần tượng đến phát “cuồng”, “bỏ ăn, bỏ ngủ”, bê trễ công việc, học hành để đón xem một chương trình có thần tượng biểu diễn hoặc để xin chữ ký. Có ai nhận xét không tốt về thần tượng của mình thì bất chấp đúng sai, “phản pháo”, mạ lỵ không tiếc lời. Rồi có người hâm mộ tìm đủ mọi “chiêu” mạ lỵ nghệ sĩ khác để tôn thần tượng của mình lên. “Tệ nạn hâm mộ” các kiểu trên đã góp phần làm cho làng giải trí Việt vốn đã rối lại càng thêm rối!

Ca sĩ trên sân khấu và một người sống giữa cuộc sống đời thường là hai môi trường hoàn toàn khác nhau với những chuẩn mực khác nhau. Nhiều bạn trẻ không chú ý đến thuần phong, mỹ tục, đến dư luận xã hội mà chỉ cần biết sao cho thật giống “thần tượng” của mình là được, dù thần tượng ở tận đâu đâu bên xứ Hàn. Kiểu hâm mộ này đang thể hiện sự lệch lạc về suy nghĩ, quan điểm sống của một bộ phận giới trẻ. Hiện nay đất nước ta còn biết bao chuyện cần làm như bảo vệ môi trường, thuần phong, mỹ tục hay giữ gìn chủ quyền. Có biết bao thanh niên đang phấn đấu học tập, làm việc hay xả thân giữ bình yên cho từng khu phố, xóm làng, biên cương, hải đảo... thì một bộ phận người trẻ lại làm những chuyện ủy mị, nhảm nhí, không đâu. Hiện tượng trên cũng đặt ra cho các nhà giáo dục, quản lý văn hóa nhìn lại trách nhiệm hoạch định cho giới trẻ lý tưởng sống trong thời bùng nổ truyền thông giải trí hiện nay.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết