19/10/2017 - 13:57

Hẩm hiu bóng chuyền bãi biển 

Du nhập vào Việt Nam gần 20 năm trước, rất dễ đầu tư và dễ có thành tích quốc tế, nhưng bóng chuyền bãi biển (BCBB) Việt Nam gần như giậm chân tại chỗ suốt ngần ấy năm qua.

Chia sẻ sau khi kết thúc Giải vô địch BCBB toàn quốc 2017 tại Cần Thơ, ông Lê Hoàng Sơn - Phó Ban BCBB Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam - cho biết: Giải năm nay có 12 đơn vị tham dự, trong đó Phú Yên lần đầu tiên tham gia, là tín hiệu vui với BCBB. Vài năm qua, các giải đấu chỉ có 11 đơn vị thường xuyên góp mặt và những cuộc tranh chấp vô địch chỉ có Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh. 11 đơn vị, đó là: Khánh Hòa, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quân đoàn 4, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ và Bình Thuận. Theo ông Sơn, mặc dù không cần nhiều điều kiện đầu tư, nhưng BCBB thiếu sự quan tâm của các địa phương, nhất là khu vực ven biển miền Trung. Hơn 10 năm trước, BCBB ở Đông Nam Á và châu Á không mạnh như bây giờ, các đội BCBB Việt Nam luôn có thành tích ở các giải đấu khu vực, nhưng do giữ mức đầu tư nhỏ giọt nên BCBB ngày càng sa sút.

Tranh chấp bóng trên lưới giữa nữ VĐV Cần Thơ (trái) và Kiên Giang tại Giải trẻ BCBB toàn quốc 2017 vừa diễn ra tại Cần Thơ. Ảnh: NGUYỄN MINH

Có một thực tế là các VĐV bóng chuyền nam và nữ trong nhà luôn thu hút sự quan tâm của dư luận, nhưng với các tuyển thủ BCBB thì khá lặng lẽ. Ví như, 2 nữ VĐV Mai Hoa - Cẩm Thi của TP Hồ Chí Minh vừa đoạt HCĐ tại Giải vô địch Đông Nam Á 2017 ở Singapore, nhưng rất ít người biết đến họ khi tham dự giải vô địch toàn quốc tại Cần Thơ. Trước kia, BCBB phát triển khá rầm rộ ở khu vực phía Nam, lan tới một số tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Dương, Nghệ An, Hải Phòng, nhưng giờ đây chỉ mỗi Hải Phòng là tỉnh ở phía Bắc còn đầu tư cho môn này. Trong khi đó, BCBB cũng rất ít giải, ngoài các vòng đấu thường niên của giải toàn quốc, chỉ có sự kiện quốc tế quan trọng là Giải BCBB nữ châu Á, mà chỉ những VĐV đẳng cấp mới được tham dự. Vì vậy, không ít VĐV sau thời gian tập luyện BCBB đã chuyển vào thi đấu bóng chuyền trong nhà.

Với số ít địa phương đầu tư cho BCBB, lực lượng VĐV đỉnh cao đang chững lại, trong khi lớp trẻ kế thừa còn hạn chế nhiều mặt. Ông Lê Hoàng Sơn phân tích: “Việc đôi Mai Hoa - Cẩm Thi không vào 4 thứ hạng đầu ở giải năm nay cho thấy TP Hồ Chí Minh đang chững lại. Trong khi đó, lực lượng nam, thì Trọng Quốc của Khánh Hòa gần như đã đạt đỉnh cao, khó đi xa hơn. Nhưng với kinh nghiệm của mình, Trọng Quốc vẫn có thể thống trị BCBB nam trong vài năm nữa”. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Sơn cũng cho rằng với sự vươn lên của các nữ VĐV ở khu vực ĐBSCL là tín hiệu tích cực. Trước đây, Đà Nẵng luôn chiếm lĩnh các nội dung trẻ của nữ, nhưng tại giải năm nay, đôi nữ Sóc Trăng đã vô địch hoàn toàn thuyết phục. Giới chuyên môn dự đoán trước trận chung kết, nữ Đà Nẵng sẽ giành chiến thắng với tỷ số 2-0, nhưng kết quả 2-0 lại nghiêng về nữ Sóc Trăng, rất bất ngờ. Ngoài Cần Thơ đầu tư cơ sở vật chất tốt cho BCBB, các tỉnh như Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng đang có lực lượng trẻ rất tiềm năng.

Để vực dậy BCBB, ông Lê Hoàng Sơn cho biết Ban BCBB sẽ đưa các giải đấu về những địa phương chưa phát triển môn này để khuyến khích phát triển phong trào. Đầu năm nay, các vòng 1, 2 của giải vô địch toàn quốc được tổ chức tại Bình Thuận và Phú Yên, thì hai tỉnh này đã đầu tư BCBB và đưa VĐV tham dự giải. Khoảng 15 năm trước, Ban BCBB đã đề xuất thành lập một trung tâm BCBB ở ĐBSCL, nhưng không được chấp thuận. Nếu có được trung tâm này và các tỉnh ven biển miền Trung cùng đầu tư, BCBB Việt Nam sẽ phát triển mạnh. Đây là môn thể thao Olympic, nhưng nếu cứ như hiện tại, BCBB khó thoát phận “hẩm hiu”.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết