19/01/2016 - 10:34

Hai vị khách, một mục đích

Một sự kiện ngoại giao quốc tế trùng hợp rất thú vị đang diễn ra là Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thăm Saudi Arabia và Iran gần như trong cùng một thời điểm với mục đích khá giống nhau.

Ông Sharif thăm Saudi Arabia ngày 18-1 và Iran vào hôm nay. Bộ Ngoại giao Pakistan công khai tuyên bố mục đích của chuyến đi này là muốn làm trung gian hòa giải chấm dứt sự đối đầu giữa quốc gia có đa số người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống (Saudi Arabia) và nước mà người Hồi giáo dòng Shiite chiếm phần lớn (Iran). Tuyên bố nhấn mạnh Islamabad "quan ngại sâu sắc" sự leo thang căng thẳng gần đây giữa Riyadh và Tehran, đồng thời kêu gọi hai bên giải quyết mọi khác biệt bằng biện pháp hòa bình vì lợi ích lớn hơn trong việc thống nhất Hồi giáo, đặc biệt trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Bình luận về chuyến công du của Thủ tướng Sharif, hãng tin Anh Reuters cho rằng Thủ tướng Sharif muốn đóng vai trò là "người kiến tạo hòa bình" giữa hai phái Hồi giáo đối nghịch.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Saudi Arabia, Iran và Ai Cập từ ngày 19-1. Ông Li Shaoxian, phó giám đốc Học viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc - cơ quan trực thuộc chính phủ Trung Quốc, thừa nhận chuyến thăm Trung Đông hiếm hoi của ông Tập "là một sự cố gắng để Trung Quốc tự thể hiện mình như một nhà trung gian chân thật giữa Saudi Arabia và Iran, giống như cách Bắc Kinh đã làm giữa chính phủ và phe đối lập ở Syria". Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Minh, người được cử sang Saudi Arabia và Iran làm nhiệm vụ hóa giải căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia ngay sau khi xảy ra sự việc một giáo sĩ Shiite nổi tiếng bị Riyadh hành quyết, cũng xác nhận trước giới truyền thông quốc tế trước chuyến đi lịch sử của ông Tập Cận Bình: "Trong số những vấn đề của Trung Đông, Trung Quốc luôn giữ vị trí cân bằng và chính đáng".

Với vai trò hòa giải cho Saudi Arabia và Iran, cả Pakistan lẫn Trung Quốc hy vọng sẽ góp phần hạn chế nguy cơ bùng nổ bạo lực. Nếu đứng về phía Saudi Arabia, nơi từng cung cấp quy chế tị nạn chính trị cho Thủ tướng Sharif sau cuộc đảo chính hồi những năm 2000, đất nước Pakistan với đa số người Hồi giáo Sunni có thể đối mặt với sự bất ổn từ 20% dân số Hồi giáo dòng Shiite. Pakistan đã từ chối tham gia liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu chống nhóm Houthi tại Yemen cũng là lý do đó. Trung Quốc thì lo sợ mâu thuẫn chính trị căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran sẽ dẫn đến sự hỗn loạn cả Trung Đông và tác động tiêu cực tại Tân Cương, khu tự trị miền Tây xa xôi có cộng đồng Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ sinh sống và chứng kiến làn sóng bạo lực những năm qua.

Tuy nhiên, khác với Pakistan, Trung Quốc có tham vọng lớn hơn. Bắc Kinh vừa công bố sách trắng đầu tiên về thế giới A-rập, trong đó cam kết hỗ trợ các chính quyền A-rập chống khủng bố thông qua hợp tác an ninh và kỹ thuật dài hạn, chia sẻ thông tin tình báo. Trung Đông cung cấp hơn phân nửa năng lượng nhập khẩu và là một trong 3 tuyến vận tải trọng yếu trên Con đường Tơ lụa của Trung Quốc. Có điều, không giống với các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh và Pháp, Trung Quốc vẫn tỏ ra "trung lập" về vai trò chính trị đích thật và thiếu kinh nghiệm lèo lái bất đồng tôn giáo, chính trị nhạy cảm như ở Trung Đông.

KIẾN HÒA (Theo AFP, Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết