16/09/2018 - 07:04

Hài Văn Nam trở lại 

Trong vở diễn “Cánh buồm ngược gió” tham gia Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 của Đoàn Cải lương Tây Đô có một nhân vật đặc biệt, đó là vai công tử Sung. Người thể hiện nhân vật phản diện này là nghệ sĩ Phan Thiện Minh (nghệ danh Văn Nam), Trưởng Đoàn Cải lương Tây Đô. Hơn chục năm lui về hậu trường, sự trở lại của hài Văn Nam khiến nhiều người thích thú.

Công tử Sung trong vở “Cánh buồm ngược gió” là em vợ của quan Bố Chánh đầu tỉnh, hống hách, kiêu ngạo, coi thường dân nghèo. Hắn cũng là người a dua, cùng anh vợ vu oan cho quan huyện Trà Vang Bùi Hữu Nghĩa. Thật ra, đây là vai diễn không mới của nghệ sĩ hài Văn Nam vì cách đây hơn chục năm, ông đã từng diễn với những bạn diễn kỳ cựu như Thảo Vân, Lam Tuyền… Giờ diễn lại với những nghệ sĩ trẻ hơn như Hoàng Khanh, Hồng Thủy… trong một cuộc thi toàn quốc, Văn Nam lại chinh phục khán giả.


Hài Văn Nam vai công tử Sung trong “Cánh buồm ngược gió”. Ảnh: DUY KHÔI

Thần thái của công tử Sung từ tiếng cười, dáng đi “cà thọt”, khi hách dịch khi nịnh nọt, bợ đỡ được Văn Nam thể hiện rất có hồn. Dù không có những trường đoạn diễn tả tâm lý nhân vật đắt giá nhưng vai diễn của Văn Nam vừa làm “dịu mát” vở diễn lại vừa giúp đẩy xung đột của những tuyến nhân vật khác lên cao trào. Những đoạn Văn Nam ca “Xang xừ líu”, “Xuân tình”… nghe lả lướt, chua ngoa, sâu cay.

Hơn 10 năm qua từ khi làm quản lý Đoàn Cải lương Tây Đô, người mộ điệu ít thấy Văn Nam xuất hiện trên các sân khấu cải lương chuyên nghiệp, thỉnh thoảng anh góp mặt cho đỡ nhớ nghề trong một vài vở cải lương ghi hình phát sóng truyền hình. Dù vậy, máu nghề trong anh chưa bao giờ vơi cạn.

Nghệ sĩ Văn Nam năm nay 45 tuổi, quê ở Vĩnh Hanh, Châu Thành, An Giang. Anh mê cải lương từ nhỏ, với những thần tượng là nghệ sĩ hài Thanh Nam, nghệ sĩ Minh Vương… nên năm lớp 10 đã nghỉ học theo đoàn hát. Sở trường của anh là những vai lão, vai hài nên ít có dịp đóng kép chánh nhưng dù vai diễn nào, Văn Nam cũng sống trọn vai tuồng, gửi lòng trong từng nét diễn, lời ca. Anh từng là diễn viên của các đoàn: Thanh Long, Sông Hậu 3, Sông Hậu 2 và giờ là Đoàn Cải lương Tây Đô.

Thế hệ khán giả những năm 1985-1990 hẳn sẽ còn nhớ trên sân khấu cải lương Tây Nam bộ một nghệ sĩ hài Văn Nam với những vai diễn để đời như Út Từng trong vở “Giọt lệ đài trang”, Chú Năm trong “Dòng sữa đỏ”, công tử Sung trong “Cánh buồm ngược gió” hay vai Ta-Rô trong vở “Công chúa Ba Tư”... Mấy mươi năm vui buồn cùng sân khấu cải lương, điều mà nghệ sĩ Văn Nam cảm thấy ấm lòng là tình nghệ sĩ và tình thương của khán giả. Đó là động lực để anh nguyện theo nghề mãi. “Chừng nào ca hết nổi thì thôi”- anh nói vậy.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết