05/01/2012 - 09:41

Hải quân Mỹ thách thức Iran

Hải quân Iran bắn thử tên lửa hôm 1-1 trên Eo biển Hormuz. Ảnh: AFP

Tư lệnh lục quân Iran Ataollah Salehi cảnh báo tàu chiến Mỹ không được “bén mảng” ở Vịnh Persic, nhưng Lầu Năm Góc tuyên bố việc triển khai lực lượng hải quân Mỹ trên vùng biển này vẫn tiếp tục “như thường lệ mấy thập niên qua”. Trong lịch sử, hải quân hai nước từng xảy ra nhiều cuộc đụng độ nên làm dấy lên mối lo ngại lần này cũng khó tránh khỏi.

Tàu chiến mà Hải quân Mỹ sắp cho quay trở lại vùng Vịnh có thể vẫn là tàu sân bay USS John C. Stennis. Tuần rồi, nó đã đi ngang Eo biển Hormuz để tới Vịnh Oman trong lúc Iran đang tiến hành cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn chưa từng có. Đây là một trong những tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất của Hải quân Mỹ. Nó có khả năng chở theo 90 máy bay chiến đấu và trực thăng cùng đoàn hộ tống khoảng 5 tàu khu trục. Ông Salehi nhấn mạnh quân đội Iran “không có thói quen cảnh báo hơn một lần” mà sẽ hành động như cảnh báo được đưa ra.

Tháng 4-1988, tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường USS Samuel B. Robert của Mỹ từng dính ngư lôi của Iran, khiến nhiều thủy thủ Mỹ bị thương và Hải quân Mỹ đã đáp trả bằng chiến dịch mang tên Praying Mantis, khi ấy được coi là cuộc tấn công trên biển lớn nhất từ Thế chiến thứ hai, đánh chìm ít nhất 3 tàu cao tốc, một pháo hạm, một tàu khu trục, cũng như phá hủy một số tàu và máy bay chiến đấu khác của Iran.

Dư luận lo ngại trong bối cảnh Iran vừa bị Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nếu tàu chiến Mỹ cố tình thách thức lời đe dọa của Tướng Salehi, chiến sự có thể nổ ra với hậu quả khó lường. Dầu mỏ là một vấn đề lớn tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới vốn chưa thoát khỏi bóng ma suy thoái. Theo hãng tin Anh Reuters, đến cuối phiên giao dịch ngày 3-1, tại thị trường Luân Đôn (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2 đã tăng 4,75 USD, lên 112,13 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ giao cùng tháng cũng tăng thêm 4,13 USD, lên 102,96 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 5-2011 đến nay.

Tehran đã cảnh báo sẽ phong tỏa Eo biển Hormuz, tuyến hàng hải mà 40% lượng dầu mỏ của thế giới đi ngang qua. Cuộc diễn tập hải quân vừa qua cho thấy Iran đủ sức làm được điều đó. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng Mỹ không nên khiêu khích sự tức giận của Iran trong bối cảnh hiện nay. Các biện pháp cấm vận mới của Mỹ, trong đó có biện pháp phong tỏa tài chính và ngăn cản giao dịch đối với Ngân hàng Trung ương Iran, không chỉ sẽ làm cho ngành công nghiệp xuất khẩu dầu mỏ mà cả hệ thống tiền tệ, chính sách kiềm chế lạm phát của nước này bị điêu đứng. Trong năm 2011, Trung Quốc đã giảm gần phân nửa lượng dầu nhập khẩu từ Iran so với hợp đồng 550.000 thùng/ngày. Hàn Quốc cho biết trong năm 2012 sẽ tăng cường nhập khẩu dầu của Iran từ 190.000 thùng/ngày lên 200.000 thùng/ngày, nhưng đang tìm kiếm nguồn cung cấp khác thay thế. Hy Lạp vốn có thời điểm phụ thuộc tới 35% lượng dầu nhập khẩu từ Iran thì tuyên bố ủng hộ lệnh cấm mua dầu của Liên minh châu Âu (EU) đối với Iran vào ngày 30-1 tới. Iran hiện cung cấp khoảng 450.000 thùng dầu/ngày cho EU.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết