14/11/2011 - 20:55

"Hai lúa" lập phòng thí nghiệm

“Phòng thí nghiệm” của nông dân Hoa Sỹ Hiền. Ảnh: T. NHÂN

Đó là nông dân Hoa Sỹ Hiền, ở xã Tân An, thị xã Tân Châu (An Giang). Gần mười năm nay, ai gọi điện hỏi giống lúa mới, ông vui vẻ trả lời và chuyển qua đường bưu điện các loại giống thích hợp mà không lấy một đồng nào. Nghe chuyện, nhiều người tưởng ông giàu có nên muốn chia sẻ. Thật ra, trong căn nhà gỗ tuềnh toàng của ông chẳng có gì giá trị ngoài những vật dụng trên bàn thí nghiệm và chiếc tủ lạnh cũ kỹ dùng bảo quản lúa giống...

TỪ NÔNG DÂN “TRƠN”

Những ngày lũ đầu nguồn lên cao, đường vào nhà ông ngập chìm trong nước. Gởi xe ở đầu lộ, chúng tôi dò từng bước chân qua chiếc cầu khỉ lắt lẻo mới đến được nhà ông. Ngồi bệt trên sàn nhà lót gạch bông đã cũ, câu chuyện kéo dài tưởng chừng không thể dứt được. Chúng tôi mang theo thắc mắc của nhiều người để hỏi ông: “Vì sao ông bỏ nhiều công sức, tâm huyết để lai tạo các giống lúa nhưng lại cho, chứ không bán?”. Ông Hiền cười khề khà, bảo: “Tôi là nông dân nên hiểu rất rõ khó khăn của nhà nông là lúa giống. Tôi đã từng mua giống lúa kém chất lượng với giá cao để rồi sản xuất không hiệu quả, cứ phải sạ đi sạ lại nhiều lần. Hễ nghe ở đâu có giống lúa tốt, tôi cất công tìm đến tận nơi nhưng không phải lần nào cũng mua được giống tốt. Vì vậy, khi lai tạo thành công giống lúa mới, đầu tiên tôi gởi tặng nông dân nhân giống để họ chủ động được nguồn giống chất lượng, an tâm sản xuất...”. Nhìn căn nhà chẳng tài sản gì có giá trị lớn, chúng tôi thêm băn khoăn: “Ông lấy đâu ra tiền để...?”. Ông Hiền trả lời ngay, không đợi chúng tôi hỏi dứt câu: “Tôi có 18 công ruộng. 14 công sản xuất để có thu nhập nuôi gia đình, 4 công còn lại dùng thử nghiệm, lai tạo giống mới. Đã đủ ăn, có đất thử nghiệm thì sao không làm chứ?”. Ông lại cười vui vẻ.

Con người Hoa Sỹ Hiền đậm chất nông dân. Bề ngoài có vẻ xuề xòa, trông ông già trước tuổi, dáng người gầy nhom như thể đã vắt kiệt sức mình trên đồng ruộng vì cuộc mưu sinh cho gia đình. Thế nhưng khi trò chuyện với ông, chúng tôi càng bị lôi cuốn bởi những tâm huyết, suy nghĩ mà không phải nông dân nào cũng có được. Hỏi về cuộc sống, về bản thân, ông nói qua loa cho xong chuyện. Nhưng khi đề cập đến những việc đang làm hay kế hoạch lai tạo giống lúa, ông như nhà hùng biện. Ông sinh ra và lớn lên trong những năm chiến tranh ác liệt nên học hành chẳng đến đâu. Lớp 6 trường làng đối với ông đã là may mắn khi bạn bè trang lứa chỉ lẹt đẹt lớp 2, lớp 3... Từ nhỏ, ông Hiền gắn với đồng ruộng, quen giăng câu, thả lưới. Những năm 1984-1985, nghề sửa đồng hồ thịnh hành, ông cũng “thức thời” kiếm sống được bằng nghề này, nhưng nghiệp nhà nông vẫn bám riết lấy ông. Khi lập gia đình, ông Hiền quay lại trồng lúa, nuôi các con học hành tử tế, không phải sống đời nhọc nhằn như cha mẹ...

Cần mẫn trên đồng ruộng, ông Hiền nếm đủ những chua chát, ngọt bùi từ hạt lúa. Điệp khúc “thất mùa, trúng giá” làm nông dân lao đao. Thế nên, họ chẳng mừng vội khi được giá, chưa vội buồn khi thất mùa. Phần lớn nông dân phải lấy lúa vụ trước làm giống cho vụ sau. Ai thức thời, am hiểu khoa học một chút thì mua lúa giống. Nhưng ngặt nỗi, nông dân “trơn” thì làm sao phân biệt được giống lúa chất lượng với giống lúa dỏm. Nghe có giống mới, nông dân tân thời ùn ùn đi mua. Có lúc phải mua với giá 68.000 đồng/kg giống, với lời giới thiệu là giống “siêu” năng suất, xuất xứ từ Trung Quốc. Về gieo sạ, mạ lên èo uột, lèo tèo, thua xa lúa thường, mới thật cay đắng và chua chát. Ông Hiền nói: “Tôi cứ trăn trở mãi câu hỏi, làm sao để mình có thể phất lên từ cây lúa, đồng ruộng? Trồng lúa đâu chỉ đơn giản là biết cày cấy rồi gặt hái?”. Những câu hỏi đại loại như thế cứ mãi ám ảnh làm ông thêm trăn trở. Cho đến khi tham gia những khóa học về kỹ thuật thâm canh tổng hợp, sản xuất giống xác nhận, IPM, kỹ năng chọn tạo giống cộng đồng (FFS)..., ông thoát khỏi cái “vỏ ốc” nông dân và nghề trồng lúa của Hoa Sỹ Hiền không còn “thụ động” như trước nữa.

TRỞ THÀNH “KỸ SƯ CHÂN ĐẤT”

Đó là khoảng những năm 2000, phong trào sản xuất lúa giống đang phổ biến rộng rãi trong nông dân. Không ít người nổi tiếng nhờ kịp thời nắm bắt các kỹ thuật để sản xuất giống xác nhận, phục vụ sản xuất. Ở xã Tân An xa xôi, ông Hiền âm thầm làm công việc của một nhà khoa học: Nghiên cứu để sản xuất lúa giống, đồng thời với việc ông để ngoài tai lời ra tiếng vào từ những người quen biết. Hiểu được “cái nết” của đất và đặc tính của giống lúa đang sử dụng, ông chọn giống OM 2514 làm “giống cái” lai với hai “giống đực” MTL 429 và MTL 415 để lai tạo ra 4 giống lúa mới, lấy tên xuất phát từ vùng đất Tân Châu là TC 1 đến 4 ngay từ vụ đông xuân 2004. Sau đó, ông Hiền tập trung vào nghiên cứu sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa ma, với mong muốn bổ sung những đặc tính tốt cho giống lúa hiện tại. Ông Hiền tâm sự: “Lúa ma có sức sống mãnh liệt, không có thời tiết khắc nghiệt, điều kiện tự nhiên nào dìm chết được. Đây là một đặc tính tốt rất cần cho các giống lúa năng suất cao hiện nay nhưng dễ bị nhiễm sâu bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng...”. Lúa không phụ người, ông lại tiếp tục sản xuất nhiều giống lúa mới. Cùng với nhiều phương pháp lai tạo khác, ông Hiền đã tạo ra tổng cộng 18 giống lúa mới từ cơ sở những giống hiện có và lúa ma để bổ sung những gien trội cho những giống hiện tại còn khiếm khuyết. Trong đó, có 10 giống lúa đỏ rất được ưa chuộng trên thị trường.

Không dừng lại đó, ông tập trung nghiên cứu lúa chịu mặn vào năm 2009 sau khi đọc báo, nghe đài, thấy nông dân ven biển bị thiệt hại nặng nề do triều cường mang nước mặn tràn vào đồng và nhiều nguyên nhân khác. Lần khác, ông Hiền lại được tin từ các tỉnh phía Bắc than vãn do thời tiết lạnh bất thường làm thiệt hại lúa, thế là ông lao vào nghiên cứu giống lúa chịu rét. Dù không phải là nhà khoa học chuyên nghiệp hay doanh nghiệp năng động nhưng ông nắm bắt “thời sự cây lúa” rất nhanh và trao đổi kỹ với nông dân trước khi đưa vào nghiên cứu, chọn tạo để có giống lúa tốt nhất, phù hợp với điều kiện sản xuất địa phương. Đến nay, lúa giống của ông đã phát triển khắp nơi. Nông dân các tỉnh phía Bắc có những phản hồi tốt về giống lúa của ông và đang trông chờ giống lúa chịu rét tốt nhất. Riêng giống lúa chịu mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu đang trong giai đoạn thử nghiệm ở ba độ mặn 5, 10 và 15g/lít. “Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn phát triển tốt. Chờ kết quả ra bông như thế nào, tôi mới tiếp tục can thiệp cải thiện chất lượng, năng suất trước khi đưa ra thị trường”, ông Hiền cho biết.

Từ khi ông “làm được việc”, nhiều người đến xin nhượng quyền tác giả một số giống lúa và cả những lời mời ngọt ngào về nghiên cứu giống cho doanh nghiệp nhưng ông thẳng thừng từ chối. Ông cứng rắn nói: “Niềm đam mê to lớn của tôi là lai tạo ra các giống lúa mới, khắc phục được các nhược điểm, ít lệ thuộc hóa chất. Tôi làm vô điều kiện, không vụ lợi, miễn sao tạo được càng nhiều giống lúa càng tốt. Vì vậy, tôi chỉ muốn làm việc độc lập để có thể làm hết tâm huyết của mình mà không có sự can thiệp nào. Có như vậy, mới tạo ra những giống tốt nhất, chất lượng cao để cạnh tranh kịp với lúa gạo Thái Lan và các nước khác. Nghiên cứu của nông dân phải do nông dân sở hữu và toàn quyền quyết định”. Các giống lúa của ông đi khắp khu vực ĐBSCL và các tỉnh Bình Định, Thanh Hóa, Hải Dương. Ông Hiền tiếp tục thử nghiệm trồng lúa sạch, không dùng phân bón, thuốc trừ sâu song song với việc lai tạo lại giống mới thích ứng môi trường, khí hậu khắc nghiệt.

Và những giống lúa TC... của ông Hiền sẽ tiếp tục ra đời, chứ không dừng lại ở 18 giống lúa mới như hiện nay. Hoa Sỹ Hiền nói là làm. Mà đã làm thì ông làm hết mình bằng tất cả nhiệt huyết và đam mê. Đó là tính cách của người lai tạo giống lúa gốc nông dân ấy!

Chia sẻ bài viết