29/10/2018 - 07:07

Hài hòa trong giải quyết tranh chấp thương mại 

Theo các chuyên gia, xã hội ngày càng phát triển thì việc kinh doanh càng trở nên phức tạp. Đặc biệt là khi xảy ra tranh chấp thương mại, doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức xử lý phù hợp, nhanh gọn, đảm bảo quyền lợi và uy tín kinh doanh. Trong đó, giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài hoặc hòa giải thay vì tòa án ngày càng được nhiều doanh nghiệp chọn lựa bởi tính khả thi, linh hoạt, hiệu quả.


Các chuyên gia của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và Trung tâm Hòa giải Việt Nam tư vấn cho doanh nghiệp ĐBSCL về các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Ảnh: MINH HUYỀN

Khi xảy ra tranh chấp thương mại có 4 phương thức để giải quyết gồm: tòa án, thương lượng, trọng tài hoặc hòa giải. Doanh nghiệp có thể tự thương lượng với nhau hoặc nếu có sự tham gia của bên thứ ba sẽ gọi là hòa giải. Nếu 2 phương thức này không thực hiện được sẽ ra trọng tài hoặc ra tòa án để giải quyết tranh chấp. Theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) hiện nay, có 36/63 tỉnh thành của Việt Nam có doanh nghiệp sử dụng VIAC để giải quyết tranh chấp. Các tranh chấp tập trung nhiều ở lĩnh vực mua bán với tỷ lệ 66%, xây dựng 36%, còn lại tập trung ở lĩnh vực dịch vụ, bảo hiểm, cho thuê, vận chuyển, chứng khoán, gia công, đóng tàu…

Thông thường, phương thức hòa giải và thương lượng sẽ giúp các doanh nghiệp giữ được quan hệ thương mại, quan hệ đối tác. Không nhất thiết lúc nào cũng giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng kiện cáo. Ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam, chia sẻ: Ở phương thức hòa giải có nguyên tắc đề nghị hòa giải là phương thức rất hiệu quả về thời gian và chi phí để đôi bên đạt được các thỏa thuận thương lượng. Với phương thức trọng tài, doanh nghiệp được tự do lựa chọn trọng tài viên với quy trình thủ tục linh hoạt hơn và nhanh hơn. Trong khi nguyên tắc giải quyết tại tòa án là công khai còn nguyên tác giải quyết bằng trọng tài là bí mật. Bởi có nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến việc giữ bí mật về vụ việc tranh chấp nhất là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán…

Phân tích về những ưu thế của phương thức hòa giải, bà Phạm Thị Thanh Huyền, Chuyên gia cao cấp ngành tài chính Phụ trách Chương trình Phát triển cơ sở hạ tầng tài chính tại Việt Nam, cho rằng, hòa giải được xem là người thay đổi cuộc chơi trong giải quyết tranh chấp. Khi có tranh chấp doanh nghiệp thường thông qua con đường tòa án hoặc qua con đường trọng tài để giải quyết. Hòa giải là phương thức mới giúp giải quyết nhanh gọn các tranh chấp có thể trong 1 ngày hoặc 1 buổi nhằm đưa ra giải pháp có lợi cho đôi bên, duy trì mối quan hệ làm ăn lâu dài hoặc có thể giữ gìn được tiếng tăm trong giới kinh doanh nhờ vào tính bảo mật. “Thực tế ở Singapore đã sử dụng phương thức hòa giải trong giải quyết tranh chấp khá hiệu quả. Theo website của Trung tâm Hòa giải Singapore thì trong 3.000 vụ tranh chấp giải quyết thông qua hòa giải có 90% số vụ được giải quyết trong vòng 1 ngày và 70% số vụ là giải quyết thành công. Đây là nền tảng lớn và là thông tin đáng khích lệ cho Việt Nam để có bước tiến mới trong giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải”- bà Phạm Thị Thanh Huyền, nhấn mạnh.

Khi phân tích về thời gian trung bình để giải quyết tranh chấp, theo báo cáo năm 2017 của VIAC, thời gian xử lý các vụ tranh chấp tại cơ quan trọng tài trung bình là 153,6 ngày và ngắn nhất là 24 ngày. Nếu chọn giải quyết tranh chấp thương mại qua tòa án thời gian trung bình mất khoảng 400 ngày (theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015). Theo VIAC, trong 2 năm trở lại đây, có 22 vụ tranh chấp xử lý tại VIAC có liên quan đến doanh nghiệp ở ĐBSCL. Trong đó có 4 vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài với 3 vụ kiện mà doanh nghiệp phía Việt Nam là nguyên đơn, 1 vụ là doanh nghiệp phía Hàn Quốc kiện doanh nghiệp Việt Nam; 18 vụ còn lại là tranh chấp giữa doanh nghiệp trong nước với nhau. Một số vụ tranh chấp có giá trị lên đến hàng chục triệu USD nhưng cũng có những vụ tranh chấp giá trị vài trăm triệu đồng.

Trong văn hóa Việt Nam, doanh nghiệp rất ngại tranh chấp nhưng thực tế hằng năm vẫn có hàng ngàn vụ tranh chấp thương mại diễn ra. Theo ông Phạm Quốc Tuấn, Trọng tài viên VIAC, Luật sư trưởng Công ty Luật DIMAC, khi sử dụng phương thức trọng tài, doanh nghiệp có thể yên tâm vì tính hiệu lực của phán quyết trọng tài bằng với tính hiệu lực của phán quyết tại Tòa án và doanh nghiệp có thể mang phán quyết của trọng tài đến cơ quan thi hành án để thi hành quyết định này. Khi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, doanh nghiệp cần chọn luật sư có hiểu biết chuyên sâu về thủ tục, có kỹ năng hòa giải và thương lượng sẽ hỗ trợ tốt hơn trong việc bảo vệ quyền lợi cũng như giúp doanh nghiệp đạt được các thỏa thuận tốt nhất.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết