13/12/2017 - 11:49

Hài hòa lợi ích trên dòng Mekong 

Những hoạt động ngăn dòng, chuyển dòng chảy của các quốc gia thượng nguồn sông Mekong đang tạo ra những thách thức cho vùng hạ lưu, cụ thể là ĐBSCL của Việt Nam. Để khai thác hiệu quả và bền vững dòng sông chung này, vai trò của Ủy ban sông Mekong Việt Nam cần phải được nâng cao hơn nữa nhằm tăng cường đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế.

Nỗi lo đập thủy điện
 
Cùng với hàng loạt đập thủy điện mà Trung Quốc đã xây dựng ở thượng nguồn sông Mekong, việc Lào và Campuchia lên kế hoạch phát triển 11 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong đang gây lo lắng cho các quốc gia trong khu vực.

Dù không đạt được sự thống nhất trong Ủy hội sông Mekong (UHSMK) quốc tế khi tham vấn 2 dự án thủy điện trên dòng chính Mekong nhưng Chính phủ Lào vẫn tiến hành khởi công xây dựng công trình thủy điện Xayabouri (tháng 11-2012) và Don Sahong (tháng 1-2016). Phó Chánh văn phòng Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam (UBSMKVN) Nguyễn Thị Thu Linh cho biết, đến nay, công trình thủy điện Xayabouri đã hoàn thành được khoảng 80%, dự kiến năm 2018 sẽ hoàn thành toàn bộ và bắt đầu phát điện vào năm 2019.

Đối với công trình thủy điện Don Sahong, đã hoàn thành khoảng 40% khối lượng, chuẩn bị lắp đặt thiết bị. “Sau triển khai xây dựng công trình Xayabouri và Don Sahong, phía Lào đã và đang xúc tiến xây dựng thêm công trình thủy điện trên dòng chính Mekong.

Ngày 4-11-2016, Lào đã chính thức thông báo kế hoạch xây dựng công trình thủy điện Pak Beng cho UHSMK quốc tế và đề nghị tiến hành quá trình tham vấn trước theo quy định tại thủ tục thông báo, tham vấn và thỏa thuận của UHSMK quốc tế” - bà Linh thông tin.

Mùa lũ ở An Giang thường thiếu hụt nước do tác động ngăn dòng, chuyển dòng trên sông Mekong

Sau 6 tháng tham vấn, các nước Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều bày tỏ quan ngại nếu thủy điện Pak Beng được xây dựng, công trình này cùng với tác động lũy tích của 2 công trình Xayabouri và Don Sahong sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia trong lưu vực Mekong, kể cả vùng dự án của Lào và Thái Lan. Đối với ĐBSCL, việc ngăn dòng của Lào, chuyển dòng của Thái Lan trên dòng chính Mekong khiến tình trạng thiếu nước mùa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, “đói” phù sa, bùn cát… thêm trầm trọng.
 
Nỗ lực của Việt Nam
 

Nếu như 2 đợt tham vấn trước đối với Xayabouri và Don Sahong, các quốc gia thành viên trong UHSMK quốc tế chỉ công bố ý kiến riêng của quốc gia mình mà không nhất trí ra tuyên bố chính thức chung, gây thất vọng đối với cộng đồng trong khu vực thì đối với dự án Pak Beng, lần đầu tiên Ủy ban Liên hợp đã ra một tuyên bố chung của UHSMK quốc tế, kêu gọi Chính phủ Lào làm hết sức mình nhằm giảm thiểu các tác động xuyên biên giới tiềm tàng của dự án thủy điện Pak Beng, thống nhất các khuyến nghị mà Lào và chủ đầu tư cần tiếp tục thực hiện như: thu thập số liệu bổ sung, tiếp tục đánh giá một cách kỹ lưỡng hơn cả tác động tại chỗ và xuyên biên giới, điều chỉnh thiết kế công trình, tăng cường các biện pháp giảm thiểu tác động, tăng cường trách nhiệm chia sẻ và cập nhật thông tin, đánh giá tác động lũy tích của công trình Pak Beng với các công trình khác trên dòng Mekong (kể cả các đập thủy điện trên sông Lan Thương, Trung Quốc) và duy trì một mạng giám sát chung tác động xuyên biên giới.
 
Việc ra Tuyên bố chung về dự án thủy điện Pak Beng được các chuyên gia xem là thành công lớn, trong đó có vai trò tích cực của Việt Nam. Lần đầu tiên, các quốc gia thành viên UHSMK quốc tế đã đạt được sự đồng thuận trong tham vấn cho một công trình dòng chính.

“Tuyên bố chung này không chỉ đạt được sự đồng thuận đối với riêng dự án Pak Beng, mà còn mở ra các cơ chế vùng về phối hợp trao đổi thông tin, quan trắc giám sát và xây dựng quy chế vận hành liên hồ cho tất cả các công trình thủy điện dòng chính Mekong” - bà Nguyễn Thị Thu Linh đánh giá.
 
TS. Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành UHSMK quốc tế cho rằng, việc thống nhất cho ra đời Hiệp định Mekong là thành công lớn của Việt Nam trong khi ở các khu vực khác trên thế giới, để các quốc gia cùng ký vào một hiệp định là quá trình không dễ.

Tiếp sau đó, việc tổ chức phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp đối với dự án Pak Beng và ra tuyên bố chung là thành công tiếp theo cho nỗ lực của Việt Nam. Qua đó cho thấy, vai trò của UBSMKVN là rất quan trọng. “Để tiếp tục phát huy vai trò này, UBSMKVN cần phối hợp chặt chẽ với UHSMK quốc tế trong những vấn đề khu vực” - TS. Phan lưu ý.
 
Gợi ý của TS. Phạm Tuấn Phan là vấn đề được các thành viên UBSMKVN thống nhất trong hội nghị năm 2017 tổ chức tại An Giang. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBSMKVN cho biết, sau khi kiện toàn tổ chức, vai trò của UBSMKVN sẽ được nâng cao hơn nữa, đặc biệt là trong công tác phối hợp với UHSMK quốc tế, tham mưu Chính phủ đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao đối với hoạt động chuyển nước trên dòng Mekong ở Thái Lan, các hoạt động xây đập thủy điện ở Lào và Campuchia nhằm tiến tới thống nhất khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mekong bền vững, hài hòa lợi ích của các quốc gia trong lưu vực, đặc biệt là giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân vùng ĐBSCL.

“Với vai trò của một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, nơi chịu ảnh hưởng bởi những tác động trên dòng chính sông Mekong, An Giang sẽ nỗ lực hành động để góp phần giải quyết tốt vấn đề xuyên quốc gia, chia sẻ nguồn tài nguyên nước, khai thác bền vững nguồn lợi của dòng Mekong” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi nhấn mạnh.

Theo Báo An Giang
 

Chia sẻ bài viết