30/09/2018 - 16:38

Hạ tầng giao thông - bệ phóng phát triển kinh tế 

Hệ thống giao thông vận tải đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở chủ động phát huy nội lực và sự hỗ trợ của Trung ương, gần 15 năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông của TP Cần Thơ đã có những bước tiến vượt bậc. Đây được xem là một trong những mũi đột phá giúp Cần Thơ tăng tốc phát triển, xứng đáng là trung tâm đầu mối giao thông của vùng.

Kết nối vùng

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, chia sẻ: Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ, trong đó TP Cần Thơ có vai trò là đầu mối giao thông và là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL. Vì vậy, đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố đã được Trung ương và thành phố quan tâm tập trung đầu tư mạnh mẽ gần 15 năm qua, với hàng loạt công trình lớn, trọng điểm. Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thành phố có bước phát triển nhanh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu lưu thông và liên kết vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


Đường Quang Trung-Cái Cui là một trong những công trình giao thông trọng điểm kết nối khu vực trung tâm thành phố với các khu công nghiệp, cảng và tuyến đường Nam Sông Hậu. Ảnh: T. TRINH

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL, là đô thị loại I và là một trong 4 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm, TP Cần Thơ đã được Trung ương đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối thông suốt các địa phương trong vùng với TP Hồ Chí Minh và cả nước, như: Cầu Cần Thơ, Sân bay Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cảng Cần Thơ cùng các tuyến quốc lộ 1A, 80, 91, 91B, đường Nam sông Hậu. Bộ Giao thông Vận tải đang đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mở ra một hướng giao thông đường bộ quan trọng cho Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực. Cùng với đó, TP Cần Thơ đã tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành các dự án trọng điểm hòa vào các công trình huyết mạch, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông thành phố, thúc đẩy giao thương nội vùng và liên vùng...

Kết nối với những dự án giao thông lớn, nhiều công trình do thành phố quản lý như: các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị… cũng đã được đầu tư hòa mạng giao thông. Các tuyến hẻm nội ô đã được nâng cấp mở rộng hoàn thành theo dự án nâng cấp đô thị thành phố. Các tuyến đường huyện, đường xã đảm bảo vận tải hành khách, hàng hóa nông sản khu vực nông thôn bằng ô tô. Đến cuối năm 2015 thành phố đã có tất cả 85 xã, thị trấn, phường đều có đường ô tô đến trung tâm...

Tăng tốc phát triển

Có thể khẳng định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TP Cần Thơ từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL. Thành phố đã cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng sân bay quốc tế Cần Thơ. Đây là sân bay được đầu tư không chỉ phục vụ kết nối giao thông của Cần Thơ mà cho cả khu vực ĐBSCL với các khu vực khác trong nước và quốc tế. Cùng với đó, mở ra cơ hội lớn cho Cần Thơ và vùng ĐBSCL đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp không khói, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với thủ phủ miền Tây. Sân bay quốc tế Cần Thơ hiện đang khai thác các đường bay: Cần Thơ - Hà Nội, Cần Thơ - Phú Quốc, Cần Thơ - Côn Đảo, Cần Thơ - Đà Nẵng, Cần Thơ - Đài Bắc trong dịp Tết Nguyên đán, Cần Thơ – Bangkok vào dịp hè. Bộ Giao thông và Vận tải cùng TP Cần Thơ đang tích cực kêu gọi các hãng hàng không mở các tuyến bay, tiếp tục kết nối Cần Thơ với các khu vực khác trong cả nước và các nước trong khu vực.

Trong thời gian qua, hệ thống cảng biển trên địa bàn đã và đang được đầu tư xây dựng nâng cấp theo Quy hoạch nhóm cảng biển số 6 của Bộ Giao thông Vận tải. Cụm cảng trung tâm Cần Thơ gồm khu bến Hoàng Diệu và khu bến Cái Cui hoàn thành nâng cấp, cơ bản đáp ứng cho tàu 10.000DWT đầy tải và 20.000DWT giảm tải cập bến. Dự án luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu đã hoàn thành và thông luồng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa bằng đường hàng hải. Tháng 10-2016, chiếc tàu đầu tiên chở hàng trăm container có trọng lượng gần 7.000 tấn lưu thông từ biển qua kênh Quan Chánh Bố vào sông Hậu đến cảng Cái Cui. Đây là chuyến tàu container đầu tiên vào khu vực ĐBSCL, trực tiếp đưa hàng hóa ra phía Bắc. Qua đó, tiết kiệm thời gian 3 ngày so với trung chuyển qua TP Hồ Chí Minh hoặc Cái Mép và giảm chi phí 2-3 triệu đồng/container, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa khu vực ĐBSCL. Ông Phùng Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Tân cảng Cái Cui (hoạt động từ năm 2016) là cảng container lớn và hiện đại nhất mà công ty đầu tư tại khu vực ĐBSCL. Đây là cảng duy nhất có thể tiếp nhận các tàu container tuyến quốc tế Nội Á cập cảng trực tiếp. Theo kế hoạch, công ty sẽ triển khai tàu container quốc tế tuyến Nội Á cập cảng Tân cảng Cái Cui sau khi luồng Quan Chánh Bố được nạo vét. Đồng thời, phát triển cụm cảng Cái Cui với chiều dài 1.210m cầu cảng thành cảng tổng hợp - cảng trung tâm của cả vùng; xây dựng, phát triển khu 242ha liền kề thành khu logistics trung tâm của khu vực ĐBSCL. Qua đó, góp phần giảm được chi phí thời gian vận chuyển, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL…

Với nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư trong gần 15 năm qua và những định hướng phát triển dài hạn đã hoạch định, trong tương lai gần mạng lưới giao thông vận tải của Cần Thơ sẽ đáp ứng được  nhu cầu lưu thông; thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố. Góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

T. TRINH

Chia sẻ bài viết