09/11/2017 - 21:47

Góp sức trẻ xây dựng quê hương 

Cùng xuất phát điểm là sinh trưởng trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hai cô gái trẻ Võ Thị Huyền Trân, sinh viên ngành Dịch vụ pháp lý, Trường Cao đẳng Cần Thơ và Dương Thị Hồng Đào, cựu sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, luôn nỗ lực vượt khó, học tốt. Song song đó, Trân và Đào tích cực tham gia các hoạt động, phong trào tình nguyện, với mong muốn góp sức trẻ phục vụ cộng đồng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Huyền Trân trong một chuyến tình nguyện vì cộng đồng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Huyền Trân chia sẻ tin vui, vừa được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam công nhận là huấn luyện viên cấp I Trung ương vì xuất sắc vượt qua 35 nội dung sát hạch kiến thức và kỹ năng tại Trại huấn luyện Nguyễn Chí Thanh, tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp tháng 10 vừa qua. Trân nói: “Bên cạnh các kỹ năng công tác Đoàn - Hội, em học hỏi anh chị về phương pháp thuyết trình, soạn giáo án giảng dạy hiệu quả, hấp dẫn và thêm nhiều kỹ năng bổ ích để tổ chức các hoạt động tập thể”. Đối với Bí thư Chi đoàn lớp như Trân, những kiến thức, trải nghiệm này càng thêm ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn và hoạt động tình nguyện. Trân còn là cộng tác viên Ban Tuyên giáo Thành đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn khu vực 4, phường An Hòa (quận Ninh Kiều).

Mỗi năm, Trân tổ chức cho lớp ít nhất 2 chương trình vui chơi, thăm và tặng quà trẻ em nhiễm chất độc dioxin, mồ côi và khuyết tật; hành trình về nguồn tại các địa chỉ đỏ trong thành phố, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức, lối sống cho các bạn. Hay như ở phường An Hòa, Trân có mặt mỗi đợt ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, tuyên truyền về an toàn giao thông. Trân còn đăng ký tham gia mùa hè xanh, tình nguyện sơn sửa, vẽ tranh ở các điểm trường khó khăn tại quận Thốt Nốt. Không chỉ vậy, Trân còn hỗ trợ Thành đoàn Cần Thơ tổ chức nhiều sự kiện lễ, kỷ niệm, văn hóa văn nghệ. Qua đó, giúp Trân tiến bộ hơn trong học tập; dạn dĩ, tự tin hẳn trong các buổi học nhóm, thuyết trình hoặc tổ chức phiên tòa giả định. Trân học lực đạt loại khá, điểm số thuộc tốp cao của lớp và nhận học bổng khuyến khích học tập.

Không chỉ đam mê tình nguyện, Trân còn có ý thức tự lập rất cao. Không muốn mẹ cực khổ, mấy năm nay, Trân làm phụ bếp quán mì cay từ 17 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/tháng. Trâm tranh thủ tăng ca ngày không có tiết học, dành dụm mua sách tham khảo, dụng cụ học tập và chi phí sinh hoạt, góp phần giảm bớt gánh nặng gia đình.

Dương Thị Hồng Đào (bên trái) trò chuyện cùng em gái mỗi khi có dịp về thăm gia đình.

Cũng như Huyền Trân, Dương Thị Hồng Đào sinh trưởng trong gia đình thuộc diện khó khăn ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai. Thương cha mẹ vất vả, cần lao, chị em Đào sớm có ý thức tự lập. Hằng ngày, sau thời gian ở trường, chị em Đào phụ mẹ nấu xôi, gói bánh, bán dạo trong xóm. Ngày cuối tuần nghỉ học, chị em ra đồng bắt cá, hái rau, mang ra chợ bán, kiếm tiền mua gạo phụ cha mẹ. Cảnh nhà khốn khó nhưng Đào luôn đạt thành tích cao trong học tập, là học sinh giỏi 12 năm liền. Năm 2013, tốt nghiệp THPT, Đào dự định không học tiếp, đi làm để cha mẹ vơi nỗi lo. Biết chuyện, cô giáo chủ nhiệm cùng các bạn hết lời động viên. Đào nộp hồ sơ thi đại học và trúng tuyển ngành kinh tế nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Khi ấy, nhờ suất học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi trẻ, Đào yên tâm vào đại học. Sau thời gian ngắn thu xếp ổn định lịch học, Đào xin làm thêm, dạy kèm để trang trải sinh hoạt phí hằng tháng. Vừa bận rộn học hành, vừa làm thêm vất vả nhưng Đào luôn đạt thành tích cao ở các môn học và nhận học bổng của trường.

Tháng 12-2016, Đào ra trường và xin việc tại công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở tỉnh An Giang. Đào cùng đồng nghiệp hỗ trợ bà con nông dân kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật. Đào kể: “Đồng hành cùng bà con, em cảm nhận rất rõ những vất vả, nhọc nhằn nông dân hằng ngày đối mặt. Điều này luôn thôi thúc em nỗ lực hơn trong công tác để có điều kiện hỗ trợ bà con thật tốt”. Trong những chuyến công tác, Đào và các cộng sự kết nối với các đối tác tổ chức các sự kiện hội thảo đầu bờ, hướng dẫn kỹ năng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn cho bà con, hay kiến thức liên quan nông nghiệp.

Luôn muốn thử thách bản thân, Đào nghỉ việc công ty thuốc bảo vệ thực vật và trúng tuyển vào Tập đoàn Đại Việt có công ty con tại TP Cần Thơ. Đào chia sẻ: “Tôi quyết định trở về thành phố làm việc, mong muốn được học hỏi thêm, nhất là kiến thức chuyên môn về nông nghiệp để có cơ hội được hỗ trợ bà con nông dân nhiều hơn”. Hiện Đào ở trọ cùng bạn thân thời đại học. Ngoài thời gian làm việc chuyên môn, Đào còn làm thêm buổi tối. Đào tâm sự: “Làm nhân viên phục vụ bàn quán nước, tiếp xúc với nhiều khách nước ngoài, em có thể trau dồi ngoại ngữ để tiến bộ và làm việc tốt hơn”.

Cuộc sống còn nhiều thử thách phía trước nhưng với khát khao vươn tới cuộc sống tươi đẹp và nguyện vọng góp sức cho quê hương, tin rằng, Huyền Trân, Hồng Đào sẽ ngày càng trưởng thành, vững vàng trong cuộc sống.

THÁI – TRANG

Chia sẻ bài viết