28/01/2010 - 21:48

Góp "lửa" xây đời

Mùa xuân này, Đảng ta tròn 80 tuổi. Trong 8 thập niên xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn hết sức khó khăn, Đảng ta, với đội ngũ những đảng viên trung kiên đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, đưa đất nước không ngừng phát triển, vươn lên tầm cao mới. Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, nhiều cán bộ, đảng viên luôn nỗ lực học tập, lao động, phấn đấu rèn đức luyện tài, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những gương mặt đảng viên mà chúng tôi đã gặp và giới thiệu dưới đây chỉ là số ít trong hàng ngàn, hàng vạn đảng viên tiêu biểu, đã và đang tiếp nối những thế hệ đảng viên đi trước, truyền “ngọn lửa” nhiệt tình cách mạng đến các tầng lớp quần chúng, nhân dân.

1. Đến ấp Nhơn Bình, hỏi nhà chú Huỳnh Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, nhiều người biết rất rành. Mặc dù nhà chú nằm sâu trong một con đường nhỏ, ngoằn ngoèo nhưng nhiều năm qua nơi đây là địa chỉ quen thuộc mà bà con trong xã, ấp thường tìm tới mỗi khi cần trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm sản xuất, cũng như trình bày những khó khăn trong cuộc sống...

 

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nhơn Ái anh hùng, 16 tuổi, chú Xuân đã tham gia bộ đội địa phương. Hòa bình, chú tiếp tục công tác ở Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ (cũ) đến năm 1981 mới phục viên về địa phương. Rời quân ngũ, chú Xuân bắt tay ngay vào việc cải tạo lại 3 công đất ruộng, nhưng do chưa có kinh nghiệm sản xuất nên những vụ đầu năng suất không cao. Chú Xuân nhớ lại: “Những lúc quá khó khăn, tôi cũng muốn buông xuôi... Nhưng suy nghĩ lại, tôi tự nhủ mình là đảng viên, chẳng lẽ trong cuộc chiến đấu vượt qua nghèo khó lại đi sau quần chúng. Từ đó, tôi tự động viên mình phải phấn đấu vươn lên để không phụ lòng tin tưởng của Đảng”. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, chú Xuân nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của bà con trong xóm rồi mạnh dạn chuyển sang mô hình 2 lúa, một màu. Các vụ lúa, chú cũng tận dụng bờ bao để trồng xen bắp cải, tỉa đậu, bắp, rau thơm... Vừa làm ruộng, chú vừa chăn nuôi heo, nuôi cá, gà, vịt... Nhờ cần cù, chịu khó và mạnh dạn áp dụng các mô hình, phương pháp canh tác tiên tiến nên ruộng lúa, rẫy màu của gia đình chú luôn đạt năng suất cao, cuộc sống gia đình từng bước ổn định và bắt đầu dư dả... Hiện tại, gia đình chú Xuân có hơn 11.000m2 đất. Mấy năm nay, chú lên liếp, chuyển sang trồng chanh, bưởi, dâu Hạ Châu. Mỗi năm, thu hoạch từ trồng vườn, rẫy và chăn nuôi mang lại cho gia đình chú thu nhập hơn 80 triệu đồng...

Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế, chú Xuân còn tích cực tham gia công tác địa phương. Sau nhiều năm liền được các đảng viên tín nhiệm bầu giữ nhiệm vụ Bí thư Chi bộ ấp Nhơn Bình, năm 2009, chú Xuân được bầu giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Ái. Với vai trò Chủ tịch Hội CCB, chú Xuân chủ động phối hợp với Đoàn thanh niên xã tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống, tuyên truyền vận động thanh niên nhập ngũ và tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Nghĩa vụ quân sự trong nhân dân, góp phần cho công tác tuyển quân của xã đảm bảo về số lượng, chất lượng. Cùng với việc chỉ đạo các chi hội thành lập các tổ góp vốn xoay vòng, để giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp xây dựng sửa chữa nhà cho các hội viên khó khăn về nhà ở, chú cũng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với bà con. Nhiều hội viên và nhân dân nghèo trong khu vực được chú giúp đỡ mua cây, con giống trả chậm. Đặc biệt, trong năm 2009, chú đã cùng các hội viên CCB nghiên cứu, nhân rộng mô hình nuôi cá - ếch và ứng dụng kỹ thuật mới trong trồng vườn thành 2 Câu lạc bộ: Câu lạc bộ làm vườn và Câu lạc bộ cá - ếch, thu hút đông đảo hội viên CCB và nhân dân trong xã tham gia. Chú còn tham gia giáo dục, giúp đỡ anh V.T.N, ở ấp Nhơn Phú, là thanh niên chậm tiến, từng bước tiến bộ, tu chỉnh làm ăn... Ông Thái Văn Nam, Chủ tịch UBMTTQ xã Nhơn Ái, nhận xét: “Trong quá trình chiến đấu, anh Xuân 7 lần bị thương, được công nhận là thương binh hạng 4. Mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng trong hoàn cảnh nào anh cũng luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, cộng với lối sống giản dị, gần gũi, nhiệt tình, hết lòng với mọi người nên anh luôn được cán bộ, đảng viên và bà con lối xóm quý mến”.

2. “Bác Hồ từng dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Để chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” như lời dạy của Bác, tôi luôn tự nhắc mình phải nỗ lực phấn đấu không ngừng”. Đó là lời tâm sự của cô Lê Thị Thanh Thủy, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa 1, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Nói về cô Lê Thị Thanh Thủy, nhiều giáo viên cùng trường khẳng định: Sự quyết tâm, tinh thần vượt khó và cầu tiến của cô luôn là tấm gương sáng để các đồng nghiệp noi theo.

 

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ cô Thanh Thủy luôn chăm chỉ học hành với ước mơ được trở thành cô giáo. Sau khi học xong khóa đào tạo ngắn hạn tại Trường Cao đẳng Sư phạm ở An Giang, cô về dạy môn sinh tại Trường THCS Long Hòa, Bình Thủy, đến năm 1991 thì chuyển về trường THCS An Hòa 1... Thời điểm này, đời sống giáo viên hết sức khó khăn, nhưng cô Thủy vẫn bám trường, bám lớp, chăm bồi cho thế hệ mai sau bằng tất cả tâm huyết và lòng say mê. Để nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy, cô Thủy luôn chịu khó dự giờ để học tập kinh nghiệm từ đồng nghiệp, nhờ các đồng nghiệp nhận xét, rút kinh nghiệm tiết giảng, làm dụng cụ minh họa để tiết học thêm sinh động. Tranh thủ thời gian rảnh, cô đến các nhà sách, thư viện tìm tài liệu nghiên cứu để tự nâng cao trình độ. Bên cạnh chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, cô chú ý khả năng tiếp thu bài của học sinh, đặc biệt là những em có học lực yếu để xây dựng kế hoạch phụ đạo, dạy kèm. Đặc biệt, cô Thủy luôn giữ mối quan hệ tốt với phụ huynh, nhằm quản lý, giáo dục các em phát triển toàn diện. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nên tỷ lệ học sinh đạt điểm khá, giỏi ở các lớp cô Thủy giảng dạy thường chiếm tỷ lệ rất cao. Để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, những năm qua, dù hoàn cảnh neo đơn do chồng công tác xa, cô Thủy vẫn tham gia học chương trình Cao đẳng, Cử nhân Quản lý giáo dục, Trung cấp lý luận chính trị...

Hiện nay, với vai trò là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS An Hòa 1, cô Thủy tập trung cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; thực hiện nghiêm công tác tự phê bình và phê bình trên tinh thần xây dựng giúp nhau cùng tiến bộ. Nhiều năm qua, Chi bộ Trường THCS An Hòa 1 đã gắn việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”. Hưởng ứng các cuộc vận động, nhiều đảng viên, giáo viên đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị; tìm tòi, nghiên cứu cách sử dụng phần mềm Powerpoint, phương pháp soạn giảng và dạy học bằng bài soạn điện tử, cách truy cập và lấy tư liệu giảng dạy từ Internet, các nguồn tư liệu khác bằng thiết bị công nghệ thông tin.. góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Với những nỗ lực đó, nhiều năm liền Chi bộ trường đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của trường đều đạt trên 95%. Riêng cô Thủy nhiều năm được tập thể bình chọn là đảng viên xuất sắc. Năm 2009, cô Lê Thị Thanh Thủy vinh dự được Thành ủy tặng Huy hiệu Bác Hồ và tuyên dương vì thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

3. Trong một dịp theo đoàn y, bác sĩ của Ban Quân y, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Cần Thơ đến khám bệnh cho bà con thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, chúng tôi mới thấy hết sự vất vả, lòng nhiệt tình của các y, bác sĩ, đặc biệt là Thiếu tá, Bác sĩ Phạm Văn Bồi, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Quân y. Lưng áo thấm đẫm mô hôi, anh vẫn ân cần khám bệnh, ra toa thuốc, giải thích những thắc mắc cho bệnh nhân... Không chỉ trực tiếp tham gia khám bệnh cho bà con, anh còn chủ động liên hệ, vận động các đơn vị, doanh nghiệp tài trợ tiền để mua thuốc men; vận động các bệnh viện trên địa bàn thành phố, quận, huyện cử y, bác sĩ, hỗ trợ máy móc, thiết bị để tổ chức khám bệnh cho người dân ở các vùng căn cứ kháng chiến, các xã nghèo... Anh tâm sự: “Có đến những vùng ngoại thành, những vùng còn nhiều khó khăn mới hiểu hết nỗi khổ của các bệnh nhân nghèo. Vì vậy, hàng năm chúng tôi đều tổ chức nhiều đợt khám và phát thuốc miễn phí, qua đó mong góp sức mình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...”.

 

Trước khi giữ nhiệm vụ Trưởng ban Quân y, anh Bồi là Bệnh xá trưởng Bệnh xá Bộ CHQS thành phố. Đồng đội của anh kể: Ngoài khám, điều trị cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) thành phố, mỗi ngày Bệnh xá tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân là người dân trên địa bàn. Công việc vất vả như vậy, nhưng những bà Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVT nhân dân và gia đình chính sách... khi ốm đau không thể đến Bệnh xá, anh Bồi đến tận nhà khám và điều trị bệnh cho các bệnh nhân. Anh tâm sự: “Trong chiến tranh, các mẹ, các cô chú đã mất mát, hy sinh và cống hiến cho Đảng, cho đất nước rất nhiều. Bây giờ, mình vất vả một chút, nhưng chăm sóc các Mẹ, các cô chú sống vui, khỏe là mừng lắm rồi”.

Đầu năm 2009, được điều động và bổ nhiệm làm Trưởng ban Quân y, Bộ CHQS thành phố, anh Bồi tiếp tục lãnh đạo đơn vị và nỗ lực thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần cùng đơn vị thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Anh luôn quan tâm công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, giúp đội ngũ y, bác sĩ của Ban Quân y nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, chăm lo, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ LLVT. Để lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh Bồi luôn chủ động xây dựng các kế hoạch, từ tổ chức khám bệnh cho cán bộ, chiến sĩ theo định kỳ, thực hiện vệ sinh phòng dịch trong các doanh trại; thường xuyên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn của các đơn vị và thực hiện tốt việc giám sát khám tuyển sức khỏe cho thanh niên lên đường nhập ngũ. Nhờ vậy, năm qua, trên 99% cán bộ, chiến sĩ LLVT thành phố luôn bảo đảm đủ sức khỏe để học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Chỉ riêng năm 2009, Ban Quân y đã tham mưu cho Bộ CHQS thành phố tổ chức và trực tiếp tham gia khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho trên 4.000 lượt bệnh nhân nghèo tại các huyện Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, với tổng giá trị thuốc trên 115 triệu đồng...

Với tinh thần tận tụy, hết lòng hết sức phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, năm 2009, Thiếu tá, Bác sĩ Phạm Văn Bồi anh được Thành ủy tuyên dương, tặng Huy hiệu Bác Hồ. Anh nói: “Là người chiến sĩ quân đội, vinh dự này là động lực mạnh mẽ để tôi tiếp tục phấn đấu, thực hiện tốt hơn nữa lời Bác dạy “trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành...”.

NHÓM PV CHÍNH TRỊ

Chia sẻ bài viết