24/06/2018 - 10:58

Góp chút tư liệu về “Năm Thìn bão lụt” 

“Năm Thìn bão lụt” giờ không đơn thuần là một sự kiện trong lịch sử của vùng đất Nam bộ mà đã trở thành thành ngữ để chỉ sự việc đã diễn ra quá lâu, xưa cũ: “Ôi, chuyện hồi năm Thìn bão lụt tới giờ, ai mà nhớ!”. Vậy, năm Thìn ấy là năm nào, bão lụt ở địa phương nào… Bàn thêm về những vấn đề này cũng là cách hiểu hơn về thiên nhiên và con người Nam bộ thuở xưa.

Biển Gò Công, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của trận bão lụt năm Thìn.

Nhắc đến “Năm Thìn bão lụt”, nhiều người nghĩ ngay đến cơn bão lụt năm Giáp Thìn 1904 ở xứ Gò Công, và nhiều vùng phụ cận như Định Tường, Cần Giờ... Đến nay, tư liệu về trận cuồng phong này không nhiều, chủ yếu thông qua văn học dân gian; chỉ duy nhất được nhắc đến trong cuốn “Gò Công cảnh cũ người xưa” của cụ Việt Cúc xuất bản thập niên 1970, sau đó được NXB Trẻ tái bản vào năm 1993.

Theo cụ Việt Cúc thuật lại, đó là ngày rằm tháng 3 năm Giáp Thìn đương mùa khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ bỗng trời nộ cuồng phong, mây đen bao phủ từ 10 giờ sáng đến chạng vạng. Hơn 5 giờ chiều: “Bỗng xoay chiều gió từ phương Đông ào ào xô gãy cây và trốc gốc, vách nhà đổ xiêu. Lá cây, lá lợp nhà tốc bay tứ tung, cây cối nằm la liệt”, cụ Việt Cúc hồi tưởng. Không chỉ vậy, tàu thuyền ngoài biển, trong sông bị nhấn chìm vô số, xác người, xác súc vật trôi lềnh bềnh trên sông, cảnh tượng tang thương - bình địa khởi phong ba. Cụ Huỳnh Ngọc Liêng, người Gò Công, đã cảm tác thành thơ:

Rương xe, thùng bộng, mái lơn
Thuyền chài, cối giã, chạy bôn trên đồng
Xác người, xác thú chập chồng
Sóng dồi rều dập, vun giồng lấp khe”

Cơn bão đi qua, niềm đau ở lại. Tiếng hờ khóc vang vọng một vùng. Đàn ông tìm cây lá cất chòi ở tạm, đàn bà bòn mót lúa cho qua bữa. Ngày 19-3 âm lịch, dân làng tổ chức cuộc đi tìm chôn xác, gặp đâu chôn đó, nhiều vô kể. Cũng cần nói thêm, đến tháng năm năm đó, phần do người và vật chết sình trương, phần cây cỏ ẩm mục, nhà cửa ngập lụt không vệ sinh nên người dân Gò Công lại hứng họa dịch bệnh, khổ ải vô cùng. Thống kê của chính quyền tỉnh Định Tường và Gò Công thời đó, có tới trên 5.000 người chết, hơn 80% súc vật chết và hơn 60% nhà dân bị sập trong cơn bão năm Thìn này. Từ đó, ca dao Gò Công có câu rằng:

Gặp đây mới biết em còn
Hồi năm bão lụt anh khóc mòn con ngươi

Dân gian Gò Công còn lưu truyền bài thơ bão rất dài, miêu tả cảnh khốn cùng sau cơn bão lụt. Bài thơ có đoạn:

Rủ nhau dập xác cho liền
Gặp đâu chôn đó, chớ hề ai khiêng
Thân chết chôn rồi đã yên
Còn người sống sót gạo tiền đâu ăn
?”

Sau bão là bệnh dịch hoành hành. Khung cảnh mà cụ Việt Cúc thuật lại thật đau xót, mất mát biết dường nào. Có gia đình, chỉ trong 10 ngày chết đến 3 người. Có nhà thì đứa em chết sớm mai, chiều tối người chị chết. Khiêng người này ra chôn rồi kế về khiêng người khác đi chôn nữa. Cụ kể: “Đầu xóm nghe tiếng cưa cây đóng quách, giữa xóm cành cạnh tiếng niêm hòm. Chết nhiều đến nỗi thiếu hòm thiếu ván để đóng quách mà chôn, thật rùng rợn kinh hoàng”.

Chỉ những căn nhà bề thế, vững chãi mới có thể qua cơn bão lụt năm Thìn. Trong ảnh: Nhà cổ Đốc Phủ Hải ở nội ô Gò Công nhờ xây cất kiên cố nên trụ vững qua thiên tai năm 1904. 

Lời kể này càng được củng cố khi trong “Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của cụ Nguyễn Liên Phong, Phát Toán xuất bản năm 1909, cũng ghi nhận:

Năm Thìn rủi mắc cơn giông bão
Dựng lại bằng xưa cũng phước trời”

Đoạn cuối của bài miêu tả về Gò Công, tác giả ghi:

Gò Công xiết mấy hư hao
Trời sanh trời dưỡng biết sao mà phòng”

Tác giả Huỳnh Minh trong cuốn “Gò Công xưa” đã xúc cảm khi nhắc đến sự kiện này và mở đầu bằng câu hát đưa em quen thuộc:

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc bằng gió Gò Công
Một trận Đông phong xiêu vợ lạc chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi”

Tuy nhiên, tác giả Huỳnh Minh kể rằng ngày xảy ra cơn bão lụt là 16 tháng 3 chứ không phải ngày Rằm như cụ Việt Cúc kể. Ngày 16 ấy, mưa dầm từ trưa đến 4 giờ chiều, gió rung cây lá đổ, lần lượt nhà lá sập rệu rã trong mưa giông. Cũng cần nói thêm, thời điểm này chính là lúc các đình làng khai hội Kỳ Yên. Bởi vậy cụ Huỳnh Minh kể, trong làng làm lễ cúng Thần, Xây chầu đại bội, đào kép còn mang râu đội mão bị nước dâng ngập lụt tới góc đình, có người mắc kẹt trên cây, mặt nguyên phần trang điểm, kêu la cầu cứu. Chi tiết này cho thấy đây là cơn bão lụt bất thình lình, không ngờ nên người dân hoàn toàn thụ động trong việc ứng phó.

Một câu chuyện rất hay được cụ Huỳnh Minh kể lại là tại Gò Công thuở đó có ông Lộ Công Tập ở làng Long Thuận, ở trong ngôi nhà ngói năm căn nền lót gạch tàu mới cất. Ngôi nhà chắc chắn ấy đã qua cơn bão lũ. Vậy là gần 400 người bị tai ương làm sập nhà cửa không nơi trú ngụ đã về đây xin ở tạm. Ông Lộ Công Tập gom hết quần áo trong nhà đem cho dân mà cũng không đủ, cơm nấu bằng chảo lá sen hết chảo này tới chảo khác. “Nghĩa cử hào hiệp đầy lòng nhân ái của gia đình ông đáng cho đời ghi nhớ”, tác giả Huỳnh Minh ghi lại trong “Gò Công xưa”.

Trở lại việc cơn bão xảy ra vào ngày 16 hay 15-3-1904, chúng tôi cho rằng cụ Huỳnh Minh có lý hơn khi cụ viện dẫn được chi tiết thông qua câu ca dao:

Tháng ba mười sáu lai niên
Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung”

Có nghĩa, sau cơn bão, cứ ngày 16-3 âm lịch, dân chúng hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công có thân nhân bị thiên tai cướp đi sinh mạng cùng hợp nhau cúng bái, gọi là giỗ hội.

Chúng tôi còn tìm được tư liệu về trận bão lụt này trong cuốn “Chuyện xưa tích cũ” do nhà văn Sơn Nam và nhà báo Tô Nguyệt Đình thực hiện. Trong chuyện “Bão lụt năm Thìn” ghi rõ đó là ngày 16-3 âm lịch, nhằm ngày 1-5 dương lịch 1904. Hai tác giả còn dẫn lại cảnh mất mát, đau thương qua mấy câu ca truyền lại:

Vừa đi vừa ngó các đồng
Trâu heo bò ngựa tràn đồng sình trương
Tử thi xem thấy thảm thương
Thây trôi như củi đào mương tấp vào”

Cũng cần nói thêm, cơn bão lụt năm Thìn khiến các vùng phụ cận cách Gò Công 50-60 cây số như Bến Tre, Mỏ Cày, Tân An… cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Bao gia tài sự sản bỗng chốc thành bèo mây bọt biển. Từ sự kiện này, câu thành ngữ “Thành trị hoại không”, có rồi mất, không gì là trường tồn, vĩnh cửu, ra đời. Tác giả Đào Văn Hội trong cuốn “Tân An ngày xưa” kể: “Gió thổi mạnh vào nhất vào 7 giờ đêm. Lần đầu tiên mưa đá rơi tại Tân An, cục to bằng cái trứng gà”. Nước sông Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định, kinh Lính Tập dâng lên, nhiều người chạy không kịp, bị nước cuốn trôi. Dân chúng chạy đến trú ở dinh chủ tỉnh và tòa bố. 7 giờ sáng ngày 17-3 âm lịch, mưa tạnh dần, nước rút lần lần. Quang cảnh lúc ấy trông thật điêu tàn, tất cả các nhà lá đều sập, các cây keo, cây me trốc gốc...

Cố nhà báo Nguyễn Ngọc, người có nhiều bài nghiên cứu về sự kiện bão lụt năm Thìn cho biết, tờ “Nam Kỳ tuần báo” số 85, ra ngày 8-6-1944, có bài “Trận bão năm Thìn”, tường thuật khá chi tiết về cơn bão này trên đất Sài Gòn. Hôm ấy cũng đúng vào ngày bầu cử hội đồng thành phố. Chiều hôm trước là ngày khánh thành tuyến xe lửa Sài Gòn - Gò Vấp. Ông ghi lại nội dung tờ báo: Buổi sáng 1-5-1904, từ 7 giờ 55 cho đến 12 giờ tại Sài Gòn, mưa cứ lâm râm. Đến 1 giờ gió bắt đầu thổi mạnh và đến 3 giờ chiều gió càng dữ dội. Lúc đầu, trời chỉ có giông, lần hồi vừa giông vừa mưa đến mức như trút nước. Cuộc bầu cử Hội đồng thành phố hôm ấy vắng mặt tới trên 400 cử tri do thời tiết xấu, kết quả kiểm phiếu bị hủy bỏ và phải dời lại Chủ nhật tuần sau.

*   *   *

Hơn thế kỷ trôi qua, “Năm Thìn bão lụt” vẫn là thiên tai kinh hoàng với người dân Nam bộ. Nhớ về bão lụt năm Thìn để thế hệ hôm nay phòng bị tốt hơn trước những cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Bài, ảnh: Duy Khôi

Chia sẻ bài viết