29/08/2017 - 20:59

Gỡ “vướng” để nâng chất các tiêu chí 

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của hệ thống chính trị từ thành phố đến xã và sự đồng thuận cao của nhân dân tích cực tham gia đóng góp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ đó, đã từng bước nâng cao đời sống của người dân và thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, do phát triển kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên sức đóng góp còn hạn chế để xây dựng các tiêu chí cần nguồn vốn lớn. Thành phố cùng các đơn vị liên quan tìm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các tiêu chí này.

Chuyển biến nhưng còn khó

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM thành phố, thời gian qua, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến mới. Trước đây, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đúng mức, nhưng các cấp lãnh đạo đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, tổ chức hội nghị đánh giá, tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục. Qua đó, nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân được nâng lên, xác định rõ hơn vai trò chủ thể, lợi ích của người dân trong xây dựng NTM, tạo thành phong trào sâu rộng. Bộ máy tổ chức hoạt động xây dựng NTM ở cấp huyện, xã được kiện toàn và củng cố, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm, bức xúc trên địa bàn và có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Kết quả các tiêu chí đạt tăng lên rõ rệt so với khi bắt đầu triển khai chương trình. Đến nay, thành phố có 20 xã được công nhận xã NTM, 16 xã còn lại đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được đầu tư ngày càng hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển hàng hóa giao thông và phục vụ dân sinh…

Lãnh đạo thành phố quan tâm hỗ trợ các địa phương tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ làm việc với huyện Cờ Đỏ về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ảnh: Tuyết Trinh

Hiện nay, đa phần các xã còn lại đều “vướng” một số tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư lớn, như: trường học, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở… Theo lý giải của các xã, do phát triển kinh tế ở địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên sức đóng góp còn hạn chế. Trên địa bàn một số xã có rất ít doanh nghiệp, việc huy động các nguồn vốn từ doanh nghiệp để thực hiện các tiêu chí, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ xây dựng NTM còn hạn chế nên chưa thu hút được sự đầu tư, xã hội hóa. Do vậy, hầu hết các công trình xây dựng NTM phần lớn còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách huyện, thành phố. Ông Tô Bảo Quốc, Bí thư xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Thạnh Mỹ có rất ít doanh nghiệp, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, việc huy động xã hội hóa thực hiện các tiêu chí còn khó khăn. Do đó, lãnh đạo cấp thành phố, huyện quan tâm kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xã trong xây dựng NTM.

Tìm giải pháp

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo quy định đòi hỏi nguồn vốn đầu tư khá lớn. Đây là tiêu chí khó đối với hầu hết các xã xây dựng NTM. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, các địa phương cần có kế hoạch phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia hằng năm. UBND các huyện quy hoạch quỹ đất xây dựng trường đạt chuẩn cho các xã và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở xã NTM. Đối với kinh phí sự nghiệp giáo dục hằng năm nên dành một phần để phục vụ nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng… trường học đạt chuẩn quốc gia. Song song đó, tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố, huyện cho việc mở rộng diện tích, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình phụ… Ông Nguyễn Hữu Nhân cho biết thêm: Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn đến năm 2020; điều chỉnh bổ sung hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp đến năm 2030. Điều tra thực trạng 5 tiêu chuẩn của trường học đạt chuẩn quốc gia để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho cả giai đoạn và từng năm phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền mang tính chiều sâu và bằng nhiều hình thức. Đây là giải pháp quan trọng để các cấp, các ngành và phụ huynh học sinh hiểu được sự cần thiết phải đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn, từ đó có trách nhiệm phối hợp vối ngành giáo dục cùng thực hiện.

Tháo gỡ tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cho các xã nông thôn mới, bà Hồ Lâm Bạch Vân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Sở phối hợp UBND các huyện rà soát, đánh giá cụ thể các thiết chế văn hóa cần nâng cấp, nâng chất, đầu tư để có hướng, giải pháp phù hợp. Qua đó, xác định rõ lộ trình tập trung thực hiện hoàn thành tiêu chí này. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tập trung mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, kế hoạch, đề án đã được phê duyệt tăng cường nguồn vốn và xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, nâng chất…

Theo Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM thành phố, thành phố tăng cường liên kết các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án chương trình trên địa bàn để đầu tư các công trình phục vụ xây dựng NTM. Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn xổ số kiến thiết để đầu tư xây dựng, nâng cấp các trường học trên địa bàn các xã đạt chuẩn. Đồng thời, lồng ghép các Chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nông dân nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng để nâng cao tính tự giác, chủ động, sáng tạo trong thực hiện xây dựng NTM…

Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết