25/12/2013 - 22:36

Sản xuất, tiêu thụ cá tra tại ĐBSCL

Gỡ rối thế nào?

Hiện con cá tra chiếm 26% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, chỉ sau con tôm. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ngành hàng này vẫn đối mặt với tình trạng liên kết chuỗi lỏng lẻo; sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; sản phẩm đơn điệu; thị trường xuất khẩu thường xuyên biến động theo chiều hướng bất lợi... Giải pháp phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng của con cá tra lại một lần nữa được các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đưa ra bàn luận tại Hội thảo "Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra tại ĐBSCL" vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

* Thách thức cũ

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ năm 2010, diện tích thả nuôi cá tra có giảm nhưng sản lượng vẫn duy trì ở mức 1,1-1,2 triệu tấn. Giai đoạn năm 2010-2013, mỗi năm diện tích giảm 1,8% nhưng sản lượng tăng 2% và xuất khẩu tăng 5,8%. Tại hội thảo, thông qua đánh giá tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra, các chuyên gia nêu bật thực trạng liên kết chuỗi giá trị cá tra hiện nay. Trong đó, nguyên nhân cơ bản và sâu xa dẫn đến chuỗi ngành hàng cá tra kém bền vững là liên kết trong nội bộ DN ngày càng mạnh. DN tự chủ "đầu vào" từ con giống, thức ăn và quy trình nuôi khiến các hộ nuôi nhỏ lẻ bị lấn át. Các hộ nuôi muốn tham gia vào chuỗi phải mua con giống, thức ăn của DN. Hay nói cách khác, nếu nguồn cá giống, thức ăn do DN cung ứng không đạt tiêu chuẩn sẽ vô tình làm suy yếu toàn chuỗi; làm hạn chế tính cạnh tranh trong việc tiến tới sự hoàn thiện về chất lượng trong toàn chuỗi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Son, Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, ngành hàng cá tra hấp dẫn do có mức sinh lời cao nhưng những tác nhân tham gia chuỗi giá trị phải chịu những rủi ro rất lớn do giá cả "đầu vào", "đầu ra" không ổn định. Năm 2010 được coi là năm đầy biến động đối với ngành này và hậu quả là con cá tra đi vào vòng luẩn quẩn. Từ cuối năm 2010 đến nay, có khoảng 30% diện tích nuôi cá tra bị "treo ao" do người nuôi thua lỗ liên tiếp 2-3 năm liền. Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, phân tích: "Thời gian qua, diện tích và sản lượng cá tra không suy giảm lớn là do các DN đầu tư mở rộng vùng nuôi. Còn các hộ nuôi nhỏ lẻ do thiếu vốn, năng lực cạnh tranh yếu đã phải treo ao hoặc chỉ tham gia nuôi gia công cho DN".

Nuôi cá tra xuất khẩu tại Hợp tác xã Thủy sản Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, chuỗi giá trị liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra tại ĐBSCL đã và đang tồn tại nhiều vấn đề. "Chúng ta có thói quen sản xuất dựa vào cái mình có mà thiếu nghiên cứu thị trường và dự báo cầu để sản xuất cái mà thị trường cần. Cụ thể, người nuôi chưa đáp ứng đúng kích cỡ cá tại thời điểm thị trường yêu cầu. Thời điểm cuối năm như hiện nay, đa số thị trường nhập khẩu cần cỡ cá từ 750-850 gram, thịt cá màu trắng… Nhưng chúng ta lại không có nguồn để cung. Kết quả là thiếu cá thành phẩm để xuất khẩu cũng như hợp đồng sản xuất, tiêu thụ cá tra giữa nông dân-doanh nghiệp thường xuyên bị phá vỡ"- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc,Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, nêu thực trạng. Việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quản lý chất lượng (GlobalGAP, BMP, SQF, ASC…) được đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có chiến lược cụ thể để thực hiện. Đến nay, chỉ có khoảng 10% DN xuất khẩu cá tra có con dấu ASC. Ngoài ra, các DN xuất khẩu cá tra vẫn chưa quan tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc thay đổi công nghệ chế biến và thương mại hóa sản phẩm từ phần mỡ, xương và da cá mà chủ yếu xuất khẩu phần thịt cá file…

* Hướng đi nào cho con cá tra?

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, song năm 2013, con cá tra vẫn đứng thứ 2 sau tôm trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu và duy trì mức kim ngạch trên 1,5 tỉ USD. EU và Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò chi phối ở thị trường xuất khẩu nhưng đang có sự chuyển dịch. Mexico, Brazil và khu vực Trung Đông được đánh giá là thị trường có mức tăng trưởng nhanh, trong khi khối ASEAN và Trung Quốc là thị trường mới nổi của con cá tra Việt Nam. Khả năng xâm nhập thị trường của con cá tra vẫn mạnh và hiện có mặt ở 149 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù cá tra vẫn là lựa chọn của nhiều người do giá cả phải chăng, song tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong năm 2014 dự kiến giảm khoảng 5% so với năm 2013. Nhu cầu nhập khẩu vẫn không thay đổi, đặc biệt ở khu vực châu Á và châu Mỹ Latin. Xuất khẩu cá tra vào Mỹ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm, trong khi nhu cầu nhập khẩu tại thị trường EU có khả năng bằng sản lượng năm 2013. Khuynh hướng giá xuất khẩu cá tra trong năm tới được dự báo tăng nhẹ vì nguồn nguyên liệu cá trong nước tiếp tục giảm do chính sách thắt chặt tín dụng từ các ngân hàng. DN khó tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng nuôi. Trong khi đó, số hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ rơi vào cảnh lỗ lã ngày một nhiều hơn…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, chuỗi giá trị ngành hàng cá tra kém bền vững là do thiếu dự báo cầu thị trường và thiếu chính sách điều phối cung trong nước. Dự báo cầu thị trường cần hiểu theo 2 nội dung: số lượng và chất lượng. Đặc biệt là dự báo về cầu số lượng sản phẩm bán ra (quý, năm) là rất quan trọng. Bởi dự báo được cầu thị trường sẽ giúp bố trí sản xuất con giống, quy hoạch lại sản xuất cho phù hợp bằng các chính sách điều tiết vĩ mô của Chính phủ, cấp vùng, cấp tỉnh. Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, nhấn mạnh: "Ngành cá tra gặp khó khăn liên tiếp nhiều năm cho thấy mức độ hợp tác trong nội bộ ngành không tốt và sự tác động từ chính sách, thị trường. Vì vậy, các phân tích về liên kết chuỗi cần thật khách quan, đầy đủ, tránh thiên lệch. Nếu cứ giữ thái độ "đổ lỗi cho nhau" hoặc "mỗi tác nhân trong chuỗi tự đeo đuổi lợi ích riêng cho mình" thì ngành cá tra còn gánh thêm khó khăn chứ không giải quyết được vấn đề".

Nhiều ý kiến cho rằng, với thị phần chiếm hơn 80% cá tra xuất khẩu trên toàn thế giới, cá tra Việt Nam hiển nhiên được biết đến. Tuy nhiên, mặt trái của sự nổi tiếng đó là con cá tra cũng rất dễ mang tai tiếng. Vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VietEURO, xây dựng và phát triển thương hiệu tốt sẽ giúp phát huy thế mạnh thị trường, nâng giá bán và đưa ngành cá tra phát triển bền vững. Thương hiệu quốc gia về cá tra Việt Nam đã được người tiêu dùng thế giới nhìn nhận. Vấn đề chính hiện nay là các bên có liên quan cần chú trọng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để phát triển thị trường và quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, DN cần quan tâm đầu tư thay đổi công nghệ và khả năng thương mại hóa các sản phẩm từ cá tra để làm gia tăng giá trị phần mỡ, xương và da cá; gia tăng phần chế biến sâu của thịt cá thông qua thay đổi hình thức tiếp thị, mẫu mã bao bì và chất lượng sản phẩm. Để giữ chân khách hàng và phát triển thị trường, các DN, cơ quan đầu ngành cũng cần sự định hướng thương hiệu và định hướng người tiêu dùng. Nghĩa là, phát triển thương hiệu phải dựa vào kênh phân phối và đa dạng các hình thức hợp tác để khai thác thị trường và văn hóa ẩm thực của từng vùng, từng khu vực…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết