09/12/2014 - 21:42

Gỡ “nút thắt” của ngành cơ khí nông nghiệp

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trước hết là tăng năng suất lao động, tăng chất lượng nông sản hàng hóa, giảm giá thành, có những giải pháp thị trường chủ động với các phương án kinh tế kỹ thuật kịp thời và hiệu quả. Nếu không phải là WTO hay tới đây là TPP, các hiệp định kinh tế song phương , đa phương khác sẽ khiến chúng ta phải thay đổi trong thế bị động khi thế giới là một thị trường và chúng ta tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần đầu tư cho ngành cơ khí nông nghiệp

Cơ giới hóa trong canh tác, thu hoạch đúng thời vụ, tồn trữ căn cơ, hiện đại hóa công nghiệp chế biến một cách thích nghi và hiệu quả cần trang bị máy động lực, các hệ thống thiết bị chế biến đồng bộ tiên tiến. Điều này, ai cũng có thể nói được!

Khảo sát và lắp máy xay xát của Công ty Bùi Văn Ngọ tại Campuchia. Ảnh: BPL  

Nhưng ít ai chịu khó nhìn lại xem hiện nay trang bị cơ giới cho nông nghiệp như thế nào? Theo các chuyên gia trong ngành cơ khí thì ở nước ta mức trung bình 1,6 CV/ha trong khi Thái Lan 4 CV/ha, Trung Quốc 6 CV/ha. Trong khi đó, động cơ máy cày kéo, thủy động cơ cho tàu đánh cá được nông dân và ngư dân sử dụng lâu nay đa số là đồ second hand- luôn có mức tiêu tốn nhiên liệu cao, không an toàn trong vận hành.

Nền kinh tế đã có đủ nguồn lực về tài chính và kỹ thuật để lo việc này, không cần nhập đồ second hand nữa vì dễ hỏng, tiêu hao nhiên liệu cao. Trong chế tạo, công nghệ đúc, nhiệt – luyện, gia công cơ khí chính xác được đầu tư đúng mức để phát triển ngành cơ khí sản xuất máy động lực cho nông cơ, thủy động cơ và cho các ngành kinh tế kỹ thuật khác.

Chủ động sản xuất máy động lực để trang bị động lực mới” Made in Vietnam” là giải pháp căn cơ trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế, tại sao không?

Bắt đầu từ hiện đại hóa công nghiệp chế biến nông sản

Sau khi thu họach, nông sản cần thực hiện quy trình bảo quản chế biến ngay để đảm bảo chất lượng. Đối với lúa, thu họach sớm hoặc trễ cũng ảnh hưởng đến độ nứt, gãy và chất lượng hạt gạo. Cần phải làm khô lúa ngay sau thu hoạch không quá 12 giờ. Không để nhiệt phát sinh trong các công cụ chứa lúa trong quá trình vận chuyển lúa về nhà máy sấy.

Sấy lúa bằng các máy sấy tháp công nghiệp, sử dụng trấu làm chất đốt với phương pháp sấy gián tiếp, theo chế độ sấy lúa giống là yêu cầu của công nghệ sấy lúa hiện nay. Vừa làm sạch vừa làm khô đảm bảo vệ sinh công nghiệp, nồng độ bụi trong không khí dưới mức 200 mg/m3 không khí tiêu chuẩn.

Thông thường, vụ hè thu, đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long do phải né rầy, tránh lũ nên khi gieo cũng như thu hoạch đồng loạt 10 triệu tấn lúa trong 30 ngày. Nhu cầu trang bị hệ thống sấy công nghiệp, công suất 300.000 tấn/ngày bên cạnh các kho chứa lúa tương ứng, được cơ giới hóa đồng bộ. Các chuyên gia tính toán, giá trị tăng thêm do sấy lúa đúng công nghệ và thời điểm, cũng như cơ giới hóa trong khâu tồn trữ sẽ đủ chi phí để hiện đại hóa khâu làm khô và tồn trữ lúa công nghiệp căn cơ.

Cần phải làm khô và tồn trữ lúa theo quy trình công nghiệp vì nó căn cơ hơn cách tạm trữ. Chủ trương giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản đề ra trong Nghị quyết 48/CP ngày 23-9-2009 của Thủ tướng Chính phủ cần được thực hiện nghiêm chỉnh, khớp lộ trình. Khi các ngành, địa phương cùng chủ động thực hiện nhiệm vụ này, tất nhiên phải chọn công nghệ hiện đại thích nghi và hiệu quả, tập trung làm khô, làm lạnh nông thủy sản, tồn trữ căn cơ trong các kho được cơ giới hóa đúng công nghệ bảo quản, chắc chắn sẽ giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị nông sản hàng hóa.

Đổi mới cơ cấu đầu tư

Nông nghiệp là chỗ dựa vững chắc của nền kinh tế, nhưng việc bố trí vốn của nền kinh tế chưa tương xứng với một quốc gia có 70% dân số sống ở nông thôn. Nông dân là lực lượng chủ lực, 50% lao động của đất nước từ nông thôn, là vốn quý của đất nước từng sống ở nông thôn, yêu đồng ruộng, vườn rau, ao cá, gắn bó với tình làng nghĩa xóm, với sản xuất nông nghiệp… Đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với kinh tế nông nghiệp và cả nước.

Cần có giải pháp khuyến khích sinh viên là con em nông dân theo học các ngành khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, bằng cách cấp học bổng hỗ trợ cho sinh viên nghèo hiếu học xuất thân là con em nông thôn để họ trở về ruộng vườn phục vụ. Cần đầu tư đúng, đủ và kịp thời về cơ sở vật chất đào tạo, ngân sách nghiên cứu khoa học công nghệ cho ngành nông lâm, thủy sản, kể cả công nghiệp chế biến, phân bố một cách hợp lý với đặc điểm sinh thái, ngành hàng và đào tạo nhân lực phục vụ cho phát triển ngành hàng một cách hợp lý.

Hiện nay ngành cơ khí nông nghiệp đang thu hẹp quy mô và năng lực đào tạo. Các khoa cơ khí nông nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Đại học Cần Thơ không được đầu tư đúng mức về trang bị kỹ thuật, công nghệ và ngân sách để đào tạo kỹ sư cơ khí nông nghiệp cho ĐBSCL và Đông Nam bộ, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Đào tạo nguồn nhân lực mới cho nông nghiệp đủ các trình độ, chuyên viên khoa học công nghệ, chuyên viên quản trị kinh tế nông nghiệp, nông dân nông nghiệp lành nghề cho các vùng nông nghiệp trọng điểm, là giải pháp hàng đầu trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Bằng các giải pháp khuyến nông tích cực, đào tạo kỹ năng sản xuất theo chuẩn GAP, sáng kiến an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI) cho nông dân. Tổ chức liên kết nông hộ trong tổ chức kinh tế mới năng động là công ty cổ phần nông nghiệp hay CLB Nông dân sáng tạo là những vấn đề cần lưu tâm.

Trong nông nghiệp, khi nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao để hình thành vùng nguyên liệu thức ăn cho bò đã nâng hiệu quả canh tác từ 50 triệu đồng/năm lên 500 triệu, 1,5 tỉ đồng/ha/năm. Phải chăng đã đến lúc phải chuyển sang một giai đoạn mới có bước đột phá từ suy nghĩ, phương thức, quy mô chăn nuôi…chứ không thể nhỏ lẻ như trước.

KS. NGUYỄN THỂ HÀ
Chuyên gia Kinh tế - Kỹ thuật Cty TNHH Cơ khí Công – Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ

Chia sẻ bài viết