23/06/2017 - 21:51

Gỡ những nút thắt về giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long

Giai đoạn 2017-2020, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến đầu tư 27 dự án cấp bách với tổng kinh phí khoảng 67.336 tỉ đồng. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ báo cáo Thủ tướng bổ sung từ nguồn dự phòng của kế hoạch trung hạn 2016-2020 nguồn trái phiếu Chính phủ cho Bộ GTVT để triển khai 17 dự án với tổng mức đầu tư 22.645 tỉ đồng… Sáng 23-6, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo và kết luận nhiều vấn đề quan trọng về đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng.

"Nóng" vấn đề thiếu cát

 

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp sáng 23-6.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, Bộ đang triển khai 16 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng ĐBSCL, tổng mức đầu tư của 16 dự án khoảng 54.538,53 tỉ đồng. Hiện một số dự án gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB) do thiếu vốn, vốn đối ứng chưa đáp ứng yêu cầu; một số đội vốn so với thiết kế ban đầu do giá cát tăng chóng mặt.

 

Theo ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP BOT tuyến đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận (đoạn từ nút giao ngã ba Trung Lương đến nút giao ngã ba An Hữu) đang triển khai giải phóng mặt bằng dự án khoảng 9.000 tỉ đồng. Để phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng, xây dựng... dự án cần khoảng 6 triệu m3 cát. Giá cát tăng như hiện nay thì giá dự toán nguyên liệu cát sẽ tăng lên đáng kể. Cụ thể, dự toán của dự án là trên 80.000 đồng/m3, gần đây giá cát đã tăng lên mức khoảng 200.000 đồng/m3, tổng kinh phí đầu tư đội lên khoảng 720 tỉ đồng (chỉ tính riêng về cát). Nếu tình hình này không được cải thiện thì năm 2019 sẽ khó hoàn thành được dự án như kế hoạch đã đề ra.

Đơn cử như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ (QL) 63 đoạn qua tỉnh Cà Mau, chiều dài 38,6km (từ Km74+200-Km112+782) với tổng mức đầu tư 1.255 tỉ đồng. Dự án khởi công từ tháng 12-2014, nhưng đến nay mới bố trí được 148 tỉ đồng (năm 2017 được bố trí 50 tỉ đồng), nên tiến độ phải kéo dài, thời gian hoàn thành phụ thuộc vào khả năng cân đối vốn cho dự án. Dự án kiên cố hóa sạt lở QL91, tỉnh An Giang, tổng mức đầu tư 406 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) để triển khai, khởi công từ tháng 12-2013 đã hoàn thnành phần kè sạt lở năm 2015, nhưng phần xây dựng tuyến tránh do thiếu vốn nên dự án đến nay chưa hoàn thành...

Bên cạnh đó, nguồn cát khan hiếm và hiện chỉ đáp ứng 23% so với nhu cầu, trong khi giá tăng 200% so với thời điểm tháng 10-2016 cũng là nguyên nhân khiến nhiều công trình chậm tiến độ, như dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi, tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận… Xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận chiều dài 51,1km, tổng mức đầu tư 14.678,35 tỉ đồng theo hình thức BOT, dự kiến bắt đầu thu phí tháng 1-2019, nhưng đang khó khăn về vốn huy động, đội vốn do cát tăng giá…

Tại cuộc họp, ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, trục sông Mê Công qua An Giang, Đồng Tháp có trữ lượng cát lớn, nhưng hiện cung không đủ cầu, nguồn cung bóp lại do ngừng cấp phép khai thác cát mỏ mới, các dự án nạo vét sông luồng lạch cũng tạm dừng. Có nơi giá cát tăng từ 200 đến 300%, các công trình đầu tư của Trung ương và địa phương ở khu vực bị đội tổng chi phí đầu tư. Ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Hiện nay, tỉnh có 36 mỏ cát, đang xem xét khai thác thêm 6 mỏ. Giá cát tăng đột biến như hiện nay, các công trình gặp khó khăn. Vừa qua, tỉnh Trà Vinh cũng như các tỉnh, thành khác thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính phủ trong việc khai thác cát, nhưng giải pháp giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn này thì chưa có"… Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng kiến nghị: "Các bộ, ngành cần khảo sát, thăm dò lại trữ lượng để các tỉnh cấp phép khai thác cát. Đồng thời tìm vật liệu thay thế cát xây dựng, cát san lấp". Theo ông Hùng, hiện nay các dự án có nguồn vốn từ 20 tỉ trở xuống trên địa bàn tỉnh bị ngưng hết, vì giá cát tăng từ 200-300%.

Cần gỡ vướng

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, đối với hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, tuyến QL30 chia làm 2 đoạn (từ Cao Lãnh đến An Hữu và Cao Lãnh- Hồng Ngự), với chiều dài khoảng 109 km, có vai trò quan trọng kết nối giao thông với tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và các cầu Vàm Cống, Cao Lãnh, tuyến đường Lộ Tẻ đến Rạch Giá... Trung ương cần xem xét hỗ trợ vốn để triển khai thực hiện nâng cấp, mở rộng. Đồng thời cho các địa phương tự chủ việc cấp phép khai thác cát, có đánh giá tác động môi trường thì mới cấp phép. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết, hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư dự án cầu Vàm Cống cơ bản hoàn thành nhưng khó khăn vì nguồn vốn chưa được bố trí, ảnh hưởng đến tiến độ. Trong thời gian qua Trung ương cũng đã hỗ trợ triển khai xây dựng cơ bản tuyến QL91, thành phố rất mừng. Tuy nhiên, tuyến quốc lộ này còn một nút thắt từ Km0 đến Km7, mong muốn được Chính phủ và các bộ ngành quan tâm đầu tư, đồng thời quan tâm dự án xây dựng tuyến đường cao tốc từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ…

 

Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát trên các tuyến sông không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đầu tư kết cấu hạ tầng của ĐBSCL hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng việc đáp ứng chỉ khoảng 30%. Nhiều dự án lớn dở dang trong khi không thể vay hơn nữa. Việc triển khai đầu tư xây dựng chậm, việc thực hiện các dự án ưu tiên chưa đạt yêu cầu so với đòi hỏi, cụ thể là còn những nút thắt dọc trục lớn nhất là tuyến cao tốc TPHCM đến Cần Thơ, nút thắt QL 60, nút thắt N2 Cao Lãnh, Trung Lương… Hiện chúng ta thiếu nguồn cát để phục vụ xây dựng, việc khai thác ảnh hưởng đến xói lở dòng sông, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, cần được kiểm soát chặt chẽ.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ những nút thắt chính về giao thông của ĐBSCL, trước tiên là cao tốc TP HCM về Cần Thơ, đến năm 2020 phải hoàn thành. Dự án Mỹ Thuận đi Cần Thơ, rà soát lại 2 dự án, Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ. Tuyến N2, tổng đầu tư trên 26.000 tỉ đồng, dự án này phải xong cuối năm nay và đưa vào khai thác. Tuyến Vàm Cống đến Kiên  Giang cố gắng làm xong năm 2018 đưa vào khai thác sử dụng, cùng đó là kết nối với các địa phương. Kết nối N2 với cao tốc TPHCM - Cần Thơ. Tuyến nối từ Cà Mau đến Sóc Trăng qua Trà Vinh – Bến Tre – TPHCM sẽ rút ngắn quãng đường từ 70 đến 80km...

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tổng hợp nút thắt về giao thông để có báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất những vấn đề cần sửa đổi luật đầu tư công. Bộ GTVT hoàn thiện kế hoạch nạo vét, quản lý đường, hàng hải và thủy nội địa, sớm triển khác các dự án đang vướng mắc nhưng quan trọng. Các bộ có liên quan rà soát lại quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông, điều  chỉnh quy hoạch nếu thấy cần thiết…

Bài, ảnh: LÊ HOÀNG

Chia sẻ bài viết