15/02/2018 - 10:34

Go Green - mệnh lệnh cuộc sống 

Trong bối cảnh ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa đến sức khỏe con người, môi trường sống và an ninh lương thực, nhiều tổ chức và quốc gia trên thế giới đang hiện thực hóa những giải pháp vừa bảo vệ sức khỏe vừa cải thiện môi sinh, góp phần tạo dựng một cuộc sống xanh (Go Green) và bền vững cho tương lai.

1. Các nước châu Á tìm giải pháp chống ô nhiễm không khí

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 6,5 triệu người tử vong vì các bệnh gây ra bởi ô nhiễm không khí như bệnh tim, đột quỵ, bệnh đường hô hấp và ung thư phổi – những bệnh không lây nhiễm nhưng được xem là thách thức y tế lớn nhất của thế kỷ 21. Đáng chú ý, hơn một nửa số ca tử vong tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ – nơi các thành phố đông dân bị bao trùm bởi khói bụi và sương mù hầu như quanh năm, do ô nhiễm các chất độc hại như muội than, khí mê-tan và các-bon điôxít (CO2) sinh ra từ các hoạt động như giao thông, đốt rác, sản xuất điện than và nấu nướng bằng bếp thô sơ.

Một trạm sạc dành cho xe điện ở Bắc Kinh. Ảnh: VCG

Một trạm sạc dành cho xe điện ở Bắc Kinh. Ảnh: VCG

Để nâng cao nhận thức về tác động của các chất ô nhiễm đối với sức khỏe con người và bầu khí quyển thì WHO, Liên minh Khí hậu và Không khí sạch (CCAC) cùng với Chính phủ Na Uy đã phát động một chiến dịch toàn cầu mang tên BreatheLife. Từ đây, các chuyên gia đã nhận diện gần 20 cách làm sạch không khí nhằm mang lại những lợi ích lớn lao và nhanh chóng cho cả sức khỏe con người lẫn khí hậu, bao gồm vận tải bền vững, hạn chế khí thải công nghiệp, sản xuất điện từ các nguồn tái tạo (như nắng, gió, thủy triều) cũng như quản lý rác thải rắn… Do sản xuất và đốt cháy nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí, những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang nhắm tới giải pháp ưu tiên số 1 – vận tải bền vững – thông qua việc chuyển đổi từ ôtô thông thường sang sử dụng xe điện.

Bắc Kinh, thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới, đang áp dụng các tiêu chuẩn khí thải xe cộ nghiêm ngặt hơn cả tiêu chuẩn quốc gia để giảm tác động của 5,6 triệu xe đang lưu hành. Chính quyền nơi đây dự kiến đến năm 2020 sẽ thay thế hơn 70.000 taxi chạy xăng và diesel bằng xe điện, đồng thời lắp đặt 435.000 trạm sạc để phục vụ ôtô điện. Những nỗ lực này sẽ không chỉ cải thiện đáng kể sức khỏe người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và đổi mới ngành công nghiệp ôtô – một chủ trương lớn của Trung Quốc. Được biết, ngoài thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất xe điện nội địa vốn đang dẫn đầu doanh số toàn cầu (chiếm 40% thị phần), chính phủ nước này cũng sẽ yêu cầu các hãng xe nước ngoài phải dành 10% sản lượng ôtô cho xe điện, bắt đầu từ năm 2018.

Tại Ấn Độ – quốc gia có 13/20 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới theo công bố của WHO – chính phủ đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ phương tiện giao thông thành xe điện vào năm 2030. “Khi đó sẽ không còn một chiếc xe chạy xăng hoặc dầu diesel nào được bán ở đất nước này nữa”, Bộ trưởng Năng lượng  Piyush Goyal Cho tuyên bố tại cuộc họp của Liên minh Công nghiệp Ấn Độ gần đây. Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, tiêu tốn tới 150 tỉ USD/năm với khoảng 1/3 dùng cho ôtô, nên việc chuyển sang xe điện dự kiến giúp nước này tiết kiệm hàng chục tỉ USD mỗi năm – theo ước tính của NITI Aayog, cơ quan chuyên trách về phát triển của Chính phủ Ấn Độ. Đặc biệt, sự thay đổi này sẽ làm giảm 37% lượng khí thải các-bon vào năm 2030 – điều đáng mừng cho một quốc gia bị ô nhiễm không khí đô thị nghiêm trọng.

2. Rừng trong phố, phố trong rừng

Khi ô nhiễm không khí trực tiếp hoặc gián tiếp cướp đi sinh mạng hàng triệu người mỗi năm, thật dễ hiểu vì sao các kỹ sư và kiến trúc sư đua nhau sáng chế hàng loạt giải pháp thanh lọc không khí, từ xe đạp hút bụi, tháp hút sương mù cho đến bức tường rêu lọc không khí gắn với ghế ngồi công cộng...

Phối cảnh “Thành phố rừng xanh” ở Trung Quốc. Ảnh: futurism

Phối cảnh “Thành phố rừng xanh” ở Trung Quốc. Ảnh: futurism

Một trong những ý tưởng ấn tượng nhất có thể tìm thấy ở Milan (Ý) – trung tâm thiết kế của thế giới và là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu – là mô hình nhà ở cao tầng được bao phủ bởi cây xanh. Thiết kế của kiến ​​trúc sư Stefano Boeri có tên Bosco Verticale (nghĩa là “Khu rừng thẳng đứng”) được xây dựng vào năm 2014 tại khu Porta Nuova Isola của Milan, có thể giúp các thành phố đông đúc vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của dân cư vừa nâng cao chất lượng không khí. Công trình gồm hai tòa nhà với hơn 100 căn hộ, được thiết kế xen lẫn với gần 500 cây cỡ vừa và lớn, 300 cây nhỏ, 5.000 cây bụi và 11.000 hoa kiểng khác. Theo kiến trúc sư Boeri, tận dụng cây xanh là cách rẻ và hiệu quả nhất để hấp thụ khí CO2. Ước tính, hơn 20.000 cây xanh ở hai tòa nhà này có thể biến đổi khoảng 22 tấn khí CO2 thành ôxy mỗi năm. Cây cối – món quà quý từ thiên nhiên – cũng giữ nhiệt độ trong nhà mát mẻ và lọc sạch bụi mịn, đồng thời loại bỏ ô nhiễm tiếng ồn từ các phương tiện giao thông bên dưới.

Khi các thành phố tiếp tục vật lộn với ô nhiễm không khí, tình trạng thiếu nhà ở và biến đổi khí hậu, những “khu rừng thẳng đứng” như vậy có thể là giải pháp nhà ở hữu ích cho tương lai. Được biết, nhiều dự án tương tự cũng đang được đề xuất và phát triển, như cao ốc chứa 23.000 cây xanh đang xây ở Đài Loan và các tòa nhà xanh ở Toronto (Canada) và Bogota (Colombia). “Tôi thực sự hy vọng những kiến ​​trúc sư khác, các nhà quy hoạch đô thị, chính trị gia sẽ nhân bản và cải tiến những gì chúng tôi đã làm” - Boeri bày tỏ. Hiện công ty của ông đang thực hiện nhiều “khu rừng thẳng đứng” mới khắp châu Âu và Trung Quốc, bao gồm dự án “Thành phố rừng xanh” (Forest City) đầy tham vọng ở Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây).

Là một thành phố công nghiệp, Liễu Châu cũng như mọi đô thị hiện đại khác của Trung Quốc với nhiều cao ốc và thường bị bao phủ bởi sương mù và khói bụi. Tuy nhiên, quận mới ở phía Bắc thành phố sẽ khác nhờ dự án “Thành phố rừng xanh” – nơi mọi tòa nhà, từ trường học đến cao ốc văn phòng và nhà ở, sẽ được bao phủ bởi 40.000 cây gỗ và gần 1 triệu cây xanh các loại. Kiến trúc sư Borie cho biết khu vực này sẽ hấp thụ khoảng 10.000 tấn CO2 và 57 tấn chất gây ô nhiễm không khí mỗi năm, đồng thời tạo ra 900 tấn khí ôxy. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2020, “Thành phố rừng xanh” sẽ là nơi cư ngụ của 30.000 người, với hai trường học, một bệnh viện, các khu dân cư và thương mại cùng các công viên, được kết nối với phần còn lại của thành phố thông qua tuyến đường sắt. Dự án này được cho sẽ hấp thụ khí thải nhiều hơn số lượng được tạo ra, khi các tòa nhà sẽ sử dụng một phần năng lượng địa nhiệt và năng lượng Mặt trời, đường phố sẽ an toàn để đi bộ và đi xe đạp, chính quyền cũng dự kiến đầu tư vào xe điện công cộng.

Khi nhóm của kiến trúc sư Boeri lên kế hoạch xây dựng các tòa nhà tương tự ở Paris (Pháp), Utrecht (Hà Lan) và những thành phố khác, ông hy vọng sự phát triển ở Liễu Châu sẽ truyền cảm hứng cho những nơi khác kết hợp nhiều cây xanh với nhà ở. “Chúng tôi không giữ bản quyền bởi vì muốn nó được sao chép, theo cách nào đó”- ông Boeri bày tỏ.

Theo báo cáo chung của Tiến sĩ Margaret Chan – cựu Tổng giám đốc WHO, và Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc Erik Solheim, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở châu Á thường được xem là một nguyên nhân gây ô nhiễm (nhiều người thì phát thải nhiều hơn). Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội giúp xây dựng những thành phố bền vững, năng động và đáng sống. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc là một điển hình. Chính quyền thành phố đang “cách mạng hóa” sự di chuyển của người dân bằng cách mở thêm 2.000km đường xe đạp, 250 khu vực dành cho người đi bộ và tăng cường dịch vụ giao thông công cộng vào năm 2030. Để người dân có thêm không gian xanh hít thở không khí trong lành, nhà chức trách Seoul gần đây còn cải tạo một tuyến cao tốc trong nội ô thành công viên đô thị mới thu hút rất nhiều khách tham quan.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết