14/07/2016 - 20:52

GỠ ĐIỂM “NGHẼN” ĐỂ HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI TẠI ĐBSCL PHÁT TRIỂN

Đó là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt ra tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức trong khuôn khổ MDEC- Hậu Giang 2016 tại TP Vị Thanh sáng 14-7.

*Nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực

Đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các HTX, liên hiệp HTX tại ĐBSCL, đặc biệt là HTX nông nghiệp. Qua đó giúp nông dân khắc phục những thua thiệt của mình trên thị trường, gia tăng được lợi ích thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương. Việc triển khai thực hiện hiệu quả đề án cần sự quyết tâm vào cuộc của tất cả các bên có liên quan trong việc tháo gỡ kịp thời các vướng mắc mà HTX đang vướng phải.

Sản xuất rau màu ở HTX rau an toàn Long Tuyền, TP Cần Thơ. Ảnh: THU HÀ

Để triển khai thực hiện đề án của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016 -2020". Trong đó, xác định rõ mục đích đặt ra là xây dựng được các mô hình HTX kiểu mới gắn sản xuất với tiêu thụ trong các chuỗi giá trị nông sản và có khả năng nhân rộng trong các lĩnh vực lúa gạo, trái cây, thủy sản ở các địa phương ĐBSCL. Theo đó, sẽ chọn lựa, củng cố và phát triển khoảng 300 HTX nông nghiệp tại ĐBSCL để thực hiện mô hình thí điểm và đẩy mạnh hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị bền vững gắn với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh phát triển, mở rộng HTX hoạt động có hiệu quả trong 3 lĩnh vực lúa gạo, thủy sản và trái cây theo Luật HTX năm 2012, hướng tới thành lập HTX mới quy mô cấp tỉnh, cấp vùng.

Theo Bộ NN&PTNT, việc thí điểm củng cố và phát triển các HTX ở ĐBSCL thực hiện theo Đề án sẽ tập trung vào 6 nội dung chính. Cụ thể, gồm: hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh cho cán bộ quản lý HTX; Tăng cường các giải pháp về vốn sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp; hỗ trợ thu hút và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ khoa học kỹ thuật của HTX theo nhiều phương thức; phát triển, mở rộng liên kết sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; hỗ trợ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp cho các HTX. Mặt khác, tùy điều kiện thực tế mỗi địa phương có thể lựa chọn thêm các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo quy định của Luật HTX 2012 và Nghị định số 193/2013/NĐ-CP, nhưng phải đảm bảo chính sách đó là cần thiết để sau hỗ trợ HTX hoạt động hiệu quả hơn.Về tiến độ thực hiện xây dựng mô hình thí điểm, dự kiến trong năm 2016 thực hiện các công tác chuẩn bị để triển khai, giai đoạn từ năm 2017-2018 thực hiện củng cố và phát triển các HTX thí điểm và giai đoạn 2019-2020 sẽ hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã xây dựng.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: "Các hoạt động hỗ trợ cho HTX phát triển được Bộ NN& PTNT đề ra trong kế hoạch rất phù hợp, bởi có các cơ chế cứng và cơ chế mềm giúp địa phương linh hoạt trong vận dụng. Tin rằng, nếu tập trung thực hiện tốt sẽ "nâng chất" cho HTX tại ĐBSCL". Ông Hồ Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Tỉnh hiện có 123 HTX nông nghiệp và tỉnh đã chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo luật HTX 2012. Đồng Tháp rất vui trước thông tin Bộ NN&PTNT triển khai Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, giúp kịp thời tháo gỡ các điểm "nghẽn" để giúp HTX có sự bứt phá trong phát triển". Các nội dung trong Quyết định của Chính phủ khá rõ, vấn đề là cần sớm cụ thể hóa và triển khai kịp thời. Đặc biệt, trong quá trình triển khai cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục các hạn chế về nguồn nhân lực, công tác tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm, tổ chức liên kết sản xuất gắn với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm...

*Quan tâm tháo gỡ khó khăn

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn nhất nước ta, nơi đây đã và đang hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lúa gạo, thủy sản và trái cây lớn tạo nguồn nguyên liêu quan trọng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua do phương thức canh tác còn lạc hậu, nguyên liệu sản xuất chưa ổn định về chất lượng giá cả và có xu hướng tăng chi phí nên hiệu quả sản xuất chưa cao và nông dân thường xuyên gặp cảnh "được mùa, rớt giá". Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Bộ đã xác định được các "điểm nghẽn" trong phát triển HTX cần được tháo gỡ như: năng lực quản lý, quản trị của HTX còn yếu cần được nâng cao, nhất là năng lực của giám đốc. Vấn đề khó khăn nữa là cơ sở hạ tầng, trong khi HTX gặp khó trong huy động và tiếp cận các nguồn vốn. Đặc biệt, khó khăn lớn là vấn đề tiêu thụ hàng hóa cho xã viên, giải quyết đầu ra cho hàng hóa tốt thì những vấn đề khác không đáng lo.

Hoạt động tại Hợp tác xã giống nông nghiệp Thốt Nốt, quận Thốt Nốt,
TP Cần Thơ. Ảnh: MỸ HOA

Việc củng cố, phát triển các HTX nông nghiệp trong vùng là rất cấp thiết. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, phần lớn nông dân trong vùng còn sản xuất đơn lẻ, thiếu liên kết và HTX chưa phát huy tốt vai trò liên kết nông dân và liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. ĐBSCL hiện có hơn 1.240 HTX nông nghiệp, trong đó có 30% hoạt động tốt và khá, 30% hoạt động trung bình và 32% hoạt động yếu kém. Thời gian qua, mô hình HTX liên kết doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm đã xuất hiện nhưng còn ít, nhiều HTX có quy mô nhỏ, năng lực kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu... Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: "Qua thực tiễn về điệp khúc "được mùa, rớt giá" mà nông dân thường xuyên gặp phải, Liên minh HTX Việt Nam cũng nhận thấy việc giải quyết điểm nghẽn về đầu ra sản phẩm là một trong những yếu tố có tính quyết định để phát triển HTX kiểu mới. Bởi hiện nay thị trường quyết định sản xuất và thị trường cũng là mệnh lệnh cho sản xuất. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp các bộ, ngành Trung ương, và các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng và cho ra đời những HTX chuyên tiêu thụ sản phẩm gắn với việc phát triển các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn chất lượng cao".

Khánh Trung

Chia sẻ bài viết