15/09/2017 - 21:30

Giúp trẻ tự tin, dạn dĩ 

Tuy có năng khiếu ca hát nhưng bé Ánh Dương, con gái chị Như Ngọc rất rụt rè, nhút nhát khi “biểu diễn” trước đông người (kể cả người thân). Mỗi khi gia đình có dịp họp mặt, cha mẹ bé cố gắng động viên, bé mới lí nhí vài câu. Thế nhưng, khi ở nhà với cha mẹ, bé Ánh Dương líu lo suốt… Việc này khiến chị Ngọc rất bực tức, thậm chí quát mắng con trước đông người nhưng mọi chuyện vẫn “y như cũ”. 

Tham gia các hoạt động tập thể, ngoài trời giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, tự tin giao tiếp. Ảnh mang tính minh họa

Trong thực tế có rất nhiều tình huống tương tự xảy ra ở các gia đình có con nhỏ. Theo các chuyên gia tâm lý, phần lớn trẻ con dưới 3 tuổi ưa sợ sệt và nhút nhát trước người lạ hoặc môi trường mới. Điều này sẽ tự biến mất khi trẻ lớn lên nhưng cũng có trường hợp theo đến lớn, khiến trẻ trở nên mất tự tin khi thể hiện quan điểm, trình bày trước đám đông. Vì vậy, làm gì để giúp trẻ dạn dĩ, tự tin khi giao tiếp với môi trường lạ là điều các bậc phụ huynh quan tâm.   

Chị Hồng Tươi (quận Ninh Kiều) kể: “Tôi có hai con trai, lớn 8 tuổi, và nhỏ 4 tuổi. Trong khi bé nhỏ hiếu động, tinh nghịch, bé lớn tỏ ra rụt rè, nhút nhát, luôn bị em ăn hiếp, rồi khóc nhè… Vợ chồng tôi lo lắng bé lớn không mạnh mẽ, tự tin so với bạn bè trang lứa”.

Theo chị Tươi, từ nhỏ, con trai lớn có biểu hiện nhút nhát. Vì là con đầu lòng nên được cha mẹ, ông bà cưng chiều, bảo bọc, dần dần, bé trở nên dựa dẫm, ỷ lại, rồi dẫn đến sợ sệt, không dám quyết định mọi việc. Lúc đầu, ai cũng cho rằng bé ngoan ngoãn, biết vâng lời người lớn nhưng chị Tươi luôn lo lắng, bất an…

Chia sẻ vấn đề này, nhiều phụ huynh cho rằng, để giúp trẻ dạn dĩ, tự tin, cha mẹ luôn đồng hành, lắng nghe và khuyến khích trẻ trình bày suy nghĩ, chính kiến. Thay vì áp đặt, muốn trẻ phải thế này thế kia, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, gợi mở, tạo môi trường thân thiện, giúp trẻ cảm nhận và khám phá.

Anh Thanh Tuấn (quận Bình Thủy) chia sẻ: “Mỗi buổi tối, tôi thường kể chuyện cổ tích cho con trai nghe. Thỉnh thoảng tôi dừng câu chuyện để phân tích, gợi mở, giúp con liên hệ thực tế, hiểu sâu sắc ý nghĩa câu chuyện hoặc yêu cầu con kể lại. Tôi rất vui và bất ngờ khi mới đây, con xung phong kể chuyện “Tấm Cám” cho các bạn trong xóm nghe”.

Theo các chuyên gia, sự tự tin không tự nhiên có mà được hình thành thông qua giao tiếp hằng ngày, khen chê con đúng lúc. Một trong những lỗi của các bậc phụ huynh là hay gán ghép hoặc có những nhận xét tiêu cực về trẻ; chê bai hay so sánh trẻ với những trẻ khác.

Mặt khác, cha mẹ không nên khiến trẻ ảo tưởng về bản thân nhưng cũng đừng để trẻ mặc cảm, tự ti thua sút bạn bè, không thể làm được điều đó. Luôn tôn trọng và khiến trẻ cảm thấy “vị trí” đặc biệt, quan trọng của mình. Đó là cách đầu tiên để phụ huynh dạy con thêm vững vàng, tự tin trong cuộc sống sau này. 

Bài, ảnh: Đan Như

Chia sẻ bài viết