13/07/2017 - 17:20

Giúp trẻ tự khám phá và trải nghiệm

TTH.VN - Phương pháp giảng dạy lấy trẻ làm trung tâm đang được các trường trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện. Qua đó, giúp trẻ phát triển theo hướng toàn diện, phù hợp.

Phương pháp giảng dạy lấy trẻ làm trung tâm đang được các trường trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện. Qua đó, giúp trẻ phát triển theo hướng toàn diện, phù hợp.

 Lấy trẻ làm trung tâm

Giờ hoạt động vui chơi với phần trò chơi "thí nghiệm vật chìm vật nổi" của các bé Trường Mầm non Sơn Ca (quận Ninh Kiều) khá sinh động và sôi nổi. Cô giáo gợi ý, các bé bày trò chơi với nước cùng nhiều vật liệu như: đá, sỏi, lá cây, xốp, giấy, hộp nhựa, khối gỗ… tự làm thí nghiệm xem vật nào chìm, vật nào nổi. Theo lời cô giáo, các bé lần lượt cho nhiều hòn đá vào thau nước và những mẩu xốp, sau đó từng trẻ thông báo kết quả với cô; cứ thế lần lượt với các vật liệu khác… Quan sát cho thấy, trẻ tích cực tham gia trò chơi, tìm tòi, khám phá, trải nghiệm bằng các giác quan.

 

 Các bé Trường Mầm non Sơn Ca hào hứng với trò chơi “thí nghiệm vật chìm vật nổi”.

Đây là một trong những cách tổ chức hoạt động dạy học theo hướng lấy trẻ làm trung tâm được các trường trên địa bàn thành phố thực hiện thời gian qua. Khác với trước kia, cô giáo lên lớp, cố gắng truyền đạt hết nội dung bài học khiến trẻ cảm thấy nhàm chán vì chỉ ngồi thụ động nhìn cô. Giờ đây, với chuyên đề tổ chức hoạt động theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, cô giáo có nhiệm vụ gợi mở các hoạt động học tập, vui chơi để trẻ tự khám phá và trải nghiệm. Cô Nguyễn Thị Kim Lành, giáo viên Trường Mầm non Tây Đô (quận Ninh Kiều), cho biết: "Tất cả hoạt động được tổ chức theo năng lực, sở thích của trẻ. Cô giáo bố trí các góc hoạt động có trẻ tham gia để phát triển khả năng, đặc biệt luôn đề cao cá nhân trẻ ở mọi hoạt động.

Trường Mầm non thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) cũng nỗ lực thực hiện chuyên đề lấy trẻ làm trung tâm. Trong kỳ nghỉ hè, các cô giáo chuẩn bị các bước để đầu năm học triển khai đến các lớp. Nhà trường tận dụng nguồn vật liệu sẵn có ở địa phương làm các đồ dùng, đồ chơi; cô giáo hoán đổi giữa các lớp để đồ dùng, đồ chơi phong phú, đa dạng.

Xác định tầm quan trọng của việc tổ chức hoạt động theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, năm học 2015-2016, các địa phương chủ động thực hiện mô hình điểm để triển khai nhân rộng chuyên đề. Qua đó xây dựng trường điểm và lớp điểm, để các trường mầm non trên địa bàn đến tham quan học tập và nhân rộng mô hình.

 Tạo hứng thú…

Là một trong những đơn vị được thành phố chọn làm mô hình điểm, Trường Mầm non Tây Đô thực hiện nhiều biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Nhà trường chú trọng xây dựng môi trường trong và ngoài lớp học, tạo điều kiện để trẻ được học, trải nghiệm, khám phá mọi lúc mọi nơi. Đầu năm học, Ban giám hiệu dành khoảng sân để trẻ tham gia trò chơi với các đồ chơi ngoài trời. Để đáp ứng nhu cầu chạy, nhảy, vận động, nhà trường bố trí khu vui chơi thể thao (cột bóng rổ, thang leo, sân chơi bóng đá mini…). Các khu vực vui chơi của trẻ cũng được nhà trường bố trí lại và bổ sung thêm một số đồ chơi phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ, tư duy, so sánh, phán đoán như: khu vực chơi với đất, cát, nước, đá, sỏi… Việc sắp xếp, bố trí các khu vực hoạt động cho trẻ được tính toán phù hợp với khuôn viên nhà trường và tận dụng tối đa cơ hội để trẻ được trải nghiệm với các thiết bị trên sân.

Trong lớp học, không thể thiếu những góc vui chơi. Vì vậy lớp học được trang trí với màu sắc sinh động, nhân vật ngộ nghĩnh… có không gian cho trẻ hoạt động; sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống của trẻ. Nhóm/lớp có đầy đủ các khu vực, góc hoạt động: xây dựng, phân vai, tạo hình, sách, khám phá, âm nhạc và vận động, tập làm nội trợ, máy vi tính… Góc hoạt động là nơi trẻ có thể tự chơi theo ý thích cá nhân, phù hợp chủ đề theo từng đôi, nhóm nhỏ, nhóm lớn cùng sở thích. Qua đó, trẻ học cách tự quyết định, chia sẻ và cộng tác; được thực hành, tích lũy kinh nghiệm phong phú, mở rộng trí tưởng tượng và bộc lộ khả năng, giúp trẻ phát triển toàn diện. Cô Đoàn Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tây Đô, cho biết: Để trẻ thật sự trở thành trung tâm, các hoạt động giáo viên dự kiến tổ chức phải luôn hướng vào trẻ; căn cứ nhu cầu, khả năng của trẻ để xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục. Sau thời gian tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, kiến thức và kỹ năng của trẻ nâng cao rõ rệt. 94% trẻ thực hiện thành thạo kỹ năng ở từng lứa tuổi; đặc biệt là giờ học khám phá, tạo hình mang tính tổng hợp…

Thời gian tới, ngành giáo dục thành phố tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non; đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục "lấy trẻ làm trung tâm"; tăng cường áp dụng đa dạng hình thức và phương pháp chăm sóc giáo dục vào việc tổ chức hoạt động lấy trẻ làm trung tâm. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng thực hành tổ chức các hoạt động theo quan điểm "lấy trẻ làm trung tâm" cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non.

Bài, ảnh: M.HOÀNG

Chia sẻ bài viết