10/03/2015 - 21:03

Giúp thí sinh an tâm và tự tin hơn

Bên cạnh việc trợ giúp thí sinh trong chọn ngành nghề, giải tỏa những quan tâm, thắc mắc liên quan qui chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), vấn đề đảm bảo sức khỏe mùa thi cũng được giải đáp. Phóng viên Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyên gia tư vấn trong khuôn khổ Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015 do Báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Trường Đại học Cần Thơ tổ chức "Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015" ngày 8-3 vừa qua, giúp các em có sự lựa chọn đúng đắn và chuẩn bị tốt tâm thế để bước vào kỳ thi quyết định…

* Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga:
Phụ huynh và học sinh không phải băn khoăn, lo lắng

- Năm nay, học sinh sẽ tham gia một kỳ thi với 2 mục đích vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thay vì phải thực hiện 4 kỳ thi như trước đây vất vả, tốn kém và áp lực nặng nề đối với học sinh và xã hội, học sinh chỉ thi 1 lần, được quyền chọn lựa các môn thi phù hợp với năng lực, sở trường của mình trừ 3 môn bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT. Học sinh sẽ được thi tại địa phương mình hay lân cận có điều kiện tổ chức thi tốt hơn, không phải vất vả đi xa. Sau khi có kết quả thi, học sinh mới nộp đơn xét tuyển vào các trường, hạn chế rất nhiều rủi ro mà các em gặp phải ở kỳ thi "ba chung".

Áp lực thi cử sẽ nhẹ dần, trường đại học cần những thí sinh "học một biết mười" để đào tạo nhân tài cho đất nước. Nhà trường chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản và phương pháp tư duy để trên cơ sở đó các em cập nhật, phát triển thêm và vận dụng kiến thức mới để xử lý những vấn đề đặt ra trong thực tế cuộc sống. Để tuyển được những thí sinh "học một biết mười" thì bài thi sẽ được định hướng dần sang phương thức đánh giá, kiểm tra năng lực. Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây dạng mở, khuyến khích vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, không bắt buộc thí sinh phải học thuộc lòng, máy móc, rập khuôn… sẽ tiếp tục phát huy trong kỳ thi THPT quốc gia những năm sắp tới.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2015.

Việc chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực là một bước tiến dài được thực hiện song song với quá trình thay đổi cách học, cách dạy từ "học gì biết nấy" sang "học một biết mười". Khi chương trình, sách giáo khoa, cách dạy, cách học ở phổ thông chưa thật sự đổi mới thì cách thi theo hướng đánh giá năng lực rất khó thực hiện bài bản ngay. Vì vậy, kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới nhưng nội dung và cách thức ra đề thi không thay đổi nhiều. Thí sinh yên tâm ôn tập nội dung chương trình phổ thông hiện tại, không phải băn khoăn, lo lắng.

Điểm mới nổi bật của kỳ thi năm nay là giảm dần sự bắt buộc và tăng dần sự lựa chọn của thí sinh. Thí sinh có nhiều lựa chọn từ môn thi đến chọn trường, ngành. Qua đó, giúp cho các em dựa vào năng lực sở trường, nguyện vọng và sở thích của mình để quyết định những phương án tốt nhất cho bản thân. Có như vậy, khi thí sinh trúng tuyển đại học mới có niềm đam mê để học tốt ngành nghề yêu thích và tìm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

* Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh):
Thí sinh cần cân nhắc thật kỹ khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng

- Theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, học sinh sẽ được cấp 1 phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và 3 phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thí sinh lưu ý, khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đăng ký 4 nguyện vọng trong một trường nhưng thí sinh cân nhắc thật kỹ có thật sự thích 4 ngành trong một trường. Nếu chỉ thích 1 hoặc 2 ngành trong một trường, chẳng hạn thích ngành 1 không được thí sinh chọn ngành 2. Còn các nguyện vọng còn lại thí sinh nên chọn trường khác. Đừng cố đăng ký 4 ngành trong 1 trường để rồi ngành thích không theo đuổi được. Bởi nếu như ngành thứ 3 không thích trong nguyện vọng 1 mà trúng tuyển thì không có cơ hội xét nguyện vọng bổ sung.

Học sinh cân nhắc thật kỹ khi đăng ký xét tuyển nguyện vọng (giờ học môn Địa lý của học sinh Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai).

Trong vòng 20 ngày xét tuyển, thí sinh theo dõi website của các trường nếu không trúng tuyển rút hồ sơ nộp trường khác, để theo đuổi ước mơ học ngành mình thích. Đừng vì bất kỳ lý do nào, bất chấp học trường có ngành mình không thích. Khi không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường, thí sinh sẽ dùng 3 phiếu còn lại xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Thí sinh nên xem xét thật kỹ các ngành có thể xét tuyển nguyện vọng bổ sung thì đăng ký xét tuyển, 3 phiếu này nên nộp ngành A của trường này và ngành B của trường khác để tăng cơ hội trúng tuyển… Nguyện vọng này là cơ hội phải biết nắm bắt vì nguyện vọng bổ sung của các trường xét rất ít đặc biệt là các trường công lập. Thí sinh cần cân nhắc thật kỹ khi xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ đặc biệt là các trường công lập, làm thế nào để trúng tuyển ngay vào nguyện vọng 1 chứ không phải chờ xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Năm nay, học sinh chỉ có 1 kỳ thi THPT quốc gia, dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ, nên xem đăng ký chọn những môn thi là thế mạnh để có cơ hội đạt điểm cao. Không phải thi 8 môn để có cơ hội xét tuyển nhiều, chọn thế mạnh môn nào để xét theo tổ hợp có cơ hội trúng tuyển cao, không nên dàn trải các môn thi.

Thí sinh nên lựa chọn ngành nghề theo sở thích năng lực bản thân và nhu cầu xã hội. Dựa trên năng lực là tiêu chí trọng yếu trong việc lựa chọn ngành nghề, nếu như học sinh có sở thích nhưng năng lực hạn chế thì không thể đeo đuổi ngành nghề mình đam mê. Một điều quan trọng nữa, cần cân nhắc điều kiện kinh tế gia đình trong quá trình chọn ngành theo học.

* Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP Hồ Chí Minh:
Cần sức khỏe tốt để hoàn thành kỳ thi tốt

- Không chờ tới kỳ thi, thí sinh phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng lâu dài; chú ý vấn đề sức khỏe, ăn uống thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh mới có thể học tốt và thi tốt. Thí sinh không nên bỏ bữa ăn; có khi vội đi học không ăn sáng, chiều hoặc ăn rất sơ sài… dễ dẫn đến mệt mỏi làm cho não làm việc không tốt, không nhớ bài lâu. Bữa ăn phải đảm bảo đủ năng lượng, đa dạng thực phẩm, cân đối đủ các chất và vitamin cần thiết. Thí sinh nữ thường xảy ra tình trạng thiếu máu nên lưu ý các thực phẩm bổ sung máu, uống dự phòng thuốc bổ máu, không nên đợi tới kỳ thi mới quan tâm điều này. Nhiều thí sinh phải thức khuya học bài nên uống nước cam, sữa hoặc ăn trái cây. Bên cạnh ăn uống đầy đủ, thí sinh phải ngủ đủ giấc, chất lượng giấc ngủ quan trọng, phải ngủ sâu tốt cho não, như vậy mới có thể tiếp thu bài tốt. Ngoài chế độ ăn, ngủ, thí sinh phải chú ý vận động để oxy lên não tốt hơn. Nếu học liên tục thời gian dài, thí sinh rất khó tập trung, dễ dẫn đến căng thẳng, cách tốt nhất thí sinh nên dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi, tăng cường hoạt động thể dục để học được tốt hơn.

Kỳ thi đợt này thí sinh thi theo cụm, nhiều thí sinh phải xa nhà, việc ăn uống rất quan trọng và nên chọn hàng quán sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Gia đình cần hỗ trợ thí sinh mang theo thức ăn sẵn như: thịt chà bông, cá kho tiêu, cá khô, mè và đậu phộng (ít muối), thịt hộp, cá hộp… bổ sung thêm dưỡng chất cần thiết. Thí sinh không ăn rau sống, phở tái, trứng ốp la, thịt, cá nướng chưa chín bên trong; mang theo chai nước lọc, không uống nước đá…

Tâm lý lo lắng trước khi thi rất bình thường, học sinh phải bình tĩnh, tự tin; khi làm bài chọn câu dễ làm trước, tập trung giải quyết câu khó sau. Ngoài việc nắm vững kiến thức, học sinh cần có sức khỏe, trước ngày thi không nên thức khuya, dẫn đến mệt mỏi. Theo tôi, kết quả bài thi có thể cao hay thấp không quan trọng vì thí sinh đã làm hết khả năng và thực lực.

MINH HOÀNG (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết