09/01/2012 - 21:37

Giúp nông dân vươn lên làm giàu

Mô hình nuôi cá tra bột mang lại hiệu quả kinh tế cao (Nuôi cá tra giống CLB Thủy sản Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

5 năm qua (2007-2011), phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG), các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP Cần Thơ đã vận động được trên 399.786 lượt hộ đăng ký tham gia, trong đó có 294.088 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG. Không chỉ phát huy ý chí tự lực, tự cường của nông dân, phong trào còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng...

* Điểm sáng phong trào

Ông Võ Văn Đời, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: Phong trào nông dân thi đua SXKDG với mục tiêu trọng tâm tạo sự đoàn kết, giúp tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo. Đồng thời, phong trào này, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu cây trồng vật nuôi... nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua nhiều nỗ lực của các ngành chức năng cũng như bà con nông dân, phong trào nông dân thi đua SXKDG trên địa bàn thành phố đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến lớn trong nông dân. Kết quả, các cấp hội nông dân đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: mô hình “3 giảm- 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, ứng dụng VietGAP... giúp năng suất và sản lượng lúa; giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí giống (270.000 đồng/ha), giảm chi phí sử dụng phân bón (1,1 triệu đồng/ha), giảm số lần phun thuốc (đặc biệt là thuốc trừ sâu giảm 2-3 lần) từ đó tăng lợi nhuận lên gần 4 triệu đồng/ha... Hội Nông dân thành phố phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức hình thức hợp tác sản xuất giống, nông dân cùng nhau vượt khó chia sẻ khó khăn, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất đạt hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Chẩn, ấp Trường Ninh III, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Từ khi tham gia phong trào nông dân thi đua SXKDG, tôi được tham gia lớp hướng dẫn kỹ thuật, trao đổi về cách làm ăn có hiệu quả: trồng lúa, cải tạo vườn tạp trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao... từ đó giúp gia tăng năng suất, cải thiện đời sống kinh tế gia đình”.

Thực hiện Quyết định QĐ80/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, các cấp hội nông dân cùng ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn nông dân ký hợp đồng bao tiêu với Siêu thị Metro, các công ty kinh doanh lương thực, chế biến thủy sản như: Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Chế biến thủy sản Hùng Vương... Việc làm này góp phần làm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, hướng đến phát triển bền vững. Theo Hội Nông dân TP Cần Thơ, từ năm 2007 đến nay, có 294.088 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG. Và không chỉ làm giàu cho chính mình, các hộ nông dân SXKDG đã tương trợ, giúp đỡ 13.713 lượt hộ nghèo các loại cây trồng, con giống, vốn... trị giá 9,019 tỉ đồng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống của người nông dân.

* Để phong trào ngày càng phát triển

Theo Hội Nông dân TP Cần Thơ, qua 5 năm thực hiện phong trào nông dân thi đua SXKDG ngoài những thắng lợi, vẫn còn những tồn tại và những hạn chế. Đó là: một bộ phận nông dân còn thói quen sản xuất tự cung tự cấp, sản xuất chưa gắn với bao tiêu sản phẩm. Nhiều hộ có vốn nhưng chưa mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, sản phẩm làm ra chưa đáp ứng yêu cầu thị trường nên sản xuất chưa thật sự bền vững. Công tác phối hợp ở một số địa phương còn hạn chế, phát triển không đồng đều, chất lượng còn thấp, trình độ năng lực cán bộ còn hạn chế... Việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết khó khăn vướng mắc cho nông dân chưa kịp thời; công tác sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện phong trào chưa thường xuyên, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả không được đúc kết, đầu tư hỗ trợ nhân rộng...

Để thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKDG phát triển ổn định, bền vững, giai đoạn 2011-2015, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đặt ra nhiều mục tiêu và giải pháp. Đó là, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất (theo tiêu chuẩn VietGAP, GAP... ) để nông sản đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường... Các cấp hội tiếp tục tăng cường công tác chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao; xây dựng vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất; bảo quản sau thu hoạch, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân... Ngoài ra, các cấp hội thường xuyên tổ chức sơ kết, nêu gương, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, khen thưởng kịp thời để khích lệ và thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển ổn định, vững chắc...

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Các cấp hội, cơ quan ban ngành cần tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, xây dựng tốt công tác tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch cho người dân một cách phù hợp. Đồng thời, hội nông dân các cấp cần đổi mới nội dung, khâu tổ chức, tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phong trào thi đua SXKDG... góp phần phát huy nội lực, tạo thêm nhiều động lực góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: TUYẾT NHUNG

Mô hình nuôi cá tra bột mang lại hiệu quả kinh tế cao (Nuôi cá tra giống CLB Thủy sản Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP CN

Chia sẻ bài viết