22/06/2011 - 21:35

Liên kết, hình thành các cánh đồng lớn

Giúp nông dân "chuyên nghiệp" hơn

Nông dân trồng lúa luôn mong muốn có thu nhập và đời sống được cải thiện, người tiêu dùng thì muốn mua được lúa gạo với giá cả hợp lý, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo các chuyên gia, để giải quyết cùng lúc 2 yêu cầu trên, nông dân trồng lúa phải tăng cường liên kết - hình thành những cánh đồng lớn sản xuất lúa hàng hóa. Điều này sẽ giúp nông dân “chuyên nghiệp” hơn trong việc áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo, lợi nhuận cao và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất…

Từ cánh đồng mẫu ở An Giang

Tỉnh An Giang là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) và vận động thực hiện liên kết “4 nhà” trong việc thực hiện cánh đồng mẫu. Đặc biệt, mô hình CĐML ở An Giang với sự tham gia của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang(AGPPS) cùng đồng hành chia sẻ lợi nhuận và rủi ro với nông dân là mô hình triển vọng có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

Liên kết hình thành các “cánh đồng lớn” đang là một xu hướng phát triển ở ĐBSCL. Trong  ảnh: Cánh đồng sản xuất cùng 1 giống lúa theo tiêu chuẩn Global GAP ở xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. 

Mô hình CĐML đầu tiên do AGPPS triển khai “đầu tư, thu mua và chế biến gạo” cho nông dân ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang với diện tích 1.200 ha trong vụ đông xuân 2010-2011. AGPPS đã tổ chức ký hợp đồng “Hợp tác sản xuất lúa hàng hóa” với nông dân, rồi đầu tư cho nông dân lúa giống xác nhận, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón các loại vào từng thời điểm sử dụng. Toàn bộ các khoản đầu tư này công ty cho nông dân nợ không tính lãi trong vòng 120 ngày (từ đầu vụ đến sau thu hoạch 30 ngày). Đồng thời, công ty đầu tư hệ thống kho, khu vực sấy và Nhà máy chế biến gạo tại Vĩnh Bình với công suất đủ đáp ứng cho nhu cầu vùng nguyên liệu từ 13.000-15.000 ha diện tích canh tác/năm. Nông dân có thể bán lúa ngay cho nhà máy với giá thu mua được niêm yết mỗi ngày hoặc có quyền gửi lúa vào kho của nhà máy miễn phí trong vòng 30 ngày và đăng ký giá mà nông dân muốn bán...

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trợ lý Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, 1.200 ha lúa trong vùng nguyên liệu được công ty ký hợp đồng sản xuất lúa hàng hóa trong vụ đông xuân 2010-2011 đã đạt kết quả rất thành công. Năng suất lúa đạt từ 8,5-12 tấn lúa/ha, tùy giống, đặc biệt có hộ đạt năng suất tới 13 tấn /ha. Do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý dịch hại theo hướng “hiệu quả, bền vững”, giá thành sản xuất lúa trung bình của nông dân chỉ gần 3.000 đồng/kg lúa. Trong khi đó, giá thành sản xuất lúa của nhiều nông dân bên ngoài vùng nguyên liệu từ 3.200-3.500 đồng/kg lúa. Với giá thu mua của AGPPS trung bình 6.600 đồng/kg lúa, nông dân lãi trung bình hơn 150%. Sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân trong vùng nguyên liệu của công ty có lãi bình quân 25-34 triệu đồng/ha. Với thành công từ vụ đông xuân 2010-2011, vụ hè thu 2011 diện tích vùng nguyên liệu tại Vĩnh Bình được mở rộng lên 1.600 ha. Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Cùng với việc thực hợp tác sản xuất lúa hàng hóa với nông dân ở Vĩnh Bình-Châu Thành, hiện công ty cũng đang triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến gạo xuất khẩu tại các địa phương khác ở An Giang và các tỉnh ĐBSCL. Chiến lược của công ty đến năm 2020 là đầu tư 6 nhà máy chế biến với tổng công suất 1 triệu tấn lúa/năm cùng với đầu tư 100.000 ha diện tích vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy.

Không chỉ ở xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), hiện nhiều địa phương khác ở tỉnh An Giang như xã Vĩnh Hanh, Bình Hòa (huyện Châu Thành), Mỹ Khánh (TP Long Xuyên), xã Long Điền A (huyện Chợ Mới)... cũng đang áp dụng mô hình này. CĐML tỉnh An Giang đang hướng tới việc xây dựng các cánh đồng mẫu quy mô từ vài trăm đến vài nghìn héc-ta với các loại hình liên kết khác nhau nhằm hướng đến mục tiêu đạt được quy trình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn, xây dựng thương hiệu gạo của địa phương và gia tăng lợi nhuận của người trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất...

Nhân rộng cho cả ĐBSCL

Từ thành công của mô hình cánh đồng mẫu ở An Giang, hiện mô hình CĐML đã và đang được triển khai, nhân rộng tại ĐBSCL. Sau khi Bộ NN&PTNT phát động xây dựng các “cánh đồng mẫu lớn” vào cuối tháng 3-2011, đến nay các tỉnh, thành ĐBSCL đã đăng ký thực hiện với diện tích lên tới hơn 7.200ha trong vụ hè thu 2011. Trong đó, có nhiều tỉnh (như Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang ) đã xây dựng CĐML với quy mô diện tích lên đến cả nghìn héc-ta. Riêng tại TP Cần Thơ, bước đầu đã xây dựng mô hình CĐML với diện tích 400 ha tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh trong vụ lúa hè thu 2011. Đây là tiền đề để phát triển mô hình trong các vụ lúa tới.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thời gian qua lãnh đạo tỉnh An Giang và nhiều địa phương ở ĐBSCL luôn day dứt và đi tìm lời giải cho câu hỏi: Là làm sao Nhà nước giúp cho nông dân có thể tiếp cận các loại vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất lúa với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo, đồng thời giá cả đầu ra lúa gạo tốt, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa? Có thể nói CĐML chính là một trong những lời giải cho câu hỏi trên. Thời gian qua, ĐBSCL luôn có nhiều những cánh đồng lúa lớn, nhưng đó là những cánh đồng lớn chưa có sự liên kết chặt chẽ của những nông hộ nhỏ lẻ trong đó. Còn cánh đồng lớn mà tỉnh An Giang và các địa phương ở ĐBSCL đang hướng đến là những cánh đồng lớn có sự liên kết giữa các nông dân và giữa nông dân với các doanh nghiệp nhằm có thể áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất cùng một giống lúa chất lượng cao, cùng nhau đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa... Đồng thời, thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp, nông dân trong các cánh đồng lớn này sẽ bán được lúa với giá cao hơn và mua được các loại vật tư với giá sỉ rẻ hơn nhờ giảm bớt được các khâu trung gian. Ngoài ra, nông dân còn được doanh nghiệp đồng hành trong việc chia sẻ lợi nhuận và rủi ro.

Mới đây, tại một hội thảo về phát triển ngành lúa gạo Việt Nam diễn ra ở TP Cần Thơ, Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã nhấn mạnh: Để nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, các địa phương và nông dân cần đổi mới phương thức sản xuất theo hướng “nông dân nhỏ - cánh đồng lớn”. Nông dân sản xuất lúa trên 1 cánh đồng cần liên kết lại, sử dụng cùng 1 giống lúa, cùng áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất, sản xuất theo GAP... qua đó có thể quản lý tốt dịch hại, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Tại các cánh đồng lớn và cụm cánh đồng lớn, nông cần liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi dịch vụ tồn trữ, sấy, chế biến lúa gạo phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bài, ảnh:VĂN CÔNG

Chia sẻ bài viết