04/04/2018 - 10:10

Giúp người lao động có việc làm với nghề được học 

Đó là một trong những mục tiêu chủ yếu quận Ninh Kiều hướng đến trong xây dựng và triển khai kế hoạch Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP Cần Thơ” năm 2018 (gọi tắt là Đề án ĐTN). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm toàn quận; phấn đấu đạt tỷ lệ 80% lao động có việc làm sau đào tạo. 

 Sau đào tạo, học viên các lớp nghề quận Ninh Kiều mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định.   

Năm 2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố phân bổ và giao trách nhiệm Phòng LĐ-TB&XH quận phối hợp các đơn vị đào tạo tổ chức 12 lớp nghề phi nông nghiệp: pha chế, chăm sóc da, trang điểm, làm móng, thiết kế đồ họa quảng cáo, may gia dụng, sửa chữa máy tính, kỹ thuật xây dựng, lái ô tô B2. Qua điều tra, khảo sát, đa số lao động trong độ tuổi có nhu cầu học các nghề dịch vụ, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế của quận nội ô. Quận xác định năng lực các đơn vị đào tạo gồm: nghề đào tạo, chương trình, học liệu, giáo viên và cán bộ quản lý ĐTN, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề…, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu trình độ đào tạo. Quận ưu tiên ĐTN các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách dạy nghề, như: người có công cách mạng; hộ nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số, tàn tật, bị thu hồi đất canh tác…

 Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Ninh Kiều, năm qua, quận phối hợp tốt với UBND các phường trong điều tra, nắm bắt nhu cầu học nghề và mở 15 lớp nghề cho 492 lao động. Đồng thời, các đơn vị đào tạo: Trung tâm Dạy nghề (TTDN) Phụ nữ quận Ninh Kiều, TTDN Phụ nữ TP Cần Thơ, TTDN Nhã Thành, TTDN Tây Đô, Công ty TNHH MTV Khánh Thịnh, Trung tâm sát hạch lái xe cơ giơí đường bộ TP Cần Thơ đảm bảo thời gian học nghề; quan tâm nâng chất lượng đào tạo, thực hiện tốt chế độ chính sách cho học viên… Qua kết quả khảo sát, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề toàn quận đạt 85%. Theo ông Nguyễn Thành Quý, Phó Giám đốc TTDN Nhã Thành, bên cạnh chú trọng chất lượng tay nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, doanh nghiệp, Trung tâm quan tâm giải quyết việc làm cho học viên các lớp nghề: pha chế thức uống, thiết kế đồ họa quảng cáo... Năm 2018, Phòng LĐ-TB&XH quận tiếp tục phối hợp Quận đoàn Ninh Kiều xây dựng  mô hình ĐTN pha chế thức uống gắn với mở quầy nước thanh niên các phường, ĐTN nấu ăn gắn với mở quán điểm tâm thanh niên phường Hưng Lợi; Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ninh Kiều xây dựng mô hình ĐTN may gia dụng gắn với tổ may gia công…

Theo Phòng LĐ-TB&XH quận Ninh Kiều, bên cạnh đa dạng hình thức tuyên truyền Đề án ĐTN qua phương tiện truyền thông, hoạt động các Hội, đoàn thể, tập tin các phường, quận tăng cường tư vấn giáo dục nghề nghiệp, việc làm cho giúp người lao động tham gia học nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, phối hợp các đơn vị đào tạo; người lao động có tay nghề kỹ thuật cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia Đề án ĐTN. 

Bài, ảnh: MAI THY

Chia sẻ bài viết