14/02/2012 - 08:32

TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP

Giúp học sinh "nhìn xa trông rộng"

Nhiều học sinh của các Trường THPT ở Cần Thơ tìm hiểu thông tin trường học, ngành học... tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ.

Chọn đúng ngành nghề phù hợp luôn là vấn đề khiến nhiều học sinh, phụ huynh trăn trở mỗi khi đến mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng. Vì vậy vào khoảng tháng 2 hằng năm (sau Tết Nguyên đán), công tác tư vấn hướng nghiệp ở các trường phổ thông “khởi động” mạnh, nhằm giúp học sinh định hướng chọn ngành nghề phù hợp. Thế nhưng, để hoạt động này thực sự đạt hiệu quả, không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục...

* Định hướng cho học sinh...

Bạn Đặng Hoàng Phúc, học sinh lớp 11A5 (Ban Khoa học tự nhiên), Trường THPT Lưu Hữu Phước (quận Ô Môn), cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ đăng ký dự thi đại học vào ngành kỹ sư Hóa dầu của một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Bởi vì đây là ngành em yêu thích và có đủ khả năng, tài chính theo học”. Hoàng Phúc là học sinh giỏi của trường, nhất là môn Hóa. Theo Phúc, thông qua các buổi tư vấn hướng nghiệp của trường và tìm hiểu qua sách báo, internet, nên Phúc nghĩ trong tương lai xã hội rất cần nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực hóa dầu... Đó là lý do mà Phúc quyết tâm thi vào ngành này. Tương tự, bạn Đoàn Thanh Ứng, học sinh lớp 12A3 (học Ban Khoa học tự nhiên), Trường THPT Lưu Hữu Phước, cũng đang miệt mài “kinh sử” để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới và ngành mà Ứng hướng đến học sau khi tốt nghiệp THPT là Công nghệ thông tin. Thanh Ứng cho biết: “Những năm trước, em vẫn chưa xác định mình sẽ chọn học ngành nào phù hợp, nhưng sau những lần tham gia tư vấn hướng nghiệp ở trường, qua tư vấn của giáo viên, em thấy mình phù hợp với ngành Công nghệ thông tin”.

Thực tế, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông có 2 dạng: hướng nghiệp nghề và hướng nghiệp tuyển sinh đại học, cao đẳng. Hướng nghiệp nghề nhằm giúp học sinh hiểu tổng quan về các nghề và hiểu được học nghề đó để làm gì. Còn hướng nghiệp tuyển sinh nhằm giúp học sinh nắm được trường học, ngành học, khối thi... để chọn ngành học phù hợp, sau khi tốt nghiệp THPT. Theo thầy Lê Minh Châu, Phó Bí thư Đoàn, kiêm cán bộ tư vấn hướng nghiệp của Trường THPT Lưu Hữu Phước, hằng năm, công tác tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh ở trường khởi động mạnh vào tháng 2, kéo dài đến gần thi tốt nghiệp THPT, đại học. Nội dung hướng nghiệp xoay quanh việc giới thiệu về trường, ngành học, khối thi và triển vọng tìm việc làm... Mỗi tháng, nhà trường tư vấn, giới thiệu theo từng trường, nhóm ngành và thị trường lao động; đồng thời giải đáp thắc mắc của học sinh. Ngoài ra, trường còn phối hợp với các đơn vị ngoài trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp tuyển sinh cho học sinh.

Ngoài Trường THPT Lưu Hữu Phước thì một số trường vùng ven thành phố cũng rất quan tâm công tác hướng nghiệp. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai), cho biết: “Nhà trường thành lập hẳn Hội đồng tư vấn tuyển sinh phụ trách hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Mỗi cán bộ, giáo viên của trường đều phải xem công tác này là nhiệm vụ chính trị của trường, nhất là vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Ngoài việc tư vấn về trường, ngành học... chúng tôi còn giúp các em hiểu được ngành nào xã hội cũng rất cần, quan trọng là mình phải biết tự lượng sức để chọn lựa phù hợp và đã chọn học thì phải học đàng hoàng”.

* Cần cộng đồng trách nhiệm

Không thể phủ nhận hiệu quả mang lại từ công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh từ các trường phổ thông. Thông qua công tác này mà những năm gần đây, việc chọn ngành học, trường học của học sinh, phụ huynh có chuyển biến tích cực. Song, sự chuyển biến này vẫn còn chậm. Thầy Thạch Khên, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hữu Phước, cho biết: “Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn quan niệm vào những ngành “hot” như kinh tế, tài chính, mặc dù nhà trường có nhiều nỗ lực tư vấn học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực, điều kiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, quyền quyết định chọn học ngành nghề vẫn là của học sinh và định hướng của phụ huynh”. Theo thống kê của Trường THPT Lưu Hữu Phước, năm 2011, khối lớp 12 của trường có trên 500 học sinh. Số học sinh thi vào khối A cao nhất: trên 500 hồ sơ, phần lớn học sinh thi vào nhóm ngành kinh tế, công nghệ thông tin..., kế đó là khối D1: trên 200 hồ sơ, khối B: 190 hồ sơ. Theo thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, tâm lý chung của học sinh, phụ huynh vẫn thích con em mình học đại học. Năm 2011, trường có khoảng 80% học sinh khối lớp 12 thi vào đại học hoặc đại học dân lập.

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, cũng như giúp học sinh định hướng đúng khi chọn ngành học, trường học? Đó là điều không ít nhà quản lý giáo dục, cán bộ, giáo viên các trường trăn trở. Bởi lẽ, từ tháng 2 hằng năm, công tác tư vấn hướng nghiệp ở các trường mới phát triển rầm rộ và phần lớn tập trung ở khối lớp 12, cán bộ tham gia tư vấn chủ yếu là kiêm nhiệm... nên hoạt động này ít nhiều hạn chế. Theo thầy Thạch Khên, nhà trường rất muốn việc tư vấn hướng nghiệp đi vào chiều rộng, lẫn chiều sâu (như đưa học sinh tham dự trực tiếp Ngày hội tuyển sinh; giao lưu trực tuyến trên mạng về tuyển sinh...), nhưng do kinh phí có hạn nên nhà trường chưa có điều kiện thực hiện thường xuyên. Thầy Khên đề xuất: “Nên chăng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ có kế hoạch cụ thể về việc tổ chức hướng nghiệp tuyển sinh; tổ chức hội nghị trực tuyến tuyển sinh theo cụm trường và mời chuyên gia tư vấn cho học sinh. Qua đó sẽ tiết kiệm được chi phí, công sức cho các trường và học sinh”.

Theo nhiều cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường, muốn thay đổi nhận thức học sinh, phụ huynh trong việc chọn đúng ngành nghề phù hợp, cần có thời gian lâu dài, căn cơ. Công tác này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà là của toàn xã hội, nhất là phụ huynh học sinh. Chẳng hạn như, chính quyền địa phương tham gia tư vấn hướng nghiệp thông qua việc cung cấp thông tin về hoạch định chiến lược nguồn nhân lực, ngành nghề phục vụ phát triển kinh tế- xã hội trong những năm sắp tới... giúp học sinh tiếp cận thông tin đầy đủ hơn để chọn ngành nghề phù hợp.

Rõ ràng, công tác tư vấn hướng nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng, giúp học sinh định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp, góp phần phân luồng hiệu quả học sinh sau tốt nghiệp THPT. Thế nhưng để hoạt động này thực sự hiệu quả, cần có cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía để giúp học sinh “nhìn xa trông rộng” hơn.

Bài, ảnh: B.KIÊN 

Chia sẻ bài viết