06/04/2017 - 09:42

Giúp doanh nghiệp tiết giảm năng lượng tiêu thụ

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản, doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ở các tỉnh ĐBSCL còn rất lớn. Tiếp cận các chương trình, dự án tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất và năng lực cạnh tranh.

 Vệ sinh dụng cụ bằng nước nóng tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam.

Ông Phạm Văn My, Phó Giám đốc kỹ thuật, Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú tại Cà Mau, cho biết: Mỗi tháng nhà máy Minh Phú ở Cà Mau sản xuất khoảng 2 tấn tôm xuất khẩu và sử dụng từ 1,6-1,7 triệu kWh điện. Ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng để tiết giảm chi phí sản xuất là nhu cầu bức thiết của doanh nghiệp. Từ thực tế này, Minh Phú từng bước ứng dụng hệ thống chiếu sáng led trong toàn nhà máy; thay thế máy nén lạnh piston hiệu suất thấp bằng máy lạnh trục vít hiệu suất cao; đầu tư dây chuyền sản xuất siêu tốc cho hệ thống cấp đông, giúp rút ngắn thời gian cấp đông và tăng chất lượng sản phẩm, nhưng đạt hiệu quả tiết kiệm điện tối ưu. Để giảm tác động môi trường xung quanh, Minh Phú sử dụng củi trấu để thay thế dầu DO cho hệ thống lò hơi… Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp, mỗi tháng, Minh Phú đã tiết kiệm trên 20% điện năng tiêu thụ. Theo ông Phạm Văn My, việc đổi mới thiết bị và công nghệ của ngành chế biến thủy sản cần vốn lớn. Do đó, các ngành chức năng cần định hướng, giúp doanh nghiệp tiếp cận các dự án hỗ trợ vốn vay, đào tạo, tư vấn ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các thiết bị có hiệu quả… Từ đó, giúp doanh nghiệp giảm áp lực vốn đầu tư và khai thác tiềm năng tiết kiệm năng lượng tối ưu trong quy trình sản xuất.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng Ban Kinh doanh - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng: Mô hình ESCO là giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ, nhưng vẫn đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng tối ưu. Điểm ưu việt của mô hình này là doanh nghiệp được bảo trì, bảo dưỡng thiết bị trong thời gian thực hiện dự án và được sở hữu toàn bộ thiết bị cũng như chi phí năng lượng tiết kiệm sau khi kết thúc dự án. Điều quan trọng, doanh nghiệp không gặp rủi ro khi đầu tư và được chia sẻ chi phí tiết kiệm năng lượng, nâng cao hình ảnh và thương hiệu cho doanh nghiệp. Hiện nay, ĐBSCL có nhiều doanh nghiệp ứng dụng mô hình ESCO trong lĩnh vực nước nóng năng lượng mặt trời, phục vụ cho nhu cầu vệ sinh dụng cụ trong sản xuất, chế biến cá tra hoặc sử dụng cho các sinh hoạt ở tòa nhà. Điển hình như: Nhà máy thủy sản 4 ở Đồng Tháp, Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) và Nhà hàng khách sạn Ninh Kiều thuộc Công ty 622 tại TP Cần Thơ… Phần lớn, các doanh nghiệp đạt hiệu quả tiết kiệm điện từ 72-90% so với thiết bị gia nhiệt bằng điện, giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh, góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, đa phần các mô hình ESCO được triển khai tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là hình thức nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư toàn bộ hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời cho các doanh nghiệp và thu chi phí dựa trên hiệu quả tiết kiệm điện do hệ thống năng lượng mặt trời mang lại. Ông Nguyễn Ngọc Nhất, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư năng lượng Việt, cho biết: Mô hình ESCO mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhưng chi phí đầu tư cho một dự án là khá lớn (từ 1-5 tỉ đồng) và thời gian thu hồi vốn của dự án trên dưới 5 năm. Vì vậy, thúc đẩy phát triển dự án ESCO đang đối mặt với nhiều rào cản: việc xây dựng phương pháp tính toán mức tiết kiệm năng lượng khó khăn, mất nhiều thời gian, khách hàng không phải thế chấp; nhiều khách hàng không có hệ thống quản lý năng lượng làm phát sinh chi phí cho mô hình ESCO. Mặt khác, nhiều khách hàng có tiềm lực tài chính thường tự đầu tư nên không quan tâm đến ESCO vì chi phí cao, chưa có cơ chế, chính sách cho vay lãi suất ưu đãi đối với các dự án ESCO… Do đó, các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho ESCO; xây dựng mô hình liên kết tài chính giữa doanh nghiệp với công ty ESCO và các tổ chức tín dụng, đẩy mạnh công tác truyền thông mô hình ESCO đến khách hàng… để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia dự án ESCO.

Để thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp, năm 2017, Bộ Công thương triển khai chương trình thỏa thuận tự nguyện thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (gọi tắt là VA). Trong đó, doanh nghiệp cam kết thực hiện mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ dựa trên sự hỗ trợ từ Bộ Công thương. Thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm, kể từ ngày doanh nghiệp ký thỏa thuận với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm và doanh nghiệp có nguyện vọng tham gia VA sẽ được ưu tiên xét duyệt kinh phí, đào tạo và cấp chứng nhận tham gia VA. Đồng thời, doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng kế hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trung và dài hạn; hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ và thiết bị hiện đại… Trên cơ sở đó, giúp doanh nghiệp chủ động và dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn để cải tạo các hệ thống dây chuyền cũ, áp dụng công nghệ mới đáp ứng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu,… trong quy trình sản xuất. 

Bài, ảnh: M. Hoa

Chia sẻ bài viết