24/03/2018 - 07:57

Đến nay, bệnh lao không còn là nỗi sợ hãi của người dân. Với chủ trương xét nghiệm, điều trị miễn phí, nhiều bệnh nhân lao được điều trị khỏi, tiếp tục làm việc nuôi sống gia đình, ngăn chặn bệnh lao lây lan ra cộng đồng.

Anh Cao Thanh Xuân, ngụ ở khu vực Lân Thạnh 2, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt bị bệnh lao năm 2016. Anh Xuân kể: “Thời điểm đó, ngủ nằm nghiêng là tôi bị ho. Tôi đến Trung tâm Y tế quận được chụp hình thì phát hiện phổi có nước, nghi lao, nên chuyển về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ điều trị. Sau vài ngày nhập viện điều trị, bệnh tạm ổn, tôi được các bác sĩ tư vấn và chuyển về trạm y tế lấy thuốc uống. Định kỳ, tôi về trung tâm y tế chụp hình kiểm tra phổi. Thuốc, xét nghiệm hoàn toàn miễn phí nên tôi yên tâm điều trị. Sau 6 tháng điều trị ở trạm y tế, tôi lành bệnh, tiếp tục làm ruộng nuôi gia đình".

Giúp bệnh nhân lao

điều trị thành công
Bệnh nhân lao khám, nhận thuốc tại Trạm Y tế Trung Kiên.

Theo y sĩ Phạm Hữu Hiện, phụ trách chương trình lao, Trạm Y tế phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, trạm y tế quản lý, điều trị bệnh lao và lao đa kháng thuốc. Trong năm 2017, trạm phát hiện 57 bệnh nhân lao, hiện nay còn điều trị cho 24 bệnh nhân. Thuốc điều trị lao phải uống trước khi ăn sáng, nên trạm phục vụ bệnh nhân sớm, thường vào khoảng 7 giờ. Sau khi điều trị hết phác đồ, trạm y tế sẽ theo dõi quản lý bệnh nhân lao trong vòng 1 năm.

Theo y sĩ Đỗ Thanh Viễn Thông, phụ trách Tổ Lao quận Thốt Nốt, với bệnh lao, trong 2 tháng đầu, bệnh nhân đến tiêm thuốc và uống thuốc hằng ngày tại trạm y tế. Sau đó uống thuốc thêm 4 tháng nữa. Còn bệnh lao đa kháng thuốc (phác đồ 20 tháng), bệnh nhân uống và tiêm thuốc hằng ngày trong vòng 8 tháng; sau đó tiếp tục uống thuốc 12 tháng. Riêng phác đồ lao đa kháng thuốc 9 tháng, thì bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc 2 tháng, sau đó tiếp tục uống thuốc 7 tháng. Trong quá trình điều trị tại trạm, định kỳ bệnh nhân lao đến trung tâm y tế quận để khám, chụp hình, thử đàm. Riêng với lao đa kháng thuốc, hằng tháng bệnh nhân sẽ về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ để khám, chụp hình X- quang phổi, thử đàm.

Ngoài việc bệnh nhân lao được phát hiện khi khám bệnh ở trạm y tế, bệnh viện, trung tâm y tế… công lập, mạng lưới các phòng khám y tế tư nhân cũng tham gia phát hiện và chuyển gởi bệnh nhân. Y sĩ Phạm Hữu Hiện cho biết: Người dân đi khám bác sĩ tư. Bác sĩ nghi ngờ bệnh lao thì chuyển về trung tâm y tế. Hiện nay trong quá trình điều trị, bệnh nhân chỉ phải chi trả tiền chụp X- quang phổi, nhưng nếu có bảo hiểm y tế thì không đóng khoản này.

  Năm 2017, toàn quận Thốt Nốt phát hiện 333 bệnh nhân lao. Trong đó có 2 ca lao đa kháng thuốc, 1 ca lao trẻ em. Tất cả các bệnh nhân đều tham gia điều trị. Quận đang quản lý 306 bệnh nhân (sau 12 tháng theo dõi, bệnh nhân được đưa ra khỏi diện quản lý). Trong năm 2017, quận điều trị dự phòng lao cho 16 trẻ dưới 5 tuổi. Đây là những cháu sống cùng nhà với bệnh nhân lao. 

Thời gian điều trị bệnh lao liên tục, kéo dài từ 6 đến 20 tháng nên nguy cơ bệnh nhân điều trị bớt bệnh, tự ý bỏ điều trị khá cao. Thực hiện chỉ đạo của chương trình chống lao, quận Thốt Nốt chỉ đạo các trạm y tế tư vấn cho bệnh nhân và buộc cam kết điều trị lâu dài. Theo y sĩ Phạm Hữu Hiện, có trường hợp bệnh nhân sau thời gian điều trị thấy bớt, tự ý ngưng thuốc, trạm y tế phải báo trung tâm y tế quận. Cán bộ quận và trạm y tế đến tận nhà bệnh nhân động viên tiếp tục điều trị. Sau khi được giải thích, tư vấn, các bệnh nhân đều đồng ý tiếp tục điều trị. Nhờ cách làm này, năm 2017, toàn quận Thốt Nốt chỉ có 1 bệnh nhân bỏ điều trị đi làm ăn ở tỉnh Bình Dương.

Theo y sĩ Đỗ Thanh Viễn Thông, hằng tháng, cán bộ trung tâm và trạm y tế đều vãng gia đến nhà bệnh nhân lao. Mục đích vãng gia để xem bệnh nhân uống thuốc, dinh dưỡng, sinh hoạt… thế nào và tư vấn, hướng dẫn để đạt hiệu quả điều trị. Có đến 90% bệnh nhân lao là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên việc điều trị miễn phí rất nhân văn, góp phần hạn chế tình trạng lây bệnh ra cộng đồng. Do quá trình điều trị dài ngày nên cũng có bệnh nhân ban đầu điều trị ở bác sĩ tư, nhưng sau một thời gian đều chuyển về trạm y tế điều trị vừa đỡ tốn kém và được theo dõi, tư vấn quản lý.

Từ năm 2017, Trung tâm y tế quận triển khai điều trị lao đa kháng thuốc theo phác đồ 9 tháng (phác đồ trước đây là 20 tháng). Thốt Nốt cũng là đơn vị tuyến quận, huyện duy nhất có trang bị máy Gene X-pert. Bệnh nhân chẩn đoán bị lao sẽ được làm xét nghiệm với máy này để xác định bệnh nhân có kháng thuốc không? Sau 2 giờ là có kết quả. Nếu kháng thuốc sẽ chuyển về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Cần Thơ để hội chẩn phác đồ điều trị lao đa kháng thuốc. Hiện nay, quận Thốt Nốt thực hiện xét nghiệm này cho 3 quận, huyện: Thốt Nốt, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. 

H.HOA

Chia sẻ bài viết