25/11/2018 - 16:36

Giữ vững chất lượng khi thị trường mở rộng 

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2018, thị trường xuất khẩu cá tra có xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó nhiều thị trường xuất khẩu mới được hình thành và phát triển nhanh, tiêu thụ với lượng cá khá lớn. Với đà phát triển này, người nuôi cá tra tiếp tục duy trì và phát triển ao nuôi để tranh thủ cơ hội tốt, với mong muốn thị trường xuất khẩu cá tra năm 2019 khởi sắc…

CƠ HỘI TỐT

Đi dọc theo cồn Tân Lộc, quận Thốt Nốt, cồn Sơn trên sông Hậu, hai bên bờ có nhiều ao nuôi cá. Có ao nuôi đang nhộn nhịp thu hoạch, có ao người nuôi đang vận chuyển thức ăn cho cá… Ở cồn Tân Lộc, những ngày gần đây rôm rả nhất vẫn là chuyện nuôi cá tra, từ con cá giống đến giá cá thương phẩm bán cho các công ty được mọi người cập nhật, bàn tán về giá cả mỗi ngày...


Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy (thứ 4, từ phải sang) khảo sát thực tế, kiểm tra các mô hình nuôi cá tra tại cồn Tân Lộc. Ảnh: HÀ VĂN

Gia đình anh Hưng Hà, một trong những hộ nuôi cá tra hơn 20 năm ở cồn Tân Lộc, cho biết: “Tôi vừa xuất bán vài tấn cá tra, với giá 35.500 đồng/kg (cỡ 800-850 gram/con). Có thể nói đây là mức giá bán cao nhất từ khi tôi theo đuổi nghề nuôi cá tra tới nay. Với giá này, trừ hết chi phí lời khoảng 10.000 đồng/kg. Hiện nuôi cá tra có lãi cao hơn so với nuôi các loại cá khác. Tuy nhiên, giá thành nuôi cá đang tăng dần lên 26.000 đồng/kg, trong đó thức ăn cá tăng thêm 200-300 đồng/kg và cùng nhiều chi phí khác tăng giá nhiều lần, nhưng người nuôi vẫn có lời kha khá”.

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, quận có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi tập trung theo các kênh, rạch và tại cồn Tân Lộc trên sông Hậu. Hiện nay, tình hình nuôi cá tra phát triển theo hướng thuận lợi, với tổng diện tích nuôi 446,68ha, đạt 104,98% kế hoạch. Trong đó diện tích nuôi đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm gần 170,51ha, chiếm 44,21% tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn. Tổng sản lượng thu hoạch ước thực hiện cả năm 2018 là 89.486 tấn (chiếm gần 45% tổng sản lượng toàn thành phố), đạt 100,55% kế hoạch, tăng 8.968 tấn so cùng kỳ. Năm 2018, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 30.000-35.500 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi có lợi nhuận khá cao. Mặc dù giá cá tra thương phẩm tăng mạnh từ giữa năm 2017 đến nay, nhưng diện tích nuôi cá trên địa bàn quận vẫn duy trì ổn định, không có tình trạng đào ao nuôi tự phát.

Ông Võ Văn Tân, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Đối với địa bàn tập trung nuôi cá tra như cồn Tân Lộc và rải rác các phường Thuận Hưng, Trung Kiên, Thuận An, Thới Thuận, Trung Nhứt và Thốt Nốt, địa phương thường xuyên thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi. Qua kết quả quan trắc, các chỉ tiêu môi trường vẫn dao động trong ngưỡng thích hợp cho nuôi trồng thủy sản. Hiện quận Thốt Nốt có tổng diện nuôi cá tra thương phẩm đã được cấp mã số nhận diện ao nuôi 307,58ha, tương ứng 115 hộ nuôi và 3 vùng nuôi của các công ty chế biến. Diện tích này sẽ được phát triển và nhân rộng trong năm 2019”.

TÍN HIỆU VUI

  Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố đang tăng cường công tác kiểm tra, hạn chế tình trạng đào ao nuôi cá tra tự phát, nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra. Ngành thủy sản thành phố cùng đơn vị chuyên môn sẽ hỗ trợ, hướng dẫn hộ dân nuôi cá tra áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tăng thêm lợi nhuận cho người nuôi…”.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ĐBSCL hiện có diện tích nuôi cá tra dao động từ 5.000-6.000ha, sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Trong 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 1,59 tỉ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2017. Từ tháng 10 đến nay xuất khẩu cá tra sang các thị trường trọng điểm như: Mỹ, EU, Trung Quốc có đà trăng trưởng tốt. Đồng thời, hầu hết diện tích nuôi cá tra không nhằm mục tiêu gia tăng sản lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng đàn cá nuôi và hạ giá thành sản xuất. Đến cuối năm 2018, thị trường xuất khẩu cá tra vẫn tốt, sản xuất và chế biến xuất khẩu theo đà tăng nhanh. Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2018 có thể đạt 2,1-2,2 tỉ USD, đạt mức kỷ lục trong 20 năm qua.

Ở TP Cần Thơ, thời gian gần đây đa số các hộ nuôi cá tra đều ký hợp đồng mua bán với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, từ năm 2017 đến nay, điều kiện tự nhiên cho vùng nuôi cá tra rất thuận lợi, lượng nước đủ trong cả mùa khô, phục vụ tốt cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Từ đó, diện tích nuôi cá tra xuất khẩu trên địa bàn thành phố vẫn duy trì ổn định, giá cá tra thương phẩm tuy có biến động nhưng luôn ở mức cao, người nuôi thu lợi nhuận khá cao. TP Cần Thơ có hàng trăm héc-ta nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, chiếm tỷ lệ khá cao. Trong đó có nhiều hộ nuôi có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, một số hộ còn lại (chưa có giấy chứng nhận) phải ký cam kết nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm... Đây là một trong những yếu tố đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ  thông tin thị trường và nhiều ý kiến phân tích của chuyên gia, dự đoán năm 2019 cá tra xuất khẩu cơ bản gặp nhiều thuận lợi. Đặc biệt là nếu mức thuế chống phá giá tại thị trường Mỹ (công bố vào giữa năm tới) vẫn duy trì mức thấp. Hơn nữa vừa qua sau khi thông tin về việc công nhận cá tra Việt Nam có sự tương đồng với việc nuôi tại Mỹ (theo đạo luật Nông trại Farm Bill) thị trường xuất sang Mỹ đang tăng trở lại. Theo đó các thị trường lớn khác như các nước EU tăng trở lại; Trung Quốc vẫn giữ nhịp tiêu thụ tốt. Nếu đón nhận tín hiệu thị trường tốt, diện tích nuôi cá tra ĐBSCL nên duy trì mức sản lượng 1,3-1,35 triệu tấn/năm. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng đàn cá nuôi, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng nhiều hơn nữa từ cá tra, như: sản phẩm cá tra tinh chế, collagen, dầu cá, bột cá, xương cá… để tăng kim ngạch xuất khẩu thay vì chỉ xuất khẩu sản phẩm thô.

HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết