27/10/2017 - 21:18

Giữ lại chút tình… 

Cha mẹ ly hôn, con cái chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thấu hiểu điều này, nhiều phụ huynh cố gắng tạo mối quan hệ tốt, phối hợp nuôi dạy trẻ đàng hoàng. Tuy nhiên, không ít trường hợp xem nhau như kẻ thù, nhẫn tâm đem con ra gây sóng gió, khiến đối phương phải dằn vặt, đau khổ. Thế nhưng, trong cuộc chiến trớ trêu này, người tổn thương nhiều nhất có khi là chính mình và con trẻ đáng thương.

Sau khi chia tay, các bậc cha mẹ hãy giữ cho nhau hình ảnh đẹp, cùng vun đắp tương lai cho con (Trong ảnh: Phiên tòa ly hôn ở TAND quận Ninh Kiều). 

Nhìn phong thái điềm đạm của chị T. (quận Ninh Kiều) bây giờ thật khó hình dung cách đây 3 năm, chị từng vì hờn ghen dẫn đến thù hận mù quáng, quậy đến nỗi chồng xa lánh, bạn bè nghỉ chơi, gia đình hiếm khi yên. Lúc chị đòi chia tay, chồng xin hàn gắn nhưng chị kiên quyết cắt đứt, lập kế hoạch trả thù. Chị lên mạng xã hội nói xấu chồng không tiếc lời, bắt D., con gái, học thuộc những lá thư tình cha viết cho vợ bé, hễ gặp cha là “phát thanh”, khiến chồng luôn ám ảnh. Khi ly hôn, bằng mọi cách, chị giành quyền nuôi con (lúc đó, bé trai 12 tuổi, D. 7 tuổi) để thực hiện ý đồ riêng. Trước mặt con, chị than khóc, kể lể, gieo vào đầu con ý nghĩ xấu xa về cha ham ăn nhậu, mê chơi…. Mỗi lần nghe con gái điện thoại hỏi: cha đưa bồ đi ăn chưa; sao cha thương vợ bé hơn con…, chị T. hả hê trong dạ. Con trai lớn hiểu chuyện, không hưởng ứng kể xấu cha, liền bị mẹ la mắng. Con trai ngày càng ít nói, luôn tránh mặt mẹ, học hành sa sút. Cháu lầm lũi, mỗi khi nghe ai nhắc đến gia đình thì lảng chỗ khác, nụ cười tắt hẳn trên môi. Còn D thích thú khi làm đúng ý mẹ, được khen, cho quà và trở nên hỗn hào với cha.

Một ngày, cô bảo mẫu mời chị T. ở lại lớp nói chuyện về bé D., có thể  gặp vấn đề tâm lý. Chị không tin, đến khi cô đưa quyển tập vẽ, trong các tấm hình gia đình chỉ có mẹ nắm tay con dạo chơi, còn cha bị bôi đen; có hình bé D. lấy viết đỏ vẽ như máu, phía dưới có dòng chữ: “Con ghét cha! Giết cha!”… Chị T. rụng rời nhớ lại thời gian qua, cuộc sống mấy mẹ con như địa ngục. Ngày chị hậm hực không ăn, đêm quay quắt không ngủ, hai đứa con chới với giữa vực thẳm hận thù mẹ gây ra. Thậm chí, chị T. không cho con gặp bà nội, quà nhà chồng gởi, chị đem cho hoặc bỏ. Chị biết chồng cũng đang khổ sở, không dám về nhà mẹ ruột, sợ hàng xóm dèm pha, mướn  phòng trọ gần cơ quan. Anh đợi giờ tan học đến trường thăm con, chị đến thì anh đi; tiền chu cấp hằng tháng anh không đưa trực tiếp mà chuyển qua tài khoản. Mặc cảm hối hận, buồn chán, chị T. suy sụp, nghỉ làm công ty, mưu sinh bằng tiệm tạp hóa nhỏ.

Thương anh em D., nhóm bạn thân của chị T. hỗ trợ mấy mẹ con điều trị tâm lý. Gần nửa năm, chị T. mới phần nào nguôi ngoai, còn D. hiện được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ theo dõi. Để uốn nắn D. từ trạng thái ghét chuyển qua thương cha không đơn giản, bao nhiêu là rắc rối phát sinh. Mặt khác, mọi người động viên, phân tích cho anh em D. hiểu để không còn oán trách mẹ. Hiện anh trai của D. học lớp 10, chững chạc, hỗ trợ công việc nhà, dạy em, giúp mẹ vơi bớt đau buồn. Chị T. tâm sự: “Bị phản bội, tôi cảm thấy tổn thương nên chỉ làm cho hả giận. Giờ nghĩ lại thấy mình sao nông nổi, may là dừng lại kịp lúc”.

Chuyện hậu ly hôn của K.C. (phường Hưng Lợi) khiến không ít người quen bất ngờ. Do hôn nhân phát sinh mâu thuẫn, C. quyết định đường ai nấy đi và nuôi con trai 5 tuổi. Để không ảnh hưởng con, hai vợ chồng bàn bạc mọi điều khoản, chồng C. chu cấp chi phí nuôi con, nhận 1/3 căn nhà trị giá hơn 2 tỉ đồng, C. sẽ trả dần. Thế nhưng, diễn biến phiên hòa giải xuất hiện nhiều tình tiết bất ngờ. Chồng C. có ý kiến, vợ vất vả nuôi con nên không nhận phần tiền nhà nữa, mong vợ tạo điều kiện được chăm lo cho con. Trước thành ý của chồng, C. hứa sẽ không đổi ổ khóa, nếu muốn, chồng C. có thể sống cùng nhà như trước đây, để con không phải xa cha mẹ. Bắt ngay “điểm sáng” này, thẩm phán có ý hàn gắn nhưng C. từ chối.

Mấy tháng qua, gia đình C. vẫn sinh hoạt bình thường như không có biến cố gì, chồng C. bớt nhậu, xung phong đưa đón con đi học, điều mà trước đây anh thường từ chối. Qua người bạn, C. biết chồng thay đổi thái độ do vô tình anh nghe C. dạy con trai phải quý trọng và thương cha, dù sau này có thể không ở chung nữa. Cách hành xử của C. khiến chồng nhìn lại mình, sửa đổi, cố gắng bù đắp vì không cho con gia đình trọn vẹn. Bạn bè khuyên C., nếu chồng thật tâm hối lỗi, vợ chồng tái hôn cũng tốt. Rất nhiều trường hợp sau ly hôn giữ được hòa khí, đã tiếp tục chung sống hạnh phúc. Điều quan trọng là các con hưởng trọn vẹn tình thương cha mẹ.

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Thành Thuận, Hội Kế hoạch hóa gia đình TP Cần Thơ, khi quyết định ly hôn, người trong cuộc hãy suy nghĩ thật kỹ, đừng hành động cảm tính, chủ quan. Cha mẹ bất hòa, cư xử tiêu cực khiến con cái thêm đau khổ, tổn thương, sinh mặc cảm. Hãy nghĩ đến tương lai con cái mà giữ lại chút tình để cùng nuôi dưỡng, dạy dỗ, giúp trẻ tự tin vào đời.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH 

Chia sẻ bài viết