25/07/2013 - 22:24

Giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bằng ...

Đoàn Nghệ thuật tuồng cổ Phương Ánh (Cần Thơ) trình diễn hát bội tại lễ Kỳ Yên đình Bình Thủy.

Với lịch sử trên 300 năm hình thành và phát triển, ĐBSCL được xem là đứa em út, “sinh sau đẻ muộn” của đất mẹ Việt Nam. Tuy nhiên, sự hào phóng của thiên nhiên cùng với sự cộng cư của nhiều dân tộc anh em đã tạo cho vùng đất này một bản sắc văn hóa riêng, trong đó có nghệ thuật diễn xướng và sân khấu dân gian.
Theo thời gian và biến thiên của cuộc sống hiện đại, những loại hình văn hóa ấy đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bằng đặt ra trách nhiệm cho thế hệ hôm nay.

Một vùng đất giàu bản sắc văn hóa

Từ bao đời nay, vùng đất ĐBSCL trứ danh là cây lành trái ngọt, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Con người đồng bằng hào hiệp, khí khái và rất đỗi thân tình. Việc cộng cư của các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm… trên vùng đất này đã tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú. Xuất phát từ nhu cầu giải trí, sinh hoạt văn hóa hay tín ngưỡng thờ cúng thần linh mà mỗi dân tộc nơi đây hình thành những loại hình diễn xướng và sân khấu dân gian riêng. Nhắc đến người Kinh người ta nghĩ ngay đến điệu đờn ca tài tử, những câu vọng cổ mượt mà; người Khmer với những vở Dù kê, điệu múa Rô Băm, điệu hát Chầm Riêng Chà Pây; người Hoa với nhạc lễ Triều Châu; người Chăm với những điệu múa uyển chuyển, lời ru mượt mà…

Khoảng hơn 20 năm trước, hát bội là một nét sinh hoạt văn hóa quen thuộc của người dân ĐBSCL vào mỗi dịp Kỳ Yên. Đêm đêm, trong khi chờ nghi thức: Túc Yết, Xây Trầu…, gánh hát bội diễn phục vụ bà con. Tiếng trống, lời ca, đặc biệt là tiếng trống chầu đặc trưng của hát bội vang lên rộn rã xóm làng. Chúng tôi có dịp quen với ông Bầu Hiếu, chủ gánh hát bội Thành Phước, ở TP Cần Thơ và được nghe ông kể rất nhiều về gia tộc ba đời hát bội, làm bầu, cũng như nỗi nhớ về thời vàng son của gánh hát. Theo lời Bầu Hiếu, mỗi lần đình làng vùng ĐBSCL cúng Kỳ Yên thì gánh hát nhà ông diễn không xuể. Mới chập choạng là bà con đã đến nghẹt sân đình. Nhiều người chèo ghe, xuồng đậu rợp bến đình để xem hát bội. Bởi vậy, sân khấu thời ấy được coi như “thánh đường nghệ thuật”. Hiện nay ở ĐBSCL, số gánh hát bội còn lại hiện còn khá ít, có thể kể đến như: Đồng Thinh (Vĩnh Long), Phương Ánh, Thành Phước (Cần Thơ), Hồng Châu (Bạc Liêu), Minh Khai (Sóc Trăng)…

Người Khmer vùng ĐBSCL có quyền tự hào vì góp vào bản sắc văn hóa đồng bằng nhiều loại hình văn hóa độc đáo như: Dù kê, Dì kê, À dây, Rô Băm … Trong đó, nghệ thuật Dù kê với đặc trưng có tích truyện, nghệ thuật biểu diễn tinh tế, ý nghĩa nhân văn nên được người dân yêu thích. Một vở Dù Kê được phát triển trên nền nhạc, ca hát, đối thoại và động tác diễn. Điểm đặc biệt là mỗi lời hát đều kèm theo các điệu múa, sự kết hợp giữa tay và chân uyển chuyển. Hiện nay, ở ĐBSCL, nghệ thuật Dù Kê chỉ phát triển mạnh ở Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu… và đứng trước nguy cơ “tre già mà măng chưa mọc” bởi thiếu đội ngũ kế thừa.

Còn nhiều nghệ thuật diễn xướng, sân khấu dân gian của các dân tộc vùng ĐBSCL đã trở thành biểu tượng của bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, một số loại hình như: Đờn ca tài tử đang được đệ trình hồ sơ quốc gia lên UNESCO công nhận là “Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, nghệ thuật đàn hát Chầm Riêng Chà Pây đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia…Những đóng góp ấy chứng tỏ trong suốt 300 năm hình thành và phát triển, cộng đồng các dân tộc vùng ĐBSCL luôn tìm tòi, sáng tạo những loại hình văn hóa làm đẹp thêm đời sống tinh thần, làm phong phú thêm bề dày văn hóa vùng đất cây lành trái ngọt này.

Nỗi trăn trở của những người “gìn vàng giữ ngọc”

Giữa nhịp sống hối hả, nhiều loại hình văn hóa đồng bằng đang có nguy cơ mai một. Những người tâm huyết với nghiệp đau đáu tìm người kế thừa. Trong căn nhà nhỏ che chắn bằng những tấm bạt cũ rách nằm lọt thỏm sau những căn nhà cao tầng trong Trung tâm Thương mại Cái Khế (TP Cần Thơ), Bầu Hiếu nằm thoi thóp vì căn bệnh lao. Dẫu biết trước sự bạc bẽo của nghiệp “xướng ca” nhưng ông Hiếu vẫn cố gắng truyền nghề cho con cháu. Đêm đêm, ở khoảng đất trống trước nhà, ông Hiếu vẫn dạy con trai cùng mấy đứa cháu hát bội. Bây giờ, dù các con, cháu của ông Hiếu đều theo nghiệp cha nhưng cuộc sống vất vả lắm vì mỗi lần diễn chỉ được vài ba trăm ngàn, có khi lãnh “hiện vật” là gạo, đường. “Ôm cái nghiệp của cha ông này nặng nợ quá. Bỏ thì có lỗi với Tổ nghiệp, với ông nội và cha tôi; nhưng gánh cả gánh hát này thì khổ quá” – ông Hiếu thở dài.

Cũng cùng nghiệp hát bội như Bầu Hiếu, Bầu Răng – chủ gánh hát bội Đồng Thinh (Vĩnh Long) từng được qua Mỹ biểu diễn tại Lễ hội Đời sống dân gian Smithsonian năm 2007. Thế nhưng, gánh hát của ông cũng từng phải trải qua thời gian hát dạo cứu đói cho anh em nghệ sĩ. Có khi gánh hát cắm sào lại một địa phương cả năm trời, vừa hát vừa bán hàng rong, làm mướn kiếm sống qua ngày. Giờ đây, ở tuổi gần 80, điều Bầu Răng lo là việc truyền nghề. Ít ai học mà khán giả đến đình coi gánh Bầu Răng diễn ngày cũng thưa dần.

Nỗi lo của Bầu Hiếu, Bầu Răng cũng là nỗi lo của những nghệ nhân gắn bó với nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer. Nghệ nhân Lý Sêm, vừa đạt giải A tại Liên hoan Dân ca toàn quốc với nghệ thuật đàn hát Chầm Riêng Chà Pây, ngao ngán: “Nghệ thuật này coi vậy mà khó lắm. Tụi nhỏ ít đứa nào biết đàn Chà Pây mà cũng không chịu học. Tôi sợ khi lớp già tụi tôi trăm tuổi, Chầm Riêng Chà Pây sẽ bị mai một”. Chắc hẳn, những nghệ nhân của nghệ thuật hát ru Chăm, múa, hát của người Hoa… cũng sẽ rất đồng cảm với nỗi niềm trăn trở này. Đâu ai muốn cái hồn của dân tộc mình bị mai một.

Nỗ lực giữ gìn

Chúng tôi thật xúc động khi nhìn cảnh ông Danh Bê (xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) tỉ mẩn dạy cho con cháu cách diễn, hóa trang, chuẩn bị cho một vở Dù Kê. Gánh hát gia đình này có hơn 20 chục người, do ông Danh Bê đứng ra vận động thành viên trong gia đình thành lập. Nhiều năm qua, gánh hát của ông Danh Bê đã diễn hàng chục vở Dù Kê, phục vụ bà con khắp nơi. Gần 60 tuổi nhưng Danh Bê vẫn say sưa dạy cháu con làm sao để diễn chằn có hồn, làm thế nào để lột tả được vai công chúa, hoàng tử… Bà Ngô Huyền Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tâm đắc: “Gánh hát dù kê của gia đình ông Danh Bê đã mang lại một sinh khí mới cho văn hóa, văn nghệ địa phương, góp phần giữ gìn loại hình sân khấu độc đáo của dân tộc Khmer”.

Thời gian qua, thực hiện theo Thông tư số 04/2010/TT – BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”, ngành văn hóa cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng đã tiến hành kiểm kê phân loại các di sản. Trên cơ sở đó phân loại, xác định loại hình nào đang có nguy cơ mai một cao, cần được ưu tiên bảo tồn. Tỉnh Đồng Tháp được xem là địa phương đi đầu trong bảo tồn và phát huy di sản. Ở Đồng Tháp, ngoài các di tích lịch sử, văn hóa thì hệ thống văn hóa phi vật thể như: hò, vè, truyện dân gian… khá phong phú. Đến nay, Đồng Tháp đã thực hiện được nhiều dự án bảo tồn, trong đó đáng kể nhất là dự án bảo tồn hò Đồng Tháp. Hò Đồng Tháp từng một thời vang bóng nhưng do thay đổi về môi trường diễn xướng, thiếu nghệ nhân nên dần mai một. Từ năm 2011, Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Tháp đã thành lập đoàn sưu tầm, nghiên cứu và phục hồi điệu hò Đồng Tháp. Sau khi tập huấn hò và sáng tác lời mới hò Đồng Tháp cho gần 100 học viên là nghệ nhân, cán bộ văn hóa cơ sở... ở các huyện, thị, thành trong tỉnh, năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức Liên hoan Hò Đồng Tháp và hát dân ca Đồng Tháp. Sau đó, những thí sinh từ liên hoan đã truyền nghề lại cho những người yêu thích. Nhờ vậy mà hò Đồng Tháp giờ đã trở thành loại hình diễn xướng quen thuộc và mới đây đã giành được giải B tại Liên hoan Dân ca toàn quốc tại Hà Nội.

Hay ở tỉnh Trà Vinh, nhiều năm qua việc bảo tồn văn hóa dân tộc được thực hiện bằng những dự án cụ thể như quay phim tư liệu, mở lớp truyền nghề. Đặc biệt sự ra đời của Bảo tàng Văn hóa Khmer và mới đây nhất là việc Trường ĐH Trà Vinh thành lập khoa Ngôn ngữ - Văn hóa – Nghệ thuật Khmer sẽ thổi hồn di sản, góp phần truyền tình yêu nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ. Kinh nghiệm cho thấy, để bảo tồn di sản cần thiết phải đào tạo được lực lượng kế thừa và tổ chức các sân chơi xứng tầm để nghệ nhân có dịp sống trọn với nghiệp diễn. Thực tế từ Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Liên hoan Dân ca toàn quốc… cho thấy các nghệ nhân muốn diễn, muốn đứng trên sân khấu nhưng cơ hội hiếm hoi. Từ đây đến cuối năm, Liên hoan sân khấu Dù Kê Khmer sẽ diễn ra tại Sóc Trăng và Festival Đờn ca tài tử sẽ được tổ chức ở Bạc Liêu. Mong rằng, các liên hoan sẽ góp thêm lửa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

* * *

Các loại hình nghệ thuật diễn xướng và sân khấu dân gian như mạch nước ngầm chảy suốt chiều dài lịch sử của vùng đất ĐBSCL, góp phần làm đẹp thêm tính cách và tâm hồn của người dân miền sông nước. Giữa nhịp sống hiện đại, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng là cách để  giữ mãi bản sắc đồng bằng.

Bài, ảnh: MINH HOA

 

Chia sẻ bài viết