30/11/2018 - 20:34

Giữ cha cho con 

Có gia đình trọn vẹn, con cái tự hào vì được cha mẹ thương yêu là mong muốn của hầu hết phụ nữ đã lập gia đình. Nhưng cũng chính vì tư tưởng giữ cha cho con, nhiều chị em đã “gồng” mình chịu đựng cuộc hôn nhân bế tắc với người chồng không xứng đáng. Điều này đôi khi vô tình đẩy con và cả bản thân vào cảnh “cố đấm ăn xôi”...

Phụ nữ không cần cố gắng giữ cha cho con khi người cha không còn xứng đáng. Ảnh minh họa

Hơn nửa năm nay, chị Kim Ngân (ở quận Ninh Kiều) cứ đắn đo, dằn vặt, định “dứt áo” ra đi mấy lần nhưng vẫn không đành vì lo con mất cha, ảnh hưởng tâm lý trẻ thơ dẫu rằng trước giờ, chuyện chăm sóc, đưa con đi chơi, đi học đều một tay chị phụ trách, số lần chồng chị gần gũi, chơi đùa cùng con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng vì vậy, chị không thể trị căn bệnh mất ngủ kinh niên khi nỗi đau, oán trách người chồng bạc bẽo, vô trách nhiệm đè nặng tâm trí.

Còn chị Thu T. (ở quận Bình Thủy) có chồng thường xuyên rượu chè, cờ bạc, nợ nần. Đã mấy phen chị gom góp tiền của trả nợ cho chồng, giúp anh tìm việc làm ổn định, nhưng mọi cố gắng của chị như nước đổ lá khoai. Đỉnh điểm, vì nợ nần, anh yêu cầu chị ký tên bán nhà, chị không đồng ý, đôi bên xảy ra cự cãi, anh bỏ đi mấy ngày không về nhà. Bạn bè khuyên bỏ chồng, chị T. phân trần: “Tuy cờ bạc, rượu chè nhưng được cái ông ấy thương con lắm. Đi đâu thì đi, hễ về tới nhà là cha con lại vui đùa, cười nói suốt. Nếu ly dị chồng, con thiếu tình thương của cha, tôi lại có lỗi với con!”.

Suy nghĩ giữ cha cho con vẫn còn khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Tình thương con gắn với lòng hy sinh khiến nhiều người mẹ tự nhủ: cố gắng chịu đựng, duy trì hôn nhân để con có cha. Nhưng suy nghĩ này đôi khi vô tình đẩy người phụ nữ đi từ bi kịch này đến bi kịch khác, còn những đứa con tuy có cha nhưng cũng không thêm tình thương đúng nghĩa.

Hiếu Tr. hiện đang là chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm ở quận Bình Thủy có mẹ là cô giáo, còn cha là thợ mộc khéo tay. Hiếu Tr. kể: “Cha tôi khéo léo, có tay nghề, có thể làm được mọi việc trong nhà, lại có tâm hồn nghệ sĩ, hát hay, đàn giỏi. Nhưng ngặt nỗi, ông mê cờ bạc, rượu chè, rồi mỗi lần nợ nần, say xỉn lại về nhà đánh mẹ, đòi tiền. Thuở nhỏ, tôi và anh trai đã nhiều lần thấy cha đánh mẹ, những lần như vậy, mẹ chỉ khóc. Khi anh em tôi học cấp 2, nhận thức được vấn đề, khuyên mẹ ly dị cha, nhưng mẹ không đồng ý. Mẹ sợ chúng tôi buồn vì gia đình không đủ đầy, trọn vẹn như bạn bè. Mẹ muốn chúng tôi vẫn có cha. Mẹ chịu đựng cha đến khi tôi tốt nghiệp cấp 3 mới ly hôn. Trong thời gian đó, cha đã làm tiêu tan hết tài sản của gia đình, mẹ còn gánh thêm mấy vết sẹo trên người do cha đánh. Cha mẹ chia tay nhau, mấy mẹ con tôi có cuộc sống bình an hơn”. Sau khi mẹ ly hôn cha, Hiếu Tr. mới có thể chuyên tâm học nghề và theo đuổi ước mơ kinh doanh của mình. Nhờ vậy, đến giờ, cuộc sống của Hiếu Tr. và mẹ ổn định hơn, không phải nơm nớp lo thiếu trước hụt sau vì tính cờ bạc của cha.

 Chị Thùy An (ở quận Ninh Kiều) chia sẻ, cả vợ chồng chị đều không sống chung với cha từ nhỏ vì hai người mẹ đều sớm ly hôn, chấp nhận làm mẹ đơn thân. Nhưng chị không lấy đó làm buồn. Chị An bộc bạch: “Ngày xưa mẹ sớm bỏ cha. Nếu không, chắc chắn tôi không có tương lai tốt đẹp như bây giờ vì cha thường nhậu nhẹt, say mê bóng sắc, chạy theo những người đàn bà khác, vô tâm với vợ con. Giờ nhìn người vợ sau của cha tôi, đôi lúc, tôi thấy thương dì ấy vô cùng vì cuộc sống hôn nhân toàn nỗi buồn”.

Rút kinh nghiệm từ chính cuộc hôn nhân của mẹ, chị Thùy An quan niệm: “Câu nói “Con không cha như nhà không nóc” không đúng với những người chồng vô trách nhiệm. Cha không che chở cho con được, với tình yêu thương con vô bờ bến, mẹ hoàn toàn có thể thay cha làm “nóc”. Nhưng nói vậy cũng không phải khuyến khích phụ nữ nên chia tay chồng khi thấy cách sống không hợp nhau vì vợ chồng khi sống chung sẽ khó tránh bộc lộ nhiều nhược điểm mà trước đó đối phương chưa hề biết hoặc khi vô tình phạm lỗi, ảnh hưởng hôn nhân”. Tùy khuyết điểm và mức độ phạm lỗi, người vợ có thể chia sẻ, cho chồng cơ hội “chuộc tội” hoặc nhờ cha mẹ hai bên khuyên giải, vun đắp đời sống hôn nhân. Ngược lại, người vợ cũng cần sáng suốt và mạnh mẽ quyết định để bảo vệ, tránh làm mình và con tổn thương thêm.

Theo nhiều chị em, nói cho cùng, hôn nhân là nơi chốn bình yên, ấm áp và là nơi để tìm sự sẻ chia. Không có được những điều cơ bản đó thì hôn nhân không còn ý nghĩa để gìn giữ. Nếu có chia tay, thì cha vẫn là cha của con, và người cha có trách nhiệm, sẽ có cách chăm sóc, yêu thương con. Vì lẽ đó, giữ cha cho con là quan niệm cần gỡ bỏ khi hôn nhân đã thành “mồ chôn hạnh phúc”.

Tâm An

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Giữ cha cho con