20/02/2018 - 09:55

Gió mới từ kinh tế hợp tác 

Khánh Trung-Mỹ Hoa

Trong cuộc chuyển đổi của đồng bằng, không thể không nói đến làn gió mới là kinh tế hợp tác- nhân tố then chốt để ứng biến linh hoạt theo sự thay đổi của thị trường. Một đồng bằng đang đổi mới từng ngày, từ cung cách làm ăn đến thói quen sản xuất; nông dân và doanh nghiệp bắt tay làm nông nghiệp lớn để “dắt” nhau ra thế giới.

Bắt tay làm giàu

Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền phấn khởi với hiệu quả sản xuất rau ăn lá trong nhà kính. Ảnh: MỸ HOA

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không đi theo quy luật thị trường nên rơi vào điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Điều này đã trở thành câu “cửa miệng” của các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp… khi “đăng đàn” nói về sản xuất nông nghiệp của nông dân. Thực tế là vậy và để khắc phục yếu điểm mang tính sống còn trên, nông dân cần bàn tay của “bà đỡ” doanh nghiệp. Tại ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, những mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã có nhiều cuộc lột xác để thuyết phục nông dân cùng ngồi lại ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng, mẫu mã và kết nối với nhà tiêu thụ đưa sản phẩm đi vào thị trường khó tính.

Trong cuộc thay đổi ấy, “người đầu tàu” của HTX đã dẫn dắt nông dân đến những bến bờ an toàn và mở ra thị trường tiêu thụ rộng hơn. Con đường này, HTX rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy đã và đang làm rất tốt. HTX sản xuất rau theo quy trình VietGAP trong nhà lưới và có hợp đồng tiêu thụ nông sản ổn định với doanh nghiệp, nên nông dân HTX đạt thắng lợi cả về năng suất và giá bán sản phẩm. “Công ty cổ phần VN Farm Food Cần Thơ đầu tư nhà lưới cho HTX trên quy mô 8.000m2. Khu vực sản xuất rau ăn lá - mồng tơi, rau muống và các loại cải được trang bị hệ thống tưới phun tự động, kiểm soát tốt từ nguồn giống- quy trình sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo sản lượng rau màu chất lượng đồng đều theo nhu cầu của doanh nghiệp”- ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền nói.

Có được thành quả hôm nay, Ban Giám đốc HTX rau an toàn Long Tuyền không ngừng nỗ lực, tìm kiếm cơ hội ký kết hợp đồng với các đối tác. Sau bao lần liên kết thất bại, Ban Giám đốc HTX đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong nguyên tắc làm ăn với doanh nghiệp là: “Muốn tạo mối liên kết bền vững, HTX phải đảm bảo các nguyên tắc trong canh tác từ khâu chọn giống, gieo trồng, tới chăm sóc đều phải theo quy trình VietGAP”. Lòng tin và kỷ luật sản xuất là yếu tố cốt lõi để hợp tác lâu dài với doanh nghiệp. Từ cách làm này, nông dân HTX được đảm bảo thị trường tiêu thụ, nên an tâm đầu tư nâng cao chất lượng và năng suất.

Không chỉ vậy, nhiều HTX đã chọn con đường làm “nông nghiệp tử tế” để đưa sản phẩm sạch, an toàn đến với người tiêu dùng. Họ không xem mình là hiện tượng hiếm hoi của xã hội, mà xem đó là trách nhiệm, sản xuất phải sạch, an toàn thì con đường kinh doanh mới bền vững. Như HTX Thương mại dịch vụ và Du lịch môi trường xanh Cần Thơ-Kiên Giang (ở quận Bình Thủy) đã liên kết cùng với các HTX có cùng mục tiêu với mình để kinh doanh gạo hữu cơ, khô, nước mắm… của tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. “Chúng tôi muốn cung cấp bữa ăn “ngon và lành” cho người tiêu dùng, bếp ăn tập thể và trường học”- ông Dương Đình Lượng, Giám đốc HTX nói. Theo ông Lượng, HTX còn mở hướng hợp tác với nông hộ trồng rau muống, cải xanh an toàn tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Liên kết với doanh nghiệp cùng quỹ tín dụng với chủ một trang trại ở xã An Lạc Thôn, tỉnh Sóc Trăng nuôi thử nghiệm 400 con heo thịt theo quy trình an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chọn con đường làm dịch vụ để tạo “ngách” thị trường riêng, đó là HTX nông nghiệp An Xuân ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ. “HTX đã tập hợp các thành viên có máy cày, máy gặt cùng nhau làm dịch vụ cày, xới, chăm sóc, thu hoạch… cho bà con trong vùng. Để nâng chất lượng hạt lúa làm ra, HTX đầu tư 4 lò sấy và kho trữ lúa có công suất 1.300 tấn, giúp nhà nông canh tác lúa không còn vất vả phơi sấy. Từ khâu làm đất, bón phân, bơm tưới, thu hoạch, tiêu thụ cho xã viên HTX đều lo tất”- ông Phạm Hữu Bích, Giám đốc HTX nông nghiệp An Xuân nói đầy tự hào. Lão nông Nguyễn Hoàng Nam, ở ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, bộc bạch: “Đa phần nông dân có diện tích trồng lúa ít, nên phải tự lo việc sạ lúa, bón phân, bơm tưới, gặt lúa, vận chuyển hay phơi sấy lúa và bán lúa cùng phải qua “cò”. Khi vào HTX An Xuân, nông dân khỏe re vì tất cả quy trình này đều có người đỡ đầu là Ban Giám đốc, nông dân chỉ tập trung chăm lúa sao cho đạt năng suất, đẹp và chất lượng để bán được giá cao”. Lúa của  HTX nông nghiệp An Xuân được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường, góp phần nâng hiệu quả hợp tác.

“Dẫn dắt” kinh tế hộ

Những thành tựu kinh tế hợp tác được nhóm lên từ ngọn lửa nhiệt huyết của “người đầu tàu” và quyết tâm của nông dân, sự chung sức của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Đây là con đường phát triển tất yếu mà nhiều nước trên thế giới đã và đang làm. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, cho rằng: “Ưu điểm nổi bật của các HTX là vai trò “dẫn dắt” kinh tế hộ phát triển. HTX hướng đến vì lợi ích chung của xã viên, hoạt động trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các HTX  từng bước thích ứng  với cơ chế thị trường, quan tâm gắn kết với các đối tác và doanh nghiệp để ổn định đầu ra sản phẩm và được tiếp cận với các dịch vụ, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất với chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý”. Con đường đã mở và làm thế nào để đưa kinh tế hợp tác đến cuối con đường để hòa vào chuỗi giá trị toàn cầu là vấn đề rất khó. Nhưng cùng ngồi lại thì không gì là không thể!

Giám đốc HTX nông nghiệp An Xuân giới thiệu quy trình của lò sấy lúa. Ảnh: MỸ HOA

Nông dân HTX nông nghiệp An Xuân giới thiệu máy cày hiện đại phục vụ sản xuất. Ảnh: MỸ HOA

Thống kê đến cuối năm 2017, TP Cần Thơ có 18 HTX nông nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố lên 112 HTX. Thành phố còn có 1.286 câu lạc bộ và tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, các HTX được thành lập mới trong năm qua thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác nhau. Điều này cho thấy sự quan tâm của nông dân trong thực hiện chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang mô hình sản xuất lớn. Các HTX nông nghiệp đang hoạt động không chỉ mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động mà còn chủ động hơn trong việc liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp để dẫn dắt bà con sản xuất các sản phẩm nông sản theo yêu cầu của người tiêu dùng và các nhà bao tiêu.

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: “Các HTX muốn tạo được sức hấp dẫn, thu hút nhiều người dân tham gia cần phải tạo ra nhiều lợi ích cho xã viên, nhất là giải quyết bức xúc về đầu ra sản phẩm. Phát huy vai trò “bà đỡ” cho các HTX, Liên minh HTX thành phố sẽ tiếp tục làm cầu nối để HTX tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, tổ chức hoạt động kết nối giữa HTX với siêu thị và doanh nghiệp,… để phát triển chuỗi giá trị nông sản”… Không chỉ ở Cần Thơ, mà các địa phương khác trong vùng ĐBSCL cũng đang xem kinh tế hợp tác là nguồn lực cốt yếu để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là con đường để thoát cái “bẫy sản xuất nhỏ”, để mở rộng thị trường, do vậy, cần phải giữ lửa cho kinh tế hợp tác.

Chia sẻ bài viết