21/05/2009 - 08:46

Giáo sư Krugman lạc quan thận trọng về kinh tế thế giới

Giáo sư Krugman. Ảnh: AFP

Hôm nay 21-5, cha đẻ của “Thuyết thương mại mới” Paul Krugman sẽ đến Việt Nam để chủ trì cuộc hội thảo quốc tế có chủ đề “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng”, diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài “Thuyết thương mại mới”, Giáo sư Krugman còn được thế giới công nhận là người khai sinh ra thuyết địa kinh tế mới và là bậc thầy về toàn cầu hóa và tài chính toàn cầu. Ông cũng nổi tiếng là “nhà tiên tri” với những cảnh báo sớm về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Tại hội nghị tài chính toàn cầu ở Hàn Quốc hôm 19-5, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2008 cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng kinh tế toàn cầu có thể đã qua đi, nhưng khả năng phục hồi còn mất nhiều thời gian vì các khoản nợ khổng lồ khắp nơi trên thế giới. Theo ông, các chỉ số kinh tế khác nhau cho thấy tỷ lệ sụt giảm đã dịu lại. “Dòng” tín dụng bắt đầu “chảy”, nhờ sự can thiệp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng trung ương các nước nới lỏng sức ép trên thị trường tài chính.

Tuy nhiên, giáo sư Krugman cho rằng sự ổn định hiện nay của các thị trường tài chính toàn cầu chỉ cho thấy tỷ lệ suy giảm kinh tế chậm lại, chứ chưa thể phục hồi khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng. Ví như Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể thoát khỏi khủng hoảng sớm nhất là vào mùa hè này, nhưng nạn thất nghiệp có thể làm kinh tế trì trệ trong 5 năm nữa. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên tới 8,9% trong tháng 4 và dự báo tới 10% vào cuối năm nay. Quý đầu năm nay, kinh tế Mỹ tăng trưởng âm 6,1%, tệ hại hơn dự kiến. Giáo sư cho rằng các gói kích thích kinh tế của chính quyền Tổng thống Barack Obama chỉ tương đương 1% GDP, chưa đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế. Ông đề nghị tăng lên 4% GDP, đồng thời đổi mới hệ thống tài chính theo hướng siết chặt quản lý các định chế tài chính cũng như các quỹ đầu tư.

Giáo sư Krugman sinh năm 1953. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1974, ông tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ tại Học viện công nghệ Massachussetts (MIT) năm 1977. Ông giảng dạy tại Đại học Yale, MIT và Stanford, trước khi tới Princeton cho tới nay. Giáo sư Krugman là tác giả của 20 cuốn sách và hơn 200 bài báo chuyên đề kinh tế. “Thuyết thương mại mới” của ông là sự xem xét lại lý thuyết về thương mại quốc tế. Mới đây, tạp chí Time bầu chọn ông là một trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới.

Giáo sư Krugman cảnh báo khủng hoảng tài chính tạo ra những mối đe dọa đối với toàn cầu hóa khi nhiều nước đưa ra các giải pháp bảo vệ nền kinh tế của họ từ tác động bên ngoài. Chủ nghĩa bảo hộ sẽ khó bị đào thải trước xu hướng các nước tập trung vào xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Điều đó sẽ tạo ra tình trạng cạnh tranh giảm chi phí xuất khẩu để thúc đẩy thặng dư thương mại.

Nguồn lực thúc đẩy các nền kinh tế hồi phục, theo giáo sư Krugman, là vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Giáo sư cho rằng nhu cầu đầu tư tăng từ cuộc cách mạng kỹ thuật và các chính sách giảm khí thải của các nước sẽ góp phần khắc phục khủng hoảng. Các giải pháp cắt giảm khí thải carbon sẽ tạo cơ hội đầu tư mới, mở ra cuộc cách mạng công nghệ trên toàn thế giới.

N.KIỆT (Theo AFP, AP, CAN, Bloomberg)

Giáo sư Paul Krugman:
Việt Nam là câu chuyện thần kỳ về phát triển kinh tế

Trong cuộc họp báo ngắn được tổ chức tại TPHCM chiều 20-5, Giáo sư Paul Krugman - chủ nhân duy nhất của giải Nobel Kinh tế 2008, người vừa được tạp chí Time bình chọn là một trong 20 nhà khoa học và nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009 đã cho rằng: Việt Nam là câu chuyện thần kỳ về phát triển kinh tế.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên: Với tư cách là “cha đẻ” thuyết thương mại mới, trong tương lai ông sẽ đưa ra các học thuyết gì? Giáo sư Paul Krugman cho rằng: Đó sẽ là các thuyết về làm thế nào để các nước có xuất phát điểm thấp có thể phát triển nhanh hơn các nước khác; làm thế nào để có thể tận dụng được các cơ hội trong hội nhập để phát huy được lợi thế cạnh tranh, phát triển kinh tế. Theo Giáo sư, Việt Nam là một thí dụ về việc này. Hiện tại, khi nhiều nước đang phải chật vật đối phó với suy giảm kinh tế, tại Việt Nam kinh tế vẫn tương đối bình ổn và có sự tăng trưởng tương đối tốt hơn so với nhiều nước khác.

Nhận định về các giải pháp chống suy giảm kinh tế của các quốc gia trên thế giới, giáo sư nhận định: Suy giảm kinh tế có thể còn kéo dài hơn chúng ta dự kiến. Các gói kích cầu còn quá nhỏ, chưa đủ sức vực dậy nền kinh tế. Ví dụ, như tại Mỹ, gói kích cầu của Chính phủ mới chỉ chiếm khoảng 2,5% GDP, cần phải nâng lên từ 4 đến 5% GDP mới phát huy tốt hiệu quả. Các gói kích cầu hiện chưa tạo ra nguy cơ lạm phát mà vẫn phải chú ý nhiều hơn đến yếu tố giảm phát...

HÀ HUY HIỆP (TTXVN)

Chia sẻ bài viết