28/09/2009 - 20:46

Giáo dục nghề nghiệp từ trung học phổ thông

Học sinh trung học phổ thông ở Mỹ trong tiết thực hành thí nghiệm.
Ảnh: acteonline.org

Cấu trúc chương trình học THPT của Mỹ cho phép học sinh chủ động, linh hoạt định hướng tương lai sau khi tốt nghiệp: đi làm hoặc tiếp tục học nâng cao nghề nghiệp tại các trường cao đẳng nghề hoặc học tiếp lên đại học... THPT ở Mỹ bao gồm lớp 9 đến lớp 12. Ngay từ lớp 9, học sinh bắt đầu học những môn học hướng nghiệp hoặc chuẩn bị cho bậc đại học. Ở THPT có các dạng trường: THPT (general high schools), trung học chuyên nghiệp (vocational high schools), trung học dự bị đại học (college preparatory high schools hay prep. schools) và các trường phổ thông đặc biệt (special high schools, alternative high schools) dành cho số ít đối tượng học sinh đặc biệt có nhu cầu giáo dục riêng, phù hợp với mình.

Ở lớp 12, học sinh học rất thoải mái và chuẩn bị chuyển tiếp vào đại học hoặc ra đi làm. Những khó khăn, căng thẳng của bậc học THPT đã được hoàn tất trong năm lớp 11 với các kỳ thi quan trọng như SAT hoặc ACT- được coi như là các kỳ thi tốt nghiệp trung học, có tính chất quốc gia, do các tổ chức khảo thí uy tín đề ra. Kết quả của những kỳ thi này cũng sẽ được các trường đại học và cao đẳng xem xét khi nhận sinh viên vào học.

Tại những nước phát triển khác, học sinh chỉ học các chuyên ngành khi vào năm thứ hai đại học. Nhưng tại Mỹ, từ đầu thế kỷ 20, nhiều trường THPT đã cho học sinh lựa chọn môn học hướng nghiệp hay các môn chuẩn bị cho chương trình đại học. Các trường THPT dạy các môn hướng nghiệp, đưa ra một chương trình có phần chuyên môn hóa kỹ thuật và thực hành ở trình độ cao, cộng với phần học tại cơ sở làm việc thực tế nhằm chuẩn bị nghề nghiệp cho học sinh trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, tiếp thị, kinh doanh, cơ khí và y tế... Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và Kỹ thuật (Association for Career and Technical Education)- hiệp hội lớn nhất và rất có uy tín tại Mỹ- được thành lập để thẩm định chất lượng loại hình giáo dục này. Theo đó, các trường THPT tại Mỹ phải đáp ứng yêu cầu then chốt: chương trình học chuẩn hóa, thiết thực; cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, đầy đủ.

Học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu đặc biệt có thể tham gia học các lớp Advanced Placement (AP) hay Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate- IB) ngay từ bậc THPT. Đây là hình thức giáo dục dự bị đại học dành cho học sinh chuyên, học sinh năng khiếu, rất phổ biến tại Mỹ và Canada. Lớp AP được học từ lớp 10-12, là chương trình có trình độ đại học đại cương. AP có tổ chức kỳ thi riêng, cách chấm điểm khá phức tạp và rất khác với cách chấm điểm phổ biến tại các trường trung học Mỹ. AP đánh giá bằng điểm số (từ 1- 5) thay vì thang điểm thông thường bằng chữ (từ A- F). Để tạo điều kiện cho các học sinh giỏi theo học lớp AP, một số tiểu bang có chính sách miễn giảm học phí và chi phí thi cử đối với học sinh lớp AP. Lớp IB thuộc chương trình rộng hơn và có tính toàn diện gọi là Chương trình Diploma Tú tài quốc tế - IB Diploma Programme. Lớp này được học ở lớp 11 và 12.

Hầu hết các trường cao đẳng và đại học sẽ xem xét kết quả điểm thi các môn AP và IB để nhận sinh viên vào trường. Các lớp AP và IB được coi tương đương với các lớp năm thứ nhất đại học. Tương tự, ở các bang mà hệ thống trường cao đẳng cộng đồng phát triển tốt, có cơ chế từ học khu (School districts) cho phép học sinh giỏi tham gia các lớp trong hệ cao đẳng cộng đồng vào dịp hè, cuối tuần hay ban đêm. Các học phần học sinh tích lũy sẽ được xét chuyển tiếp khi vào đại học. Nhờ đó, học sinh có thể rút ngắn thời gian học đại học.

LÊ HOÀNG TUẤN
(Văn phòng Du học Saigontourist)

Chia sẻ bài viết