17/10/2017 - 08:56

Giằng co quyền lực trên chính trường Iran 

Trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, các nhà phân tích cho biết giới chính trị bảo thủ tại Tehran có thể nhân cơ hội này trỗi dậy giành ưu thế trước phe cải cách.

Hồi tuần rồi, Tổng thống Trump bất chấp phản đối của đồng minh và quốc tế đã tuyên bố không xác nhận Iran đang tuân thủ Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký kết năm 2015 với nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức). Ông chủ Nhà Trắng thậm chí cảnh báo Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận nói trên nếu không tìm được giải pháp ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa liên lục địa. Phát biểu ngay sau đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (ảnh) khẳng định thỏa thuận hạt nhân là không thể tái đàm phán. Ông Rouhani cũng đe dọa Tehran rút khỏi hiệp định nếu không bảo vệ được lợi ích quốc gia.

Ảnh: AP

Theo giới quan sát, đoàn kết nội bộ chống lại cách tiếp cận cứng rắn của Washington đang là ưu tiên hàng đầu trong giới tinh hoa chính trị của Iran. Thỏa thuận hạt nhân vốn được ông Rouhani và phe cải cách ủng hộ cũng vì thế trở thành vấn đề chính trị nhạy cảm trong nước. Dựa trên mối quan hệ căng thẳng với Mỹ hiện nay, đồng minh của ông Rouhani lo ngại tình hình này không chỉ khiến uy tín của tổng thống sụt giảm, mà còn là “cơ hội vàng” cho phái bảo thủ trong cuộc giằng co quyền lực với chính phủ theo đường lối ôn hòa.

Kể từ khi nhậm chức năm 2013, Tổng thống Rouhani đã cam kết theo đuổi chính sách giảm căng thẳng với thế giới. Đường lối này không chỉ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước mà còn giúp Tổng thống Rouhani gia tăng uy tín trên trường quốc tế, đồng thời giảm sự ảnh hưởng của phe bảo thủ vốn phản đối tự do kinh tế và mở cửa với phương Tây. Nhưng cục diện này có thể thay đổi nếu thỏa thận hạt nhân bị đổ vỡ. Phe cải cách ủng hộ đường lối ôn hòa của Tổng thống Rouhani sẽ đối mặt tổn thất chính trị nghiêm trọng trước phái bảo thủ đang kiểm soát ngành tư pháp, lực lượng an ninh và giới truyền thông.

Giới ngoại giao Mỹ xoa dịu tình hình

Sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân Iran đang được đẩy về tay Quốc hội Mỹ. Các nhà lập pháp trong 60 ngày sẽ xem xét có thể sửa đổi hoặc áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran hay không. Nhưng ngay cả khi Quốc hội bác bỏ khả năng trừng phạt, thỏa thuận này vẫn có thể gặp nguy hiểm nếu Washington và Tehran áp dụng các biện pháp trả đũa lẫn nhau.

Trong tuyên bố hôm 16-10, các quan chức Chính phủ khẳng định Washington cam kết duy trì một phần trong thỏa thuận hạt nhân Iran, bất chấp chỉ trích trước đó của Tổng thống Trump. Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết Washington đang phối hợp với đồng minh châu Âu và đối tác khác trong nỗ lực duy trì hiệp định nói trên.

Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói rằng quyết định của Tổng thống Trump trong vấn đề Iran có liên quan trực tiếp đến CHDCND Triều Tiên. Theo bà Haley, Nhà Trắng thông qua động thái này muốn gởi đi thông điệp, rằng Washington không bao giờ chấp nhận “thỏa thuận tồi tệ” tương tự để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Tillerson hôm 15-10 cho biết Tổng thống Trump đã đề nghị ông tiếp tục theo đuổi nỗ lực ngoại giao nhằm làm giảm căng thẳng với Bình Nhưỡng. Những nỗ lực này, theo ông, sẽ duy trì cho đến khi “quả bom đầu tiên rơi xuống”.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết