20/04/2009 - 20:37

"Gian nan rèn luyện mới thành công"

* SƠN HÀ

Theo những mũi tên chỉ đường vào “Trung tâm luyện vẽ An Bằng Đung”, chúng tôi tìm đến nhà thầy giáo An Bằng Đung (ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều). Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là những bức tượng Bác Hồ do thầy giáo Đung tạo nên. Trong căn phòng làm việc, phía trước ngôi nhà khang trang mà thầy Đung cất công gầy dựng, thầy nói giọng tâm tình: “Vẽ, tạc tượng chỉ là nghề phụ. Nhưng để tạc tượng Bác Hồ được nhiều người chấp nhận, tôi xem như bao công sức tự mày mò, tự học của mình đã khá thành công... Bài học lớn nhất tôi học ở Bác Hồ là ý chí, là quyết tâm vượt qua gian khó bằng tinh thần lạc quan”... Nhiều năm qua, thầy An Bằng Đung là tấm gương tiêu biểu cho ý chí tự học, sự cần cù lao động và khát vọng, nghị lực vươn lên, làm giàu chân chính.

Người lính cụ Hồ

17 tuổi, thầy giáo An Bằng Đung đã xung phong đi bộ đội, có mặt ở mặt trận Trung Trung bộ - một trong những chiến trường ác liệt vào những năm 1971 - 1975. Thầy kể lại chuyện cũ, đầy tự hào: “Tinh thần của lớp thanh niên trẻ chúng tôi lúc bấy giờ hừng hực khí thế, muốn góp sức cho cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, sẵn sàng hy sinh. Có lẽ thế mà chúng tôi rất lạc quan, chỉ nghĩ đến chiến thắng”. Chính niềm tin và lạc quan ấy đã giúp anh bộ đội An Bằng Đung vững vàng, anh dũng trong chiến đấu, đạt nhiều danh hiệu, huân, huy chương: Dũng sĩ quyết thắng, Huân chương Quyết thắng hạng Ba, Huy chương Chống Mỹ cứu nước, Huy chương Giải phóng, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì...

 Thầy An Bằng Đung chỉnh sửa hoàn chỉnh tượng Bác Hồ. Ảnh: S.H

Thầy An Bằng Đung nói, rất ngưỡng mộ những anh hùng dám xả thân vì nước và người thầy trên bục giảng. Vì thế, sau hòa bình năm 1975, anh bộ đội An Bằng Đung chuyển sang công tác trong ngành giáo dục. Cuộc đời dạy học của thầy cũng lắm nỗi truân chuyên, chuyển từ Trường cấp II, III Hòa Vang - Quảng Nam Đà Nẵng sang Trường Cao đẳng sư phạm Cửu Long. Tại đây, thầy lập gia đình, những tưởng sẽ ổn định nhưng lại lần lượt được thuyên chuyển công tác từ Trường Tài chính kế toán sang Trường Nghiệp vụ kinh tế, rồi Trường Trung học Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. Tôi hỏi thầy có mệt mỏi với sự thuyên chuyển liên tục ấy không? Thầy cười hồn hậu: “Ngày đất nước có chiến tranh cần người cầm súng đánh giặc thì mình ra trận; ngày hòa bình, Đảng cần người xây dựng thì mình sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ đâu. Ngay cả khi phải nghỉ dạy chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, rồi làm cán bộ khuyến nông của tỉnh Hậu Giang (cũ), tôi vẫn vui và cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.

Nhưng chính từ sự luân chuyển liên tục ấy đã giúp thầy giáo An Bằng Đung nêu cao ý chí tự học và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp hiếm thấy. Từ một anh bộ đội chỉ cầm súng đánh giặc ngoài mặt trận, nay trở về làm người thầy dạy chữ, truyền đạt kiến thức là một thử thách lớn. Thế nhưng, vượt qua mọi trở ngại về thời gian, công việc, với lý tưởng nghề nghiệp và bằng lòng tự trọng của một người lính Cụ Hồ, thầy đã thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, nhận bằng Cử nhân Triết học, rồi được cử vào học tại Trường Nguyễn Ái Quốc. Thế mà vẫn chưa thể hiện hết ý chí tự học ở thầy, có thể nói thời gian làm cán bộ khuyến nông cho tỉnh mới là thử thách lớn hơn cả. Phải đi nói chuyện về giống, về phân, về kỹ thuật nuôi trồng cho bà con nông dân, làm thế nào đây? Nếu không có kiến thức thì không thể truyền đạt, kiến thức không đủ cũng không thể giảng giải cho bà con hiểu. Công việc này như vượt quá tầm của thầy. Thế là, thầy phải tự mày mò, đọc sách, đi thực tế, xuống tận vườn, tận ruộng trao đổi trực tiếp với bà con nông dân. Vậy mà không lâu sau, thầy đã có nhiều bài viết giới thiệu về các giống lúa mới năng suất cao... đăng tải trên nhiều báo chuyên ngành nông nghiệp.

Vượt khó...

Thầy giáo An Bằng Đung luôn có khát vọng và quyết tâm vượt khó làm giàu chính đáng. Ngay từ những ngày đầu kết hôn, thầy đã khuyến khích động viên vợ (cũng là một giáo viên) nhận dệt thêm thảm cói (lác), thảm đay ngoài giờ dạy. Ngâm đay, ngâm cói đến mủn cả da, xước đay, xước cói đến chảy máu tay và xe đay, xe cói đến mỏi rã đôi chân, vẫn không làm thầy nản lòng. Khi bị giảm biên chế vì trường không còn nhu cầu đối với giáo viên Triết học, thầy ở nhà đi bán cà rem. Thầy nhớ lại: “Ngày đầu đi bán, cảm giác mắc cỡ lắm, nên lựa toàn những chỗ... vắng vẻ ít gặp người quen. Thế là, cả ngày trời chỉ bán được 100 cây. Bao nhiêu đó thì không đủ tiền xoay xở”. Thầy tự nhủ: “Mình làm thêm để kiếm sống, không thể mắc cỡ, phải tìm những chỗ đông người, có trẻ em, học sinh thôi...”.

Chính những suy nghĩ đó đã giúp thầy vượt qua mặc cảm bản thân, cố gắng lao động kiếm tiền, đảm bảo chi tiêu cho gia đình, lo cho hai đứa con ăn học. Thầy đã vất vả làm đủ các nghề, từ bán cà rem, chở hàng mướn, rồi bán bánh bao... Những tháng năm đó, hình ảnh một thầy giáo trên bục giảng vẫn không thôi đau đáu trong tâm trí thầy. Và năm 1995, thầy quyết quay trở lại trường học, chính thức trở thành giáo viên dạy Giáo dục công dân của Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng.

Công việc xem như đã ổn nhưng cái nghèo vẫn chưa buông tha. Thầy nghĩ: “Sao người ta làm giàu được, còn mình thì không? Chẳng lẽ cứ mãi chịu nghèo? Thầy giáo làm giàu được thì an tâm giảng dạy hơn, chứ sao đâu!”. Thế là thầy điểm lại các năng khiếu của mình, từng say mê vẽ truyền thần và tạc tượng, đó cũng là nghề truyền thống ở quê hương Ninh Bình của thầy. Tin mình làm được, thầy bắt tay vào thử, lấy ngay hình tượng Bác Hồ để thách thức mình. Thầy lý giải: “Người ta có thể tạc thành công những chân dung anh hùng, nhưng mấy ai thành công với tượng Bác Hồ, vì Bác là bậc vĩ nhân của cả nhân loại, cái hồn, cái thần trên từng nét mặt, trong dáng vẻ của Người không phải nghệ nhân nào cũng dễ dàng nắm bắt và thể hiện. Nhưng nếu khắc, tạc được chân dung Bác sẽ thể hiện được các chân dung khác”. Công việc xem ra không hề đơn giản, bởi ngoài niềm đam mê, một chút tự nhận là “có năng khiếu”, thầy An Bằng Đung chưa hề có chút kiến thức cơ bản nào về điêu khắc. Thế là, thầy tìm các giáo trình về điêu khắc, vẽ truyền thần của Trường Mỹ thuật, cả tài liệu tiếng Nga về đọc và suy ngẫm. Tuy không có bằng đại học về Mỹ thuật nhưng hầu hết các giáo trình về điêu khắc, mỹ thuật thầy đều nằm lòng. Có kiến thức, thầy lao vào tìm nhiều hình ảnh về Bác ở mọi tư thế, nào là hình Bác trong các hội nghị, hình Bác với thiếu nhi, với các cụ già... ghi nhớ từng nét mặt, cử chỉ, ánh mắt... của Bác. Với quyết tâm và nỗ lực của mình, cuối cùng, thầy An Bằng Đung cũng tạc được tượng Bác. Và nơi đặt hàng đầu tiên là Văn phòng Tỉnh ủy Cần Thơ (cũ). Thầy xem kết quả này như một tấm bằng chứng nhận khả năng của mình. Bắt đầu từ đó, thầy được nhiều đơn vị khác đặt hàng làm tượng Bác hay các tượng về danh nhân, anh hùng như tượng Hải Thượng Lãn Ông, Lý Tự Trọng... Thầy cũng không giấu nghề, ai có tâm với nghề, thầy sẵn sàng chỉ bảo. Hiện nay, hàng năm có khoảng hơn 40 học sinh theo học vẽ với thầy để phát triển năng khiếu, thi vào các Trường Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật...

Cùng với việc tạc tượng, vẽ tranh, tận dụng những kiến thức nông nghiệp tích lũy được, thầy đào hầm, xây hồ nuôi ba ba; trồng hoa lan, cây kiểng... tạo nguồn thu nhập cho gia đình. Bây giờ, cuộc sống gia đình thầy trở nên khấm khá.

Còn nhớ, hôm tôi đến nhà, đúng lúc thầy An Bằng Đung đang chăm sóc vườn mai kiểng. Trong câu chuyện, thầy kể: Vụ mai Tết vừa rồi, người trồng mai gần như thất bại hoàn toàn do thời tiết thất thường nhưng thầy bán được vài chục gốc, kiếm được cả chục triệu đồng. Nghe vậy, tôi hỏi đùa: “Bây giờ cuộc sống đầy đủ hơn, thầy có định bỏ nghề chuyển sang tạc tượng, kinh doanh ba ba hay trồng mai Tết?”. Thầy cười rồi nói như khẳng định: “Lúc khó khăn đã không bỏ nghề thì cớ sao bây giờ có điều kiện lại bỏ. Không bao giờ tôi bỏ nghề dạy học. Tôi có thể chưa giàu có về tiền bạc như nhiều người, nhưng tôi là một thầy giáo có chút tính nghệ sĩ, tôi khao khát có tác phẩm nghệ thuật để đời và giáo dục học sinh sống có hoài bão, có lý tưởng và biết sống đẹp và trân trọng cái đẹp thế là đủ”.

Thầy An Bằng Đung là một trong những nhân vật được chọn để giới thiệu trong Hội thi kể chuyện về gương điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của ngành giáo dục thành phố. Thầy xúc động, bày tỏ: “Tôi cố gắng làm theo lời Bác chỉ dạy chứ chưa thể xem mình đã học tập được gì nhiều ở Bác, bởi Bác quá cao cả và vĩ đại. Tôi luôn tự nhủ phải sống tốt, dạy tốt, hướng dẫn, giáo dục lớp trẻ phát triển tài năng, rèn luyện đạo đức, trong đó có các con tôi...”. Em Huỳnh Phương Thảo, lớp 12A3, nói: “Thầy Đung không chỉ dạy Giáo dục công dân theo giáo trình mà còn dẫn giải những câu chuyện giáo dục nhân cách con người, cách hành xử giữa con người với con người... để chúng em rút kinh nghiệm, có một hành trang vững vàng bước vào đời”. Các con thầy cũng đã học được từ bản lĩnh của thầy, đã thấy những khó khăn, nhọc nhằn mà ba, mẹ đã phải nếm trải nên rất cố gắng học tập. Giờ đây, cả hai người con trai của thầy đều thành đạt, một người đang đi nghiên cứu sinh ở Pháp, một đang nghiên cứu sinh ở Mỹ. Thầy rất tâm đắc câu nói của Bác: Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người. Thầy An Bằng Đung luôn khát khao chăm bồi đạo đức, năng khiếu cho thế hệ trẻ, những thanh niên rường cột của nước nhà sau này.

Thầy Võ Đức Chỉnh, Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, nhận xét: “Thầy An Bằng Đung là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trụ cột của trường, lúc nào thầy cũng hòa đồng, sẵn sàng giúp đỡ những giáo viên trẻ tiến bộ. Thầy Đung còn giúp Đoàn thanh niên giảng dạy các lớp cảm tình Đảng và tích cực giúp đỡ học sinh nghèo của trường như nhận luyện vẽ miễn phí, giúp tài liệu... Tổ Giáo dục công dân của thầy đã nhận đỡ đầu cho một em học sinh nghèo của trường... Ở thầy, không chỉ là người sống đạo đức, mẫu mực, một giáo viên nhiệt tình, dạy tốt mà luôn thể hiện là chỗ dựa tinh thần của các em học sinh nghèo, hiếu học”.

Chia sẻ bài viết